PV Tiền Phong đã trao đổi với người phát ngôn của Bộ GD&ĐT, ông Phạm Ngọc Phương, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, xung quanh vấn đề dư luận đang quan tâm.
Ông lý giải thế nào về tình trạng nghẽn mạng khi mà, ban đầu, Bộ GD&ĐT chỉ giới hạn xem điểm ở trang web của bộ và website của khoảng 20 tờ báo nhưng sau đã phải mở rộng ra trang web của nhiều trường ĐH khác nhưng kết quả vẫn nghẽn?
Nôm na là, khi tra cứu giống như ở trong cùng một thời điểm, chỉ có thể gọi được bao nhiêu số điện thoại hữu hạn. Ví dụ, nếu chỉ vào được 30 cổng trong khi có tới 34 cổng thì lúc nào cũng chỉ có thể là 30 và 4 cổng sẽ luân phiên… không thể vào theo kiểu hình sin như vậy. Bản thân tôi ngồi lấy điểm cho người nhà cũng gặp khó khăn. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ngồi trực tiếp trong phòng máy 1 tiếng 30 phút và luôn chỉ đạo: phải nhanh chóng để phục vụ thí sinh nhưng 1 tiếng 30 phút đầu tiên cực kỳ vất vả, không lấy được điểm cho thí sinh nào vì nghẽn mạng. Tôi, hết chạy từ trang web Bộ GD&ĐT sang các trang của báo Tuổi Trẻ, rồi lại chạy sang trang web của báo Tiền Phong… nhưng đều không tra được, phải chấp nhận tình trạng này. Lúc sau tình trạng có khá hơn, phải mất 15 phút mới lấy được điểm. Dân cũng thế, phải kiên trì.
Câu hỏi được dư luận đặt ra là phải chăng hạ tầng kỹ thuật của ngành quá yếu kém nên mới xảy ra tình trạng trên?
Kể cả các nhà mạng mạnh như Viettel hay VNPT, điều kiện chỉ cho phép trong cùng một thời điểm 60.000 người truy cập là tối đa. Bộ chỉ là một cái máy con trong hệ đó.
Như vậy ngành GD&ĐT đã không tiên lượng được trước khó khăn này?
Tiên lượng được trước nên Bộ GD&ĐT mới phân nhóm học sinh các tỉnh cho 8 trường ĐH giải quyết việc tra dữ liệu: Cần Thơ giải quyết toàn bộ thí sinh của Đồng bằng sông Cửu Long; Đại học Sư phạm TPHCM và ĐH Nông lâm giải quyết toàn bộ vùng Đông Nam bộ và TPHCM; ĐH Đà Nẵng- toàn bộ miền Trung và Tây Nguyên; ĐH Vinh toàn bộ Trung bộ, ĐH Sư phạm Hà Nội và Bách khoa giải quyết toàn bộ nhu cầu, xem điểm của thí sinh ở TP Hà Nội và Bắc Trung bộ; ĐH Thái Nguyên giải quyết toàn bộ các tỉnh miền núi phía Bắc. Trang web của Bộ không nhanh vì thí sinh cả nước truy cập. Và cùng lúc, Bộ dùng server của ba nhà mạng Viettel, CMC, VNPT để tránh trục trặc.
Trong tình hình khó khăn tra cứu điểm thế này, thí sinh có nên tin vào lời mời chào tra điểm qua điện thoại không?
Cũng có các nhà cung cấp dịch vụ đề nghị nhưng Bộ GD&ĐT đã từ chối vì e ngại các trò lừa đảo như một số web đã làm. Thí sinh và người nhà nên kiên nhẫn, hôm nay không tra được thì mai, ngày kia…
Cảm ơn ông.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đầu tư tốn kém hơn
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, ngành đã tính toán dung lượng truy cập là 60.000 người trong khi có 1 triệu thí sinh. Ông cũng cho biết từ xưa đến nay chưa có thời điểm nào xử lý dữ liệu 1 triệu thí sinh cùng lúc như thế này- lượng truy cập quá lớn so với dự kiến nên phải chấp nhận và điều chỉnh dần.
Hoa Ban
Địa chỉ tra cứu điểm tránh tắc nghẽn
Theo Bộ GD&ĐT để tránh nghẽn mạng ngoài tra cứu trang web chủ lực của Bộ và các báo, trong đó có báo Tiền Phong (http://www.tienphong.vn/)…, thí sinh cần tra cứu theo đúng vùng đã phân định như sau. ĐH Cần Thơ (http://thidbscl.ctu.edu.vn) dành cho toàn bộ thí sinh của ĐBSCL; ĐH SP TPHCM (http://tuyensinh.hcmup.edu.vn) và ĐH Nông lâm TPHCM (http://ts.hcmuaf.edu.vn) dành cho thí sinh vùng Đông Nam bộ và TPHCM; ĐH Đà Nẵng (http://thi.ud.edu.vn) dành cho thí sinh toàn bộ miền Trung và Tây Nguyên; ĐH Vinh (http://diemthi.vinhuni.edu.vn/) cho thí sinh ở Trung bộ; ĐH Thái Nguyên (http://tuyensinh.tnu.edu.vn) cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Trang web của 2 trường ĐH Bách khoa (http://thi.hust.edu.vn) và ĐH Sư phạm HN (http://thpt2015.hnue.edu.vn) cho thí sinh ở TP Hà Nội và Bắc Trung bộ.
H.T