Mới đây, hiệu trưởng của một trường ĐH ngoài công lập ở Đà Nẵng đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân của mình để chia sẻ về việc có một trang fanpage tổ chức thăm dò đánh giá giữa 2 trường ĐH A và B (tên trường ĐH đã được phóng viên viết tắt). Trong đó, các nội dung đánh giá về Trường A đều xấu, còn trường ĐH B rất tốt.
Thậm chí, nhiều thông tin liên quan đến tuyển sinh ĐH đăng tải trên trang fanpage này được cho là không khách quan. Những bài viết này, sau đó đã được gỡ bỏ trên trang fanpage khi nhận được nhiều phản ứng cho đây “chiêu trò” hút thí sinh.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho rằng Bộ GD&ĐT đưa ra những yêu cầu trong tuyển sinh đồng thời phải kiểm tra và giám sát đồng đều giữa các trường, không phân biệt công lập hay ngoài công lập.
Thời gian qua, có tình trạng khá lộn xộn trong xét tuyển và gọi trúng tuyển của một số trường. Thậm chí, một số trường dùng những biện pháp cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng mạng xã hội để cố tình dìm hàng trường khác. Điều này là không phù hợp với môi trường giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng.
Do đó PGS. TS Đoàn Quang Vinh khuyên thí sinh khi chọn trường ĐH, CĐ để theo học cũng đồng thời chọn cho mình một con đường lập thân lập nghiệp phải có kiến thức hiểu biết nhất định về trường đó. Ngoài tìm hiểu qua các kênh truyền thông, thì tham khảo kinh nghiệm của các lớp anh chị đi trước là một cách mà nhiều học sinh lớp 12 thường hay sử dụng khi làm hồ sơ đăng ký tuyển sinh ĐH.
Cạnh tranh trong tuyển sinh với sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của cả trường công lập và ngoài công lập đòi hỏi các trường muốn phát triển bền vững ngoài xây dựng hình ảnh phải bảo đảm chất lượng đào tạo.
Đa dạng các hình thức tuyển sinh được xem là cách để tạo thuận lợi cho các trường lựa chọn đầu vào. Nhưng đa dạng hình thức tuyển sinh, nếu không đi kèm với việc tuân thủ chặt chẽ quy chế tuyển sinh, dễ dẫn đến tình trạng nhiều trường cạnh tranh không lành mạnh.