Tri ân, tưởng nhớ
Ban tổ chức giải Tiền phong Marathon 2022 vừa thăm, tặng quà một số cựu tù chính trị Côn Đảo, khởi đầu chuỗi hoạt động liên quan chủ đề "Theo dấu chân huyền thoại". Ông có thể chia sẻ về nội dung, ý nghĩa các hoạt động này, đặc biệt khi được tổ chức ở địa danh lịch sử Côn Đảo?
Nhà báo Lê Xuân Sơn: Như chúng ta đã biết, lịch sử của Côn Đảo hết sức đặc biệt, một huyền thoại bi tráng, thể hiện tinh thần bất khuất, anh dũng và quyết tâm hi sinh đến cùng của cha ông ta để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Nằm trong chương trình chính thức của Tiền Phong Marathon 2022 có một loạt hoạt động mang tính chất đền ơn đáp nghĩa, tri ân, ôn lại truyền thống, gồm Lễ Thượng cờ, trải lá cờ rộng 300 mét vuông ở quảng trường; lễ thắp nến, dâng hương, tri ân tại Nghĩa trang Hàng Dương; đi thăm các cựu tù chính trị đang sinh sống trên đảo và gửi quà tặng cho các cựu tù chính trị Côn Đảo đang sống ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là nhằm hiện thực hóa khẩu hiệu của giải đấu “Theo dấu chân huyền thoại”. Đây là các hoạt động nhằm ôn lại truyền thống, khơi gợi, hun đúc, phát triển thêm tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng và quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, xây dựng đất nước.
Chương trình dâng hương, thắp nến tưởng niệm tại Nghĩa trang Hàng Dương sẽ được tổ chức ra sao?
Nhà báo Lê Xuân Sơn: Trong 113 năm đế quốc, thực dân duy trì nhà tù ở Côn Đảo, chúng đã giam giữ ở đây hàng trăm nghìn lượt người yêu nước, những nhà hoạt động cách mạng, những người cộng sản. Có khoảng 20.000 người hy sinh và hiện nay chỉ có khoảng 2.000 liệt sỹ có mộ ở trên đảo. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói Côn Đảo thực ra là bàn thờ khổng lồ của Tổ quốc. Chúng ta ra Côn Đảo, việc đầu tiên cần làm là thực hiện các hoạt động tâm linh hướng về các anh hùng, liệt sỹ nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Việc tổ chức Lễ dâng hương, thắp nến trên khoảng 2.000 ngôi mộ ở Nghĩa trang Hàng Dương là hoạt động nhất thiết Ban tổ chức phải làm và phải làm cho tốt. Lễ dâng hương sẽ được thực hiện trước ngày thi đấu chính thức với sự tham dự của lãnh đạo T.Ư Đoàn; đại diện Tổng cục TDTT; lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; lãnh đạo đơn vị sẽ đăng cai giải đấu năm tiếp theo; đại diện các đơn vị tham gia tổ chức như báo Tiền Phong, Liên đoàn Điền kinh; các đơn vị đồng hành, các nhà tài trợ; đặc biệt là sự tham gia của nhiều vận động viên và tình nguyện viên. Chúng tôi sẽ cố gắng mời các cô bác từng là cựu tù bị giam giữ ở trên đảo tham gia buổi lễ, thắp nến, dâng hương khoảng 2.000 ngôi mộ trong nghĩa trang.
Vượt tầm một sự kiện thể thao
Liên tiếp các năm trở lại đây, Giải Tiền Phong Marathon đề cập các chủ đề về biển đảo, chủ quyền Tổ quốc, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh. Tờ báo của thế hệ trẻ đứng ra tổ chức giải đấu, ông kỳ vọng gì qua các giải đấu này?
Nhà báo Lê Xuân Sơn: Từ lịch sử Giải việt dã báo Tiền Phong trước đây và Vô địch Quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong ngày nay, chúng tôi luôn cố gắng tổ chức giải đấu thành công, trước hết là giải đấu thể thao, thực hiện nhiệm vụ là giải đấu cấp quốc gia. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, chúng tôi vẫn mong muốn tổ chức một sự kiện vượt tầm một sự kiện thể thao, trở thành một sự kiện mang tính chất kinh-tế xã hội và trong điều kiện có thể sẽ là sự kiện chính trị.
Việc đưa giải Tiền Phong Marathon ra Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), sau đó lên Tây Nguyên (tổ chức tại Pleiku, tỉnh Gia Lai) và bây giờ ra Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là nỗ lực thực hiện trước hết là một giải đấu thể thao với chất lượng tốt nhất, nhưng sự kiện đã vượt lên, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào công tác chính trị. Việc đưa giải đấu ra Lý Sơn nằm trong chương trình “Vì chủ quyền biển đảo” của chúng ta. Đưa giải đấu lên Tây Nguyên-một địa bàn chiến lược-vì nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, thực hiện chương trình trồng 1 tỷ cây xanh mà Thủ tướng phát động. Lần này giải đấu đến với Côn Đảo, vừa là một sự kiện thể thao, vừa khơi gợi tinh thần yêu nước, khơi gợi truyền thống để cho thanh niên, thế hệ trẻ biết được và tự hào về lịch sử đấu tranh cách mạng, truyền thống vô cùng anh dũng của tiền nhân và làm thế nào để nối tiếp được truyền thống ấy.
Dịp diễn ra giải đấu sẽ có hàng nghìn vận động viên và du khách đến với Côn Đảo. Ông kỳ vọng gì về sự lan toả hình ảnh của Côn Đảo, lan toả thông điệp của Ban tổ chức về tinh thần yêu nước, tiếp nối truyền thống cách mạng?
Nhà báo Lê Xuân Sơn: Sẽ có khoảng 3.700 vận động viên và rất nhiều người yêu mến môn chạy bộ đến với Côn Đảo dịp này. Bản thân họ sẽ tiếp xúc, cảm nhận được cảnh quan, tiềm năng phát triển của Côn Đảo và đặc biệt là thấy được những truyền thống lịch sử của Côn Đảo để từ đó lan toả thông điệp Côn Đảo là điểm du lịch tâm linh, du lịch truyền thống cách mạng, là nơi có tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội. Qua hàng nghìn người trực tiếp đến Côn Đảo sẽ lan toả thêm đến hàng nghìn người. Một điều nữa, trong những ngày diễn ra, giải đấu và địa danh Côn Đảo sẽ xuất hiện trên rất nhiều phương tiện truyền thông, thu hút sự chú ý của nhân dân cả nước. Sẽ có rất nhiều người biết đến Côn Đảo, rất nhiều người đến với Côn Đảo. Hơn hết, các nhà đầu tư cũng sẽ nhìn thấy cơ hội đầu tư vào Côn Đảo. Giải đấu này sẽ góp một phần nhỏ của mình vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Côn Đảo.
Cảm ơn ông.
Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, dù gặp rất nhiều khó khăn do sự xa xôi, cách trở và ảnh hưởng của COVID-19, nhưng với sự tham gia rất tích cực của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, huyện Côn Đảo và các đơn vị tham gia Ban tổ chức, các đơn vị hỗ trợ, cơ bản công tác tổ chức đã hoàn tất. “Chúng tôi hy vọng ngày 27/3 tất cả các công việc sẽ chạy một cách trơn tru. Mặc dù điều kiện trên đảo khó khăn hơn trên đất liền rất nhiều, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực và hỗ trợ của các đơn vị tham gia, của rất nhiều người, những điều kiện tốt nhất sẽ được đảm bảo để các vận động viên tranh tài”, ông Sơn nói.