THẾ GIỚI 24H: Hiệp hội Cảnh sát Mỹ đồng loạt ủng hộ Tổng thống Trump tái đắc cử

TPO - Ngày 4/9, Hiệp hội Cảnh sát Mỹ (Fraternal Order of the Police - FOP), liên minh cảnh sát lớn nhất nước, đã tuyên bố ủng hộ chiến dịch tái tranh cử chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 của Tổng thống Mỹ Donal Trump.
Tổng thống Mỹ Donal Trump.

FOP ca ngợi ông Trump vì những lời kêu gọi về luật pháp và trật tự. Trong một tuyên bố, Chủ tịch FOP Patrick Yoes cho biết: “Không nghi ngờ gì nữa, an toàn công cộng sẽ là một trọng tâm chính của cử tri trong cuộc bầu cử năm nay. Tổng thống Trump đã hết lần này đến lần khác thể hiện rằng ông ủng hộ các nhân viên thực thi pháp luật và hiểu những vấn đề mà các thành viên của chúng tôi phải đối mặt hàng ngày." Tổng thống Trump coi vấn đề luật pháp và trật tự cũng như việc hỗ trợ lực lượng cảnh sát là trọng tâm chính trong chiến dịch tái tranh cử của ông, khi các cuộc biểu tình trên toàn quốc về phản đối các hành vi vi phạm của cảnh sát và sự bất công về chủng tộc vẫn đang tiếp diễn tại Mỹ.

Tân hoa xã dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này đã phải điều tám máy bay chiến đấu phản lực chặn ba máy bay ném bom chiến lược của Mỹ ở biển Đen và biển Azov trong ngày 4/9. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ hệ thống kiểm soát không lưu của Nga đã phát hiện ba máy bay ném bom chiến lược B-52H của Mỹ tiến vào không phận của Nga, buộc Nga phải lệnh cho bốn chiếc Su-27 và bốn chiếc Su-30 xuất kích.

Các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 đã chính thức được Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận. Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf mà Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận một năm trước đó đã được chuyển đến tất cả các khu vực chính của đất nước và đưa vào trang bị. Hiện tại, tổ hợp nói trên đã được triển khai tới 19 căn cứ quân sự lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và ở đây chúng đã hoàn toàn sẵn sàng để chiến đấu. 
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh dự kiến gặp người đồng cấp Trung Quốc - Tướng Ngụy Phượng Hoàng trong tối nay, 4/9 ở Moscow, Nga để bàn cách hóa giải căng thẳng biên giới giữa hai nước. Cuộc gặp được tổ chức bên lề hội nghị bộ trưởng Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) đang diễn ra ở Moscow. Đây là cuộc tiếp xúc chính trị cấp cao đầu tiên giữa Ấn Độ và Trung Quốc kể từ sau vụ đụng độ dữ dội giữa binh lính hai nước tại khu vực tranh chấp Ladakh hồi tháng 5 năm nay.

Thông tin Đài Loan bắn rơi một tiêm kích Su-35 của Trung Quốc rộ lên trên mạng khiến lực lượng không quân của hòn đảo phải lên tiếng đính chính. Trả lời thông tin lan truyền trên mạng về việc "Đài Loan bắn rơi máy bay Su-35 của Trung Quốc", lực lượng phòng vệ trên không của chính quyền hòn đảo kịch liệt bác bỏ và cho biết thông tin trên là sai sự thật hoàn toàn.

Ngày 4/9, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết Iran đã cho phép các thanh sát viên của cơ quan này tiếp cận một trong hai cơ sở hạt nhân của nước nàyTrong một báo cáo, IAEA nêu rõ Iran đã cho phép các thanh sát viên của cơ quan này thu thập các mẫu phẩm môi trường. Các mẫu phẩm này sau đó sẽ được các phòng thí nghiệm thuộc mạng lưới của IAEA tiến hành phân tích. Dự kiến, các thanh sát viên của IAEA sẽ tiếp cận cơ sở còn lại trong tháng này.

Truyền thông Đức hôm nay (4/9) đưa tin, 3 nước Đức, Pháp và Italy đều thống nhất quan điểm không nên đưa Tổng thống Lukashenko vào danh sách đen trừng phạt, đồng thời kêu gọi “duy trì các kênh đối thoại mở” giữa Belarus và các nước Liên minh châu Âu. Ngoài 3 nước trên, một số quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu bao gồm các nước Baltic và Ba Lan đều kêu gọi đưa ra các biện pháp hạn chế đối với nhà lãnh đạo Belarus do không tin tưởng độ công bằng trong cuộc bầu cử vừa qua.

Bình luận về bài báo tiết lộ Tổng thống Trump từng gọi lính Mỹ tử trận là "những kẻ thua cuộc", ông Biden nói việc đó cho thấy đối thủ của ông không phù hợp làm tổng tư lệnh. Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden cho thấy sự tương phản không thể nhầm lẫn giữa ông với Tổng thống Donald Trump, không chỉ nằm ở ý tưởng chính sách hay năng lực điều hành, mà còn ở việc tôn trọng và thấu hiểu các cuộc đấu tranh của người Mỹ, theo New York Times.

Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) tại Nam Sudan (UNMISS) ngày 4/9 cho biết đã bắt đầu tiến trình rút binh sỹ và cảnh sát khỏi các trại bảo vệ dân thường ở Nam Sudan, vốn được thành lập để làm nơi trú ẩn cho hơn 180.000 người dân nước này trong thời kỳ xung đột và nội chiến. Những binh sỹ gìn giữ hòa bình sẽ chuyển đến các điểm nóng mới, nơi có hàng trăm người đã bị thiệt mạng do bạo lực liên cộng đồng, đặc biệt ở bang Jonglei. Tuy nhiên, vẫn sẽ có khoảng 150 binh sỹ gìn giữ hòa bình tiếp tục ở lại thực hiện nhiệm vụ canh gác tại các trại bảo vệ dân thường với sự hỗ trợ của 1 hoặc 2 đại đội cảnh sát.