THẾ GIỚI 24H: Cứ 18 giây có 1 người chết vì COVID-19

TPO - Sáng 29/6, thế giới đã ghi nhận hơn 10,2 triệu ca mắc, trong đó 503.985 ca tử vong do COVID-19.
Thế giới đã ghi nhận hơn 10,2 triệu ca mắc Covid-19. Ảnh minh họa: Reuters.

Đây được coi là một cột mốc nghiệt ngã khi đại dịch COVID-19 dường như đang bùng phát trở lại tại một số quốc gia, trong khi các khu vực khác đang gồng mình đối phó với làn sóng đầu tiên. Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 29/6, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới là 10.228.394 trường hợp, trong đó 503.985 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 5.546.449 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.  Các chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại về số ca mắc mới cao kỷ lục tại các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Brazil và nhiều ổ dịch mới tại một số khu vực ở châu Á. Theo Reuters, trung bình 1 ngày có hơn 4.700 người tử vong do COVID-19, tính từ ngày 1 đến ngày 27/6. Con số này tương đương với 196 người mỗi giờ, hoặc cứ mỗi 18 giây có 1 người tử vong.

Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 35.269 ca mắc và 260 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên2.631.806 và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 128.412 người. Dữ liệu của Reuters cũng cho thấy, khoảng 1/4 số ca tử vong trên thế giới là ở Mỹ. Sự gia tăng các ca mắc mới hầu hết được ghi nhận tại các bang miền Nam và miền Tây nước này do nởi lỏng biện pháp hạn chế và mở cửa sớm.

Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở Nam Bán cầu, và là ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 28.202 ca mắc và 519 ca tử vong, nâng tổng số lên 1.344.143 ca bệnh và 57.622 ca tử vong.

Chính phủ Anh đang cân nhắc áp đặt lệnh phong tỏa tại thành phố Leicester với 350.000 dân, sau khi số ca mắc COVID-19 tại đây gia tăng. Trong hai tuần tính đến ngày 16/6 vừa qua, Leicester đã ghi nhận hơn 650 ca mắc COVID-19. Anh tới tới sáng 29/6 đã có tổng cộng 311.151 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 43.550 trường hợp tử vong.

Theo AFP, kết quả cuối cùng cuộc bầu cử Tổng thống Iceland được công bố ngày 28/6 cho thấy Tổng thống nước này Gudni Johannesson đã tái đắc cử khi giành được 92,2% số phiếu bầu, đánh bại đối thủ Gudmundur Franklin Jonsson, người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu. Như vậy, Tổng thống Johannesson đã giành chiến thắng nhiệm kỳ 2 kéo dài 4 năm trong cuộc bầu cử ngày 27/6. Đây là cuộc bầu cử thứ 2 được một nước châu Âu tổ chức sau khi các lệnh phong tỏa liên quan dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 được dỡ bỏ.

Trong đoạn video dài hơn 10 phút, Tổng thống Indonesia bày tỏ sự thất vọng đối với cả 32 Bộ trưởng của ông vì không có khả năng quản lý khủng hoảng. Tổng thống quốc gia vạn đảo thúc giục các Bộ trưởng trong nội các không được coi tình hình "khủng hoảng" hiện nay là điều bình thường. Theo Tổng thống Joko Widodo, các chính sách hiện nay mà các Bộ trưởng đưa ra vẫn chỉ ở mức tiêu chuẩn, trong khi tình hình hiện nay của Indonesia, mọi chính sách phải được đưa ra ở mức độ "phi thường".

Ngày 28/6, đài Al Arabiya đưa tin nhiều nhóm vũ trang người Kurd đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập nhiều căn cứ quân sự ở miền Bắc Iraq. Đây được coi là một phần của cuộc tấn công mà Ankara đang triển khai nhằm vào lực lượng đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.

Tối 28/6, quân đội Pakistan cho biết đã bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Ấn Độ dọc đường Ranh giới kiểm soát (LoC) - biên giới trên thực tế giữa hai nước tại khu vực Kashmir tranh chấp. Theo ông Babar Iftikhar, chiếc máy bay không người lái 4 cánh quạt này đã xâm phạm 850 mét vào phía LoC thuộc quyền kiểm soát của Pakistan. Đây là máy bay không người lái thứ 9 của Ấn Độ bị các binh sĩ Pakistan bắn hạ trong năm nay.

Tokyo không ủng hộ Seoul trở thành thành viên G7 vì các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiên. Tokyo đã nói với Washington chuyện phản đối ý tưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đưa Hàn Quốc trở thành thành viên của G7, Kyodo dẫn các nguồn tin ngoại giao đưa tin ngày 28/6. Thông tin này chắc chắn sẽ khiến quan hệ Nhật - Hàn vốn đã băng giá càng trở nên tồi tệ hơn.

Lực lượng vũ trang Ấn Độ đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn ở vùng Ladakh sau khi radar phát hiện có thêm nhiều trực thăng và chiến đấu cơ của Trung Quốc gần Đường kiểm soát thực tế. Theo Sputniks, truyền thông địa phương Ấn Độ cho biết, tất cả các sân bay lên thẳng của Trung Quốc đều được xây dựng ở khu số 4 của Pangong Tso tại Ladakh, vốn rất gần một vị trí quân sự của Ấn Độ.