Thiết bị giám sát hành trình xe khách: Có cũng như không

TP - Được trang bị để cơ quan chức năng giám sát hành trình, tốc độ, tuy nhiên qua kiểm tra, Sở GTVT Hà Nội phát hiện, thiết bị giám sát hành trình - GPS trên 15.500 ô tô chở khách trên địa bàn không thường xuyên hoạt động. Trong số này có xe chở khách, xe buýt và taxi.
Xe 17B -00146 đổ khách trên đường và bỏ chạy ngày 2/5, sau khi kiểm tra GPS xe thuộc đơn vị chủ quản lý là Xí nghiệp vận tải 27/7 Đông Hưng (Thái Bình).

Hôm qua, 16/5, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, thực hiện quy định của Bộ GTVT, từ năm 2015 tất cả các xe kinh doanh vận tải hành khách, trong đó có xe khách, xe buýt, taxi… phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình – GPS để phục vụ công tác quản lý.

Thông qua việc truyền số liệu giám sát về hệ thống máy chủ, thiết bị sẽ như một “hộp đen” vừa giúp đơn vị chủ quản quản lý được xe, quá trình làm việc của tài xế vừa giúp cơ quan quản lý Nhà nước biết được hành trình hoạt động hằng ngày, tốc độ xe chạy trên đường và cả lịch sử hoạt động lâu dài trước đó.

Tuy nhiên, qua giám sát một tháng vừa qua, Sở GTVT Hà Nội phát hiện có tổng cộng 16.610 xe ô tô kinh doanh vận tải thiết bị GPS không hoạt động, truyền dữ liệu thường xuyên. Trong số này có 1.043 xe ô tô, chủ yếu là xe kinh doanh vận tải, như taxi, xe khách thậm chí có cả xe buýt…

Tại các thời điểm kiểm tra, Sở GTVT phát hiện suốt 31 ngày (1 tháng) thiết bị GPS lắp trên các xe này không truyền số liệu về hệ thống máy chủ tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng như phân nhánh ở Sở GTVT Hà Nội. Với những vi phạm trên, ông Hà Huy Quang đã ký văn bản số 725/QĐ-SGTVT thu hồi phù hiệu (đồng nghĩa với dừng hoạt động) của 1.043 ô tô chở khách trong vòng 1 tháng.

Trong số xe này, có 119 taxi của các hãng như Mai Linh, CP Hà Nội, An Dân, Thành Công, Bảo Việt…; 51 phù hiệu xe khách tuyến cố định, trong đó có xe của các DN vận tải: Cty CP Ô tô vận tải Hà Tây, Cổ phần xe khách Hà Nội, 27/7 Thanh Xuân, Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội; 12 phù hiệu xe buýt, trong đó có xe của các DN vận tải: Cty CP DV&VT Bảo Châu, Cty TNHH DL&TM Bảo Yến, Trung tâm Tân Đạt; 566 phù hiệu xe chở khách hợp đồng; 147 phù hiệu xe container… “Các đơn vị được thống kê, nêu tên trong văn bản có trách nhiệm nộp phù hiệu hoạt động về Sở GTVT Hà Nội trong vòng 7 ngày tới”, ông Quang nhấn mạnh.

Với 15.567 xe của 3.996 đơn vị vận tải có thiết bị GPS không hoạt động từ 1 đến dưới 30 ngày, ông Quang cho biết, Sở GTVT cũng ra văn bản nhắc nhở, yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục. Nếu sau đó vẫn tiếp tục vi phạm, thời gian tới Sở GTVT sẽ ra văn bản thu hồi phù hiệu theo quy định.

Kiểm tra GPS, phát hiện xe vi phạm chạy trốn

Là đơn vị có 3 xe taxi bị thu hồi phù hiệu 1 tháng, gồm: 29A-32843, 29A-12490, 29A-16433 được nêu trong văn bản của Sở GTVT Hà Nội, trao đổi với PV Tiền Phong chiều 16/5, Giám đốc hãng Taxi An Dân cho biết, các xe trên vẫn hoạt động bình thường và đã được trang bị thiết bị giám sát hành trình. Tuy chưa nhận được văn bản chính thức của Sở GTVT nhưng đến ngày 17/5 hãng sẽ triệu hồi cả 3 xe về trung tâm để kiểm tra.

Thông tin về 3 xe buýt BKS: 29B-09201, 29B-09257, 29B-09197 bị Sở GTVT ra thông báo có thiết bị GPS trong 31 ngày không truyền dữ liệu về các trung tâm theo dõi, ông Ngô Văn Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Tân Đạt cho rằng, tất cả hệ thống xe buýt tại Trung tâm đều được trang bị GPS đầy đủ và thường xuyên được kiểm định. Với 3 xe không truyền được dữ liệu trên, có thể thời gian qua không hoạt động hoặc vào xưởng sửa chữa, Trung tâm sẽ kiểm tra cụ thể tình trạng 3 xe này.

Liên quan trường hợp xe khách giường nằm 17B-001.46 treo biển chạy tuyến Thái Bình - bến Nước Ngầm nhưng khi đến Hà Nội chiều 2/5 lại trả khách trên đường, không vào bến, việc này đã được Thanh tra giao thông Hà Nội phát hiện, ra hiệu xử lý.

Tuy nhiên, tại thời điểm phát hiện khi xe đang đổ khách trên phố Trần Thủ Độ (gần bến xe Nước Ngầm), lái xe đã không chấp hành mà vội đóng cửa bỏ chạy ra đường cao tốc. Sau khi phối hợp với các bến kiểm tra, Thanh tra giao thông Hà Nội cho biết, xe giường nằm 17B-00146 không có “nốt” (hợp đồng vận tải) hoạt động ở Hà Nội.

Tại Phòng nghiệp vụ về giám sát thiết bị hành trình ô tô của Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa qua, sau khi đọc biển số xe 17B-00146, lãnh đạo Vụ Vận tải, Tổng cục đã tra hệ thống theo dõi GPS và được biết, xe 17B-00146 kinh doanh vận tải tại tỉnh Thái Bình, xe đứng tên cơ quan chủ quản là Xí nghiệp vận tải 27-7 Đông Hưng.

Trên bản đồ theo dõi hành trình GPS, xe không có đăng ký hoạt động tuyến tại bến xe Nước Ngầm cũng như tại Hà Nội. Chiều 16/5, đại diện Sở GTVT Thái Bình cho biết, đã tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí phản ánh và đang yêu cầu đơn vị chủ quản lên làm việc về hành vi chở khách vượt tuyến, không đúng địa bàn.

Tuy nhiên, qua giám sát một tháng vừa qua, Sở GTVT Hà Nội phát hiện có tổng cộng 16.610 xe ô tô kinh doanh vận tải thiết bị GPS không hoạt động, truyền dữ liệu thường xuyên. Trong số này có 1.043 xe ô tô, chủ yếu là xe kinh doanh vận tải, như taxi, xe khách thậm chí có cả xe buýt…