Các chuyên gia Philippines phát hiện i-ốt 129 tại một số rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và vùng biển phía đông Philippines. Trong đó, nơi có nồng độ phóng xạ cao nhất nằm gần khu vực đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Khu vực này hiện bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép. Các nhà khoa học Philippines cho biết i-ốt 129 là sản phẩm của quá trình phân rã hạt nhân. Điển hình là từ các vụ thử hạt nhân, sự cố hạt nhân hoặc quá trình tái xử lý năng lượng hạt nhân.
Hôm 8/12, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết nước này nhận số thiết bị quân sự trị giá 1,4 tỷ peso (29 triệu USD) từ Mỹ. Số thiết bị này gồm súng bắn tỉa và phương tiện chống bom tự chế, được bàn giao trong chuyến thăm của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller. Đây là một phần trong nỗ lực tăng cường năng lực quốc phòng và chống khủng bố của Philippines. “Việc hiện đại hóa quân đội sẽ giúp chúng tôi đối phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa an ninh truyền thống và bất thường nhắm vào đất nước”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói.
Nhà chức trách Thái Lan ngày 8/12 triệu tập 14 người đứng đầu phong trào biểu tình ở Bangkok và tỉnh Nonthaburi. Họ bị cáo buộc vi phạm luật cấm khi quân, được quy định tại Điều 112 trong bộ luật hình sự nước này, AFP đưa tin. Trong số những người bị triệu tập, 11 người lần đầu đối mặt tội danh khi quân, trong khi 3 người bị buộc tội lần thứ hai. Những người bị kết án là khi quân theo Điều 112 có thể đối mặt mức án từ 3-15 năm tù giam.
Theo quy định của Mỹ, ngày 8/12 là hạn chót để các bang giải quyết các khiếu nại liên quan đến kết quả bầu cử và xác nhận kết quả cuối cùng. Đến ngày 14/12, đại cử tri toàn quốc sẽ bỏ phiếu chính thức bầu ra tổng thống mới. Như vậy, đến hôm nay (8/12), thời gian khiếu nại của Tổng thống Trump đã hết mặc dù các nỗ lực nhằm lật ngược kết quả bầu cử trong vài tuần qua có vẻ đã không như mong đợi của ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm.
Ngày 7/12, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu và nhất trí ban hành cái gọi là Quy chế Bảo vệ Tạm thời trong 5 năm cho cư dân Hồng Kông, có nghĩa là người đến từ đặc khu hành chính Hong Kong sẽ có quyền làm việc tại Mỹ và sẽ không bị trục xuất. Động thái được dự đoán sẽ chọc giận Trung Quốc. Dù vẫn cần được Thượng viện thông qua, nhưng sáng kiến này đều được lưỡng đảng ủng hộ. Nếu Thượng viện chấp thuận, Hong Kong sẽ là nơi giàu có duy nhất được hưởng Quy chế Bảo vệ Tạm thời, vốn đã được Quốc hội hoặc Nhà Trắng ban hành để bảo vệ hàng trăm ngàn người rời bỏ các quốc gia bị chiến tranh tàn phá như Somalia, Syria và Yemen.
Ngày 7/12, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua một nghị quyết do Nhật Bản bảo trợ, kêu gọi loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân sau 27 năm liên tiếp kể từ khi nghị quyết đầu tiên liên quan vấn đề này được thông qua. Trong buổi bỏ phiếu, 150 quốc gia đã tán thành (ít hơn 10 quốc gia so với năm ngoái), 4 quốc gia phản đối và 35 quốc gia bỏ phiếu trắng. Đáng chú ý, 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ có quan điểm khác nhau, trong khi Anh và Mỹ ủng hộ nghị quyết thì Trung Quốc và Nga phản đối, Pháp bỏ phiếu trắng. Nghị quyết được đưa ra trong bối cảnh Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân sẽ có hiệu lực vào ngày 22/1/2021 tới.