Theo dự luật sẽ được trình lên quốc hội trong tuần này, bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg nói các công ty công nghệ nói trên phải thương lượng với các tòa báo và đài truyền hình địa phương số tiền họ trả cho nội dung xuất hiện trên nền tảng của họ. Nếu họ không thể đạt được thỏa thuận, trọng tài do chính phủ chỉ định sẽ đứng ra quyết định.
Ông Frydenberg nói với các phóng viên tại Canberra: “Đây là một cuộc cải cách lớn, lần đầu tiên trên thế giới và thế giới đang theo dõi những gì diễn ra ở Úc”.
“Luật pháp của chúng tôi sẽ giúp đảm bảo rằng các quy tắc của thế giới kỹ thuật số phản ánh các quy tắc của thế giới vật chất ... và cuối cùng là duy trì môi trường truyền thông của chúng tôi”, ông Frydenberg được Reuters dẫn lời.
Đạo luật này được coi là phép thử mạnh mẽ nhất về sức mạnh thị trường của những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu. Hồi tháng 8, các công ty công nghệ Mỹ cảnh báo có thể ngừng cung cấp dịch vụ của họ ở Úc.
Giám đốc điều hành Facebook Úc Will Easton hôm qua nói công ty sẽ xem xét cụ thể các điều khoản của dự luật và “tham gia vào quá trình bàn thảo tại quốc hội sắp tới với mục tiêu đạt được một khuôn khổ khả thi để hỗ trợ hệ sinh thái tin tức của Úc”.
Đại diện của Google từ chối bình luận, nói rằng công ty vẫn chưa có được phiên bản dự thảo luật cuối cùng.
Cho đến gần đây, hầu hết các quốc gia đều chưa làm gì trong khi chứng kiến các nhà quảng cáo chuyển hướng chi tiêu đến các trang mạng xã hội và công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới, khiến các tòa soạn thất thu, nhiều tờ báo, đài truyền hình phải đóng cửa và nhân viên ngành báo chí mất việc làm trên diện rộng.
Nhưng các nhà quản lý nhà nước đang bắt đầu tìm cách kiềm chế hai tập đoàn lớn chiếm hơn 4/5 chi tiêu quảng cáo trực tuyến của Úc, theo ông Frydenberg. Năm nay, một cơ quan quản lý của Pháp yêu cầu Google đàm phán với các tòa báo về việc thanh toán cho nội dung tin tức và vấn đề vẫn đang được tòa án thụ lý.
Denis Muller, Nghiên cứu viên danh dự tại Trung tâm Báo chí Tiến bộ của Đại học Melbourne, nói: “Điều đó vừa rất tham vọng vừa rất cần thiết”.
“Lấy nội dung tin tức mà không trả tiền để đổi lấy “phần thưởng” là “giúp báo chí tiếp cận độc giả”, dường như là một sự sắp xếp rất không công bằng và cuối cùng gây tổn hại đến dân chủ”.
Chủ tịch điều hành tập đoàn truyền thông News Corp Úc, Michael Miller, nói dự luật này là “một bước tiến quan trọng trong chiến dịch kéo dài một thập kỷ nhằm đạt được sự công bằng trong mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí Úc và các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu”. Hồi tháng 5, News Corp đã ngừng in hơn 100 tờ báo tại Úc, với lý do quảng cáo giảm sút.
Google và Facebook từ lâu đã lập luận rằng các tổ chức truyền thông đang bỏ qua lợi ích mà họ thu được từ các lượt giới thiệu và nhấp chuột qua trang web của họ.
Bộ trưởng Josh nói doanh thu quảng cáo trong các lĩnh vực như báo in ở Úc đã giảm 75% kể từ năm 2005.
“Với mỗi 100 đô la chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến, 53 đô la cho Google, 28 đô la cho Facebook và 19 đô la cho những đối tượng khác”, ABC dẫn lời ông Josh Frydenberg.
Bộ trưởng Truyền thông Úc nói các công ty mạng xã hội sẽ được khuyến khích đàm phán với các cơ quan báo chí về số tiền họ sẽ trả để truy cập nội dung tin tức. Tỷ lệ chính xác sẽ được đôi bên xác định. Các công ty truyền thông nhỏ hơn cũng có thể kết hợp với nhau để mặc cả theo nhóm.
Dự luật cũng yêu cầu Google và Facebook thông báo cho các hãng tin tức 14 ngày trước khi có bất kỳ thay đổi nào trong thuật toán của họ (ưu tiên cách nội dung tin tức xuất hiện trên trang web).