Đột ngột bỏ nông dân
Ngay sau khi Tiền Phong có bài phản ánh về tình trạng trong thời gian tới hàng tấn sữa tươi mà Cty Cổ phần Sữa quốc tế (IDP) đang thu mua tại xã Phù Đổng sẽ khó tìm được nơi tiêu thụ, chúng tôi nhận được lá đơn đầy nước mắt của anh Nguyễn Chí Thành ở xã Vân Hòa. Năm 2012, anh Thành ký được hợp đồng mua bán sữa với Cty Sữa Xuân Mai (Xuanmaimilk).
Để ký kết hợp đồng, anh Thành đã thế chấp nhà cửa, vay hơn 100 triệu đồng để lập trạm thu mua sữa, đồng thời dùng tiền vay hỗ trợ, vận động các hộ nông dân tăng đàn bò sữa theo chủ trương, định hướng của UBND xã Vân Hòa. Tuy nhiên, ngày 1/10/2014, Xuanmaimilk đột ngột thông báo tạm ngừng thu mua sữa với trạm của anh Thành. UBND xã Vân Hòa kiến nghị Cty IDP giúp đỡ thu mua sữa cho 80 hộ dân trong xã. Do trong vùng nguyên liệu Ba Vì nên IDP đã quyết định nhận mua số sữa này.
Những tưởng nông dân Vân Hòa đã có thể yên tâm sản xuất, cuối tháng 12/2014, họ lại được thông báo rằng, trong vòng 3 tháng tới, nhà máy sẽ không lấy hết sữa tại trạm do sản lượng sữa tăng. Các hộ sẽ phải mang sữa về từ 1 - 5kg/buổi (nhiều hay ít tỷ lệ thuận với số lượng sữa của các hộ).
Ngoài ra, những hộ nào có nhu cầu bán số sữa còn lại cho trạm phải chấp nhận mức giá 5.000 - 5.500 đồng/kg. Bị cắt đầu cắt đuôi, các hộ chăn nuôi còn bị chậm tiền hơn 1 tháng, trong khi theo hợp đồng đã ký kết, phương thức thanh toán định kỳ 2 lần/tháng (vào ngày 10 và 25 hằng tháng).
Bà Nguyễn Thị Mai, Trưởng phòng Nông vụ Cty IDP, nói rằng, thông báo trả về cho các hộ dân 10% sữa hằng ngày tại xã Vân Hòa là do các trạm thu gom tự ý làm, chứ không phải chủ trương của Cty.
Nguy cơ nhiều hộ bán bò
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Phòng Chăn nuôi - Sở NN&PTNT Hà Nội, cho biết, từ giữa tháng 11/2014, lãnh đạo Sở và các đơn vị chức năng đã có buổi làm việc trực tiếp với Cty IDP để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Tuy nhiên, cả doanh nghiệp và nông dân đều đưa ra cái lý của mình và có phần đổ lỗi cho nhau.
Nông dân cho rằng, doanh nghiệp thay đổi chính sách thu mua đột ngột, còn doanh nghiệp “tố” nông dân mùa hè phá hợp đồng, bán ra ngoài khiến Cty bị động trong sản xuất. Ông Minh cho rằng, chính sách của IDP đang khiến nông dân gặp nhiều khó khăn, tâm lý dao động mạnh và bắt đầu có hiện tượng chững lại không phát triển chăn nuôi bò sữa.
Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn dự báo, trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán, việc thu mua sữa của IDP sẽ tiếp tục gặp khó khăn, dẫn đến việc có thể một số hộ phải bán bò. Do vậy, trung tâm làm việc Cty Vinamilk và Hanoimilk để tìm giải pháp thu mua sữa nguyên liệu không để nông dân phải đổ bỏ.
Về khả năng thu mua thêm sữa của nông dân Hà Nội, ông Đỗ Thanh Tuấn, Trưởng ban Đối ngoại Cty Vinamilk, cho biết, việc thu mua sữa nguyên liệu liên quan đến nhiều yếu tố, trước khi mua, Cty phải biết được nguồn gốc bò, phải đánh giá, kiểm tra và giám sát chất lượng sữa vì đây là sản phẩm đòi hỏi an toàn thực phẩm rất cao.
“Bà con nông dân không nên chăn nuôi tự phát, mà phải kết hợp với Cty sữa để tạo ra hướng phát triển bền vững, như thế cũng giúp cho doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu cho kế hoạch sản xuất kinh doanh”, ông Tuấn khuyến cáo.
Bà Nguyễn Thị Mai khẳng định, Cty IDP không chấm dứt ngay việc thu mua 10 tấn sữa/ngày của khu vực ngoài địa bàn Ba Vì, mà chỉ khuyến khích nông dân tự tìm đơn vị thu mua khác có giá tốt hơn.
Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn dự báo, trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán, việc thu mua sữa của IDP sẽ tiếp tục gặp khó khăn, dẫn đến việc có thể một số hộ phải bán bò. Do vậy, trung tâm làm việc Cty Vinamilk và Hanoimilk để tìm giải pháp thu mua sữa nguyên liệu không để nông dân phải đổ bỏ.