Dọc biên giới những ngày cận tết không còn nhộn nhịp cánh đầu nậu rồ ga, phóng xe công khai chở hàng lậu như trước. Khoảng vài năm nay, dân buôn lậu cao tay cài cắm người cảnh giới trên các nẻo đường theo dõi mọi hoạt động của lực lượng chống buôn lậu.
Dọc đường mòn vào biên giới có sự xuất hiện của dân “đề lô” cảnh giới đường sá từ trên bộ lẫn dưới đường thủy. Ảnh: Việt Văn.
Khi “đề lô” tung hoành
Thiếu tá Mai Hồng Thanh, Phó trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An) cho biết, “đề lô” là từ chỉ những tay chuyên làm nhiệm vụ cảnh giới, canh đường để cánh buôn lậu đưa hàng qua biên giới. Họ được dân buôn lậu thuê làm tai mắt với giá vài trăm nghìn đồng mỗi phi vụ.
Trên tỉnh lộ 839 đoạn qua xã Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa, Long An) cứ cách vài cây số lại có cánh “đề lô” dựng xe bên lề đường ngồi cảnh giới. Chúng tôi khó lòng nhận ra họ là dân “đề lô” nếu không có con mắt nghiệp vụ của thiếu tá Thanh. Từ các quán nước ven đường, chòi lá… đều có tai mắt của dân buôn lậu.
Thấy chúng tôi đi xe mang biển số từ địa phương khác, một dân “đề lô” tên Tâm ngồi trong quán nước của bà Tư ven đường (đoạn qua xã Thuận Bình) tỏ vẻ hoài nghi hất hàm hỏi: “Hai cậu từ Sài Gòn xuống đây à? Đi buôn?”. “Dạ! Tụi em xuống kiếm mối lấy hàng về bán đợt tết”, tôi trả lời. Anh Tâm liền hỏi: “Có quen biết ai ở dưới này không?” “Không”, tôi nói.
Tâm bĩu môi: “Vậy khó lắm cậu em. Giờ ở đây người ta làm ăn kín đáo lắm, không ầm ầm như trước nữa đâu. Mấy ông (cơ quan chức năng – PV) làm căng lắm nên khan hiếm hàng. Phải có mối quen giới thiệu thì may ra”.
Cuộc trò chuyện giữa tôi với anh “đề lô” tên Tâm chưa kết thúc thì điện thoại thiếu tá Thanh reo lên. Chúng tôi vội vã đi tiếp. Lúc này thiếu tá Thanh mới nói lên đó (Đồn biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây) để kịp làm (chuẩn bị có vụ buôn lậu tối nay - PV).
Tiếp giáp với địa phận tỉnh Long An, xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) là nơi phức tạp về tình hình buôn lậu, nơi đây cũng là điểm tập kết của nhiều nài thuốc lá vận chuyển hàng từ Campuchia vào Việt Nam. Các đầu nậu vì thế “chăm sóc” rất kĩ lực lượng chống buôn lậu khi thuê cả một đội ngũ cảnh giới, theo dõi nhất cử nhất động…
Thiếu tá Nguyễn Văn Thành, Chính trị viên Đồn biên phòng Phước Chỉ (Tây Ninh) cho biết, không chỉ cánh “đề lô” canh trước cửa đồn, ở các chốt kiểm soát, trên các tuyến đường cũng có. Mọi hoạt động của lực lượng biên phòng, cánh “đề lô” đều nắm bắt và báo về cho các đầu nậu.
“Nhiều lần anh em trong này ra hỏi, mời đi chỗ khác thì họ vô tư trả lời chẳng làm gì phạm pháp, thích ngồi ở đây ngắm sao trời. Mình biết họ canh mình nhưng cũng không có căn cứ gì để buộc họ phải đi nơi khác”, thiếu tá Thành nói.
Dân “đề lô” ở khu vực biên giới Tây Nam có đủ cách giả dạng để bám theo lực lượng canh chống buôn lậu. Số giả làm dân soi ếch nhái, số thì giả làm người đi giăng câu, giăng lưới. Đèn pin họ soi sáng cả một khu vực, quét qua quét lại trên cánh đồng lúa, dưới kênh. Đó là những chia sẻ của nhiều chiến sĩ biên phòng tại chốt K1 Đồn Biên phòng Phước Chỉ (Biên phòng Tây Ninh) trong bữa cơm chiều. Trung tá Trần Đình Đông, Đội phó Kiểm soát hành chính nhớ lại, mỗi khi ánh đèn rọi tới, nhóm mật phục phải lặn xuống nước, chỉ đưa chóp mũi lên thở. Cực nhất là mùa nước nổi, mật phục, trốn dân đề lô rất vất vả vì cả cánh đồng nước trắng xóa, chỉ cần bất cẩn tạo ra tiếng động là lộ liền. Nước mênh mông nên tìm chỗ mật phục cũng rất khó khăn.
“Mùa khô thì họ dùng ná bắn vào các bụi cỏ, lùm cây trên các tuyến đường vận chuyển hàng lậu để xem có người của chúng tôi phục kích trong đó không. Nhiều lần anh em bị bắn trúng, đau nhưng không dám nhúc nhích, sợ lộ”, trung tá Đông kể.
Thiếu tá Võ Thanh Tùng, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây (Long An) nói: “Phần lớn dân cảnh giới được giới buôn lậu thuê đều là người từ địa phương khác đến. Mình biết họ tiếp tay cho buôn lậu nhưng cũng không có căn cứ, cơ sở nào để xử lý. Để phát hiện bắt các vụ buôn lậu, anh em phải tìm mọi cách để cắt đuôi, đánh lạc hướng đối tượng này”.
