THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc, Ấn Độ đưa hàng nghìn binh sĩ, pháo binh đến biên giới

TPO - Theo hãng thông tấn PTI, Trung Quốc đã điều động một lượng lớn binh sĩ tới Pangong Tso và thung lũng Galwan. Hàng nghìn binh sĩ và các đơn vị pháo binh đã di chuyển tới một khu vực mới ở miền Bắc Ladakh. 
Khoảng 40 đại đội thuộc lực lượng bảo vệ biên giới (ITBP) điều động tới nhiều địa điểm dọc LAC bao gồm Ladakh và Arunachal Pradesh. Ảnh: IndiaTimes

Các nguồn tin chính phủ tiết lộ bên cạnh binh sĩ, Trung Quốc còn triển khai thêm trực thăng tấn công và phương tiện bóc thép tới khu vực. Trong hai tuần qua, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tăng cường lực lượng trong khu vực cách đồn của quân đội Ấn Độ tại Depsang 21 km. Nguồn tin xác nhận khoảng 10.000 binh sĩ Trung Quốc và các phương tiện hạng nặng đã có mặt tại Depsang. Về phần Ấn Độ, ngày 24/6, lực lượng bảo vệ biên giới (ITBP) nước này đã bắt đầu triển khai 40 đại đội mới tới nhiều địa điểm kdọc theo đường LAC nhằm thực hiện các cuộc tuần tra để phát hiện những động thái bất thường từ binh lính Trung Quốc. Nhiều khí tài cơ giới như máy bay không người lái, xe quân sự hoạt động trên mọi địa hình, xe trượt tuyết và xe tải đã được bổ sung. Khoảng 4.000 binh sĩ được cử đi chi viện cho sứ mệnh biên giới.

Hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA) ngày 25/6 thông báo sẽ đình chỉ bay đối với 1/3 trong tổng số 434 phi công của hãng do nghi ngờ bằng cấp và chứng chỉ bay của họ "không đáng tin cậy." Quyết định trên được đưa ra khi cuộc điều tra về vụ rơi máy bay của PIA hồi tháng 5 làm 97 người thiệt mạng, cho thấy các phi công không không tuân thủ các chỉ dẫn bay, ngoài ra một bộ trưởng trong chính phủ cho biết đoạn ghi âm giọng nói trong buồng lái cho thấy các phi công mất tập trung do mải trò chuyện về dịch bệnh COVID-19.

Một vụ nổ lớn xảy ra đêm 25/6 (theo giờ địa phương) đã làm rung chuyển phía Đông thủ đô Tehran của Cộng hòa Hồi giáo Iran. Hãng thông tấn Mehr (Iran) đã cho công bố hình ảnh đầu tiên của vụ nổ, với một quả cầu lửa và cột khói bốc lên. Nhiều khu vực trong thành phố đều ghi nhận được vụ nổ này. Kênh Al Arabiya cho rằng vụ nổ xảy ra tại Căn cứ quân sự Parchin ở phía đông Tehran, song thông tin này chưa được xác nhận.

Ít nhất 16 tàu chở dầu mang theo 18,1 triệu thùng dầu Venezuela bị mắc kẹt trên biển ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Washington hiện đang siết chặt các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn xuất khẩu dầu của Venezuela và tước quyền giao dịch của Chính phủ của Tổng thống Nicholas Maduro. Một số tàu chở dầu đã bị mắc kẹt trên biển trong hơn 6 tháng và đã tiếp cận một số cảng, song không thể xuống hàng, do người mua không muốn nhận hình phạt.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 25/6 thông báo nước này và 22 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết thỏa thuận hàng không theo mới để mở rộng hợp tác đường hàng không. Quan chức ngoại giao Hàn Quốc cho hay thỏa thuận hàng không mới sẽ cho phép tất cả các hãng hàng không của 22 nước thành viên EU được phép thực hiện chuyến bay tới Hàn Quốc, qua đó cung cấp cho khách hàng nhiều quyền lựa chọn. Hiện các hãng hàng không EU được phép bay đến Hàn Quốc từ nước mà hãng có xuất xứ, chẳng hạn hãng Lufthansa AG của Đức chỉ được cất cánh từ Đức để bay đến Hàn Quốc.

Tổng thống Mỹ ngày 24/6 cho rằng nhiều thành viên NATO “chây ỳ” khi ông kêu gọi tất cả các bên trong liên minh xuyên Đại Tây Dương, đặc biệt là Đức, đáp ứng chi tiêu quốc phòng ở mức 2% GDP.  Sau khi khẳng định Mỹ sẽ rút bớt binh sĩ, nhân viên quân sự khỏi Đức từ 52.000 quân xuống còn khoảng 25.000 quân, ông Trump cáo buộc chính quyền Berlin “nợ NATO gần 1.000 tỉ USD nếu tính cộng dồn lại”. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố, dù Mỹ đã tiết kiệm được khoảng 400 tỉ USD nhờ mức chi tiêu mới của NATO, nhưng “chúng tôi sẽ chỉ hài lòng nếu tất cả các thành viên đều cùng chi trả mức đóng góp công bằng”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 25/6 đã kêu gọi Triều Tiên cùng Seoul chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) bằng các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời phát đi thông điệp cảnh báo rõ ràng rằng tiến trình hòa bình mong manh trên Bán đảo Triều Tiên đang bị đe dọa. Ông một lần nữa khẳng định Hàn Quốc không có ý định áp chế độ của mình đối với quốc gia láng giềng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hòa bình trước tiên.

Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 của Thái Lan (CCSA) cho biết, do vẫn còn nhiều lo ngại xung quanh diễn biến khó lường của dịch COVID-19, cơ quan này muốn kéo dài Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng nữa, sau khi Sắc lệnh này sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6.  Theo Tướng Somsak Roongsita, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan, tất cả trường học trên cả nước sẽ bắt đầu kỳ học đầu tiên vào ngày 1/7, các ngành nghề kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm virus cao như các tụ điểm kinh doanh đêm có thể sẽ được mở cửa trở lại, nếu như toàn bộ thành viên của CCSA thông qua các đề xuất mới nhất trong việc nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Ngày 24/6, trang web của Liên hợp quốc đưa tin: 170 nước đã tán thành lời kêu gọi của Liên hợp quốc về nỗ lực “giữ im tiếng súng” và cùng đoàn kết để chống lại mối đe dọa COVID-19 trên phạm vi toàn cầu. Đây được xem là một thông điệp chính trị mạnh mẽ, thể hiện rõ quyết tâm của các nước trong ứng phó với những thách thức chung của thế giới. Sáng kiến trên do Malaysia đề xuất, đã phản ánh nguyện vọng chung của nhiều nước trên thế giới cùng “kề vai sát cánh bên nhau”, hướng tới mục tiêu thực hiện lệnh ngừng bắn toàn cầu như lời kêu gọi mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra hồi tháng 3/2020 - thời điểm đại dịch COVID-19 đang có dấu hiệu tăng tốc. Các nước tham gia ký kết nằm ở khắp các châu lục trên thế giới.