Thế giới ảo, 'chặt chém' thật

Gần đây, chuyện một số nghệ sĩ bỗng dưng nổi tiếng khi bị lấy làm đề tài “mổ xẻ” trên Facebook, YouTube… đã khiến không ít người của công chúng nơm nớp lo ngại.

Thế giới ảo, 'chặt chém' thật

Gần đây, chuyện một số nghệ sĩ bỗng dưng nổi tiếng khi bị lấy làm đề tài “mổ xẻ” trên Facebook, YouTube… đã khiến không ít người của công chúng nơm nớp lo ngại.

Mạng xã hội từng đóng vai trò tích cực trong việc đưa tên tuổi Uyên Linh nổi tiếng, nay lại là công cụ “dập” ca sĩ mới này. Ảnh: N.V.

Từ công cụ quảng bá

Không ít nghệ sĩ sử dụng mạng xã hội, chủ yếu là Facebook, như một công cụ hữu hiệu cho hoạt động nghệ thuật của mình. Qua Facebook, nghệ sĩ thông báo lịch diễn, kế hoạch trong tương lai gần, “nhá hàng” các ca khúc (hoặc clip) đang thu, quay, trích một cách… nhỏ giọt những bài mới (chỉ dừng ở mức nghe thử) trong album sắp phát hành.

Và cũng từ Facebook, những người thích săn tin không bỏ qua cơ hội “chớp” lấy những tin tức nóng sốt ngay khi nghệ sĩ vừa “tung” trên trang cá nhân để “loan báo” rộng rãi hơn. Nên có thể xem mạng xã hội như kênh quảng bá vừa chẳng tốn tiền mà lại hiệu quả. Bây giờ, nếu muốn xem lịch diễn, muốn biết thần tượng của mình đang thực hiện chương trình gì, ở đâu, tâm trạng ra sao…, fan của các nghệ sĩ: Hương Lan, Thanh Thảo, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Thủy Tiên, Đức Tuấn, Lê Hiếu, Dương Triệu Vũ... có thể vào trang cá nhân hoặc fanpage của họ.

Hay ngay thời điểm này, khi sân chơi Bước nhảy hoàn vũ đang nóng trên truyền hình, thì Facebook của các nghệ sĩ tham gia cũng xôn xao không kém. Các thành viên trong danh sách bạn bè không ngớt chia sẻ những lời động viên, an ủi khi người mình mến mộ chưa biểu diễn tốt, không đạt điểm cao (ở trang của Thủy Tiên trong 2 tuần thi đầu tiên) hay khích lệ tinh thần khi “bạn mình” gặp khó khăn (trong trang của Phạm Anh Khoa, tuần anh bị thủy đậu).

Bất ngờ “lên thớt”

Song, cũng từ sự “lợi hại” đó của mạng xã hội, không ít nghệ sĩ đã bị “lên thớt”, khi có những phát ngôn, sản phẩm không giống ai, hay những chuyện đời tư của họ vô tình bị rò rỉ. Và chắc chắn, dù có hờ hững hay chẳng thèm quan tâm thì những dòng “chặt chém” trên Hội những người phát sốt vì Lê Kiều Như, Anti Thủy Tiên và những trò lố, Hội những người phát cuồng vì thím Vũ Hà, Hội anti đạo diễn Lê Hoàng, Hội những người ghét Đàm Vĩnh Hưng, Hội những người không thể hiểu nổi Lê Cát Trọng Lý hát gì, Hội những người héo úa vì ca sĩ Phi Thanh Vân, Hội những người ghét bộ mặt giả tạo của Uyên Linh… cũng ảnh hưởng ít nhiều đến người bị hại.

Nguy hiểm hơn, một số trang thông tin gần đây đã trích dẫn những nội dung từ Facebook của nghệ sĩ hay người có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật một cách vô tư, càng làm cho người trong cuộc nói riêng lẫn những ai sợ “có tật giật mình” thêm thấp thỏm.

Bởi, dù có cho rằng mạng là thế giới ảo, nhưng những người tạo nên chúng, đưa thông tin lên đó là thật; hơn nữa, những thông tin này khi được báo chí sử dụng lại thì tất nhiên tính chất ảo đã không còn. Về điều này, ca sĩ Đức Tuấn cho rằng, trước tình hình nhiễu nhương trên các mạng xã hội hiện nay, thiết nghĩ cư dân mạng, nhất là những ai quan tâm đến giới văn nghệ, cần phải tỉnh táo để biết chọn lựa thông tin mà tiếp cận.

Chuyện những thông tin liên quan đến diễn viên Hồng Ánh, chuyện Đức Tuấn bị “hứa hẹn mổ xẻ” trên Facebook hay Uyên Linh bị bôi nhọ và xúc phạm nặng nề trong clip Em là ai (không phải Uyên Linh) trên YouTube những ngày qua có lẽ đã khiến những người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là nghệ sĩ, phải nhìn lại cuộc chơi và cách chơi này.

Cho đến nay, hầu như các “nạn nhân” chọn giải pháp im lặng. Hay nói như ca sĩ Hồ Ngọc Hà “nếu cứ bị đồn thổi, gán ghép này nọ mà lên tiếng để bảo vệ chắc là khó lòng sống yên ổn, vì cứ phải đi giải quyết mãi chuyện này” và “Dù có là nghệ sĩ hay người bình thường thì đều có những khiếm khuyết, càng không thể sống vừa lòng tất cả mọi người, nên chẳng biết lúc nào mình sẽ bị “làm thịt”.

Theo Nguyên Vân
Thanh Niên

Theo Tổng hợp