Hàng lậu bị lực lượng biên phòng chốt K1 bắt giữ sau một đêm dài mật phục.
Căng mình mật phục
Để chặn bắt những vụ buôn lậu qua biên giới không đơn giản trên địa hình đồng bằng, rộng lớn nhất là vào mùa khô khi đâu cũng là đường. Có được một vụ thành công, lực lượng chức năng phải mật phục nhiều ngày đêm liền.
Chốt K1 (Đồn Biên phòng Phước Chỉ) gồm nhiều lực lượng của Công an huyện Trảng Bàng, công an xã, dân quân tự vệ, chiến sĩ Đồn biên phòng Phước Chỉ túc trực 24/24. Chốt có vài anh em trẻ làm nghĩa vụ quân sự, những ngày đầu lên đây làm nhiệm vụ hơi bỡ ngỡ, nhất là những lúc đi mật phục.
Câu chuyện người lính chưa dứt, chốt K1 nhận được lệnh từ Ban chỉ huy Đồn biên phòng Phước Chỉ, tối nay sẽ có vụ vận chuyển thuốc lá lậu số lượng lớn. Tức tốc, lực lượng chốt K1 chia làm 2 tổ lên đường mật phục trước khi trời tối.
Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, tổ số 2 của trung tá Đông với 5 người, mật phục tại khu vực kênh Ba Liễu (ấp Phước Mỹ, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh). Anh em chỉ mang điện thoại “cùi bắp” để liên lạc, tránh bị hư hỏng. Trong khi đó, tổ số 1 được bố trí mật phục cách đó vài trăm mét do thượng úy Nguyễn Văn Long, Đội trưởng Kiểm soát hành chính làm tổ trưởng.
Gần 12h khuya, các đối tượng buôn lậu không xuất hiện. Tổ phát hiện 2 ánh đèn pin soi chiếu từ xa, rồi từ từ tiến lại gần tổ mai phục. Đến gần, thấy hai người đi săn ếch nhưng bằng kinh nghiệm, trung tá Đông xác định là dân “đề lô” đi cảnh giới trước khi đưa hàng lậu về.
Ban đêm muỗi cắn đầy mặt nhưng trung tá Đông cùng anh em trong tổ không dám xua đuổi, bởi chỉ cần một động tác nhỏ có thể bị dân “đề lô” phát hiện. Cố gắng chịu đựng một hồi, qua các đợt ánh đèn pha, hai cánh “đề lô” bỏ đi thì mọi người trong tổ mới thở phào.
Hơn 1 tiếng đồng hồ sau, có 3 người cõng thuốc lá lậu từ biên giới vào. Khi những người này cõng thuốc lá qua kênh, vào địa phận Việt Nam, tổ mật phục tiếp tục nán lại, chưa lộ diện. Khoảng 10 phút sau, xuất hiện thêm 12 người cõng thuốc lá từ phía sau băng lên. Lúc này, hai tổ mật phục ập đến vây bắt. Trong đêm tối, các nài lậu ném hàng bỏ chạy, phóng về phía bên bờ Long An tẩu thoát.
“Tiếc là không bắt được các đối tượng buôn lậu do đêm tối, mật phục dưới nước hàng giờ, sức khỏe anh em giảm sút. Đường bằng phẳng, rộng nên các đối tượng bỏ chạy nhanh, để triển khai đội hình bắt người rất khó”, trung tá Đông nói. Hai tổ thu gom tang vật với gần 9.000 gói thuốc lá Jet lậu mà các đối tượng bỏ lại.
Tang vật đưa về đồn. Ảnh: Việt Văn.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Long An, biện pháp ngăn chặn đánh bắt chỉ là giải pháp tình thế vì lực lượng Bộ đội Biên phòng không thể căng mình trên biên giới 24/24 giờ trong cả một thời gian dài. Nếu ngưng thì buôn lậu sẽ ồ ạt, còn duy trì lâu dài sẽ ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác của lực lượng vì các đồn trọng điểm có gần 70% quân số tham gia chống buôn lậu.
Ông Nguyễn Phước Nhiên, Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) cho biết, mặc dù đời sống người dân vùng biên giới còn nhiều khó khăn nhưng từ năm 2013 đến nay, tình hình người dân địa phương đi buôn lậu đã giảm. Được địa phương vận động, những người trước đây từng đi buôn lậu cũng đã cam kết không đi nữa. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít người từ các địa phương khác đến hoạt động buôn lậu nên gây nhiều khó khăn trong việc vận động, tuyên truyền.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thành, Chính trị viên Đồn biên phòng Phước Chỉ (Tây Ninh) cho biết: “Đời sống người dân khu vực biên giới còn khó khăn, ý thức pháp luật cũng chưa cao nên các đối tượng buôn lậu lợi dụng để thuê vận chuyển hàng lậu, thuê cảnh giới đường sá, lực lượng chức năng. Trong thời gian tới, mong các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng phối hợp tuyên truyền một cách đồng bộ nhịp nhàng, thường xuyên hơn để người dân không tiếp tay cho buôn lậu”.
Trong năm 2016, lực lượng biên phòng Tây Ninh bắt giữ 191 vụ/55 đối tượng với tang vật là hơn 151.000 gói thuốc lá ngoại, 6,4 tấn đường cát Thái Lan. Lực lượng biên phòng Long An bắt giữ 75 vụ/12 đối tượng với tang vật hơn 184.000 gói thuốc lá ngoại, 11,6 tấn đường cát Thái Lan...