Thi toán trên mạng: Hãy để sân chơi chỉ là sân chơi

TS Lê Thống Nhất nói hãy coi cuộc thi trên mạng là sản phẩm giáo dục để phụ huynh, giáo viên, học sinh tự lựa chọn có dùng hay không. Bởi vậy Bộ GD-ĐT có thể không đứng ra tổ chức. Hãy để sân chơi chỉ là sân chơi!.
Nhiều tranh cãi xung quanh các cuộc thi qua mạng trong trường học.

Trong khi nhiều người lên tiếng về việc các cuộc thi trên mạng gây áp cho học sinh vì bệnh thành tích thì cũng không ít phụ huynh cho rằng con em họ tham gia vì mục tiêu khẳng định bản thân. 

Chị Hoàng Thị Hà, Văn Lâm, Hưng Yên chia sẻ, 5 năm qua con chị có cơ hội được làm quen với tiếng Anh qua cuộc thi IOE trên mạng... Nhờ vào sự tự phấn đấu học tập cũng như sự khích lệ của thầy cô và gia đình, dựa vào cuộc thi IOE làm nền tảng, có cạnh tranh và có sự ganh đua... con chị đã hình thành mục tiêu để vươn lên. Con đã hiểu mình phải làm sao để học thật giỏi, biết thật nhiều thật rộng thì mới chiến thắng được các cuộc thi...

Chị Hoàng Thị Hà chia sẻ, là phụ huynh học sinh, chị luôn suy nghĩ và động viên con rằng: "Các cuộc thi như vậy là một hình thức để đánh giá kiến thức của con được đến đâu, nhưng cái chính mà mẹ muốn nói với con rằng, để cuộc sống sau này của con không phải vất vả, không phải khổ sở chân lấm tay bùn... thì điều đầu tiên con cần là phải có kiến thức, có hiểu biết để thay đổi cuộc sống của mình tốt đẹp hơn".

Với mục tiêu khẳng định kiến thức, định hướng của gia đình và sự phấn đấu của con, bản thân là một phụ huynh, chị Hà đánh giá đây là những sân chơi lành mạnh và mang lại nhiều điều bổ ích.

TS Lê Thống Nhất cho rằng, ViOlympic và IOE không đơn thuần là thi trắc nghiệm. Khi đưa ra các cuộc thi này, ông nghĩ đây chỉ là sân chơi chứ không bao giờ dùng từ "thi học sinh giỏi", kể cả thể lệ cuộc thi, giúp các em chơi mà học để cảm thấy thích học hơn. Và IOE lại càng không phải cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh vì chỉ thi 3 kĩ năng trong 4 kĩ năng cần rèn luyện với môn ngoại ngữ. Tuy nhiên với nhiều nơi thì việc rèn được 3 kĩ năng này với sự trợ giúp của IOE đã có nhiều tác dụng.

Theo quan điểm của ông, cuộc thi trên Internet có ưu điểm là lan rộng, dễ tiếp cận, nhưng cũng không tránh khỏi những sự cố do đường truyền, cấu hình máy tính, rủi ro về hệ thống. Do đó, ngay thể lệ cuộc thi cũng nhấn mạnh là "tự nguyện" và "không lấy kết quả thi để đánh giá giáo viên hay nhà trường" nhưng một số Phòng GD-ĐT hoặc nhà trường không thực hiện đúng điều này, dẫn đến gây sức ép cho nhà trường hoặc giáo viên và tiếp theo là với học sinh.

TS Lê Thống Nhất cũng cho hay, việc cộng điểm để xét vào THCS cũng không có quy định của Bộ vì phân quyền cho các Phòng GD-ĐT nên đây chính là nguyên nhân lớn gây ra cuộc chạy đua thành tích, vì vậy, cần loại bỏ việc này. “Hãy coi đây là một sản phẩm giáo dục để phụ huynh, giáo viên, học sinh tự lựa chọn có dùng hay không. Bởi vậy Bộ có thể không đứng ra tổ chức”- ông chia sẻ.

Ông cho biết, một số cuộc thi trong khu vực như cuộc thi SIMOC tại Singapore mà BTC từng mời ông chứng kiến có học sinh của 14 nước tham gia (cả tiểu học và THCS), Huy chương cũng là của một đơn vị chứ không phải Bộ Giáo dục Singapore tổ chức nhưng phụ huynh các nước vẫn bỏ tiền tốn kém cho con mình đi thi.

Vì vậy, TS Nhất cho rằng, với cuộc thi IOE hiện nay, Bộ GD-ĐT nên đứng ra ngoài cuộc thi để ông bàn với một đơn vị độc lập có thể tự tổ chức hoặc hợp tác với các đơn vị không phải cơ quan quản lý nhà nước tổ chức. Theo quan điểm của ông, có như thế sẽ phù hợp hơn và tránh được các nhược điểm do bị "biến tướng" tạo ra.

Ông mong muốn sẽ có nhiều công ty tạo thêm sân chơi cho các em học sinh như thế này. Bộ chỉ cần xem xét, nếu thấy tốt thì cho triển khai và đừng cấm chơi là được, bởi không cẩn thận các em sẽ tìm đến những sân chơi nguy hiểm trên mạng. Với ông, hãy để sân chơi chỉ là sân chơi!.

Theo Theo An Ninh Thủ Đô