Anh Nguyễn Văn Đoan ở xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) có 3 con đang học các cấp, trong đó 2 con gái học lớp 11 và 12, cùng một con trai học lớp 7. Anh làm nghề tự do, vợ anh làm công nhân. Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên cả ba con anh phải học trực tuyến. Vợ chồng anh và các con gặp nhiều khó khăn khi các con học qua mạng. Bởi lẽ, muốn học trực tuyến, các con phải có điện thoại hoặc máy tính nối mạng, trong khi gia đình anh không mấy dư dả.
“Tôi có 3 con cùng phải học trực tuyến, bởi thế không thể mua cho mỗi đứa một chiếc điện thoại hay một chiếc máy tính được. Vợ chồng tôi phải cóp nhặt mua 2 chiếc điện thoại cho 2 con gái học bài với giá hơn 7 triệu đồng. Con trai thì dùng điện thoại của tôi”, anh Đoan chia sẻ và cho biết thêm, con trai dùng điện thoại khiến công việc của anh cũng bị ảnh hưởng.
Chị Đào Thị Lực ở xã Long Châu, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) cũng gặp không ít thách thức khi con học trực tuyến. Con gái đang học tiểu học, mới đầu, chị cho con gái sử dụng điện thoại của mình. Tuy nhiên, một thời gian sau, vợ chồng chị phải mua một chiếc máy tính cũ để con học trực tuyến. “Tôi cũng lo lắng khi con mình có máy tính vào mạng ngoài giờ học, con có thể tiếp cận những thông tin không lành mạnh trên mạng”, chị Lực băn khoăn.
Chất lượng khó đảm bảo
Một giáo viên ở một trường tiểu học của huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) chia sẻ, việc dạy, học trực tuyến đối với học sinh nông thôn cũng khiến giáo viên gặp không ít trở ngại. Bởi lẽ, ở nông thôn, điều kiện kinh tế của nhiều phụ huynh vẫn còn khó khăn nên việc trang bị phương tiện học không được đầy đủ và đảm bảo chất lượng. Bởi vậy, không ít học sinh tham gia học trực tuyến thất thường. Thêm vào đó, một số giáo viên lớn tuổi cũng gặp rào cản về công nghệ trong triển khai dạy học trực tuyến. “Do phòng chống dịch nên học sinh buộc phải trực tuyến, còn việc dạy học trực tuyến khiến giáo viên không giao tiếp được trực tiếp và khó bao quát hết toàn bộ học sinh”, cô giáo này tâm sự.
Một giáo viên tiểu học tại huyện Yên Thế (Bắc Giang) cũng phản ánh, gia đình nhiều em quá khó khăn, không có máy tính, không có mạng internet; có em ở với ông bà, chỉ dùng điện thoại “cục gạch”, không thể nào học trực tuyến. “Sau khi nghỉ học trực tuyến, chúng tôi đều phải dạy lại, ôn tập cho các em các bài đã dạy trực tuyến”, giáo viên này nói.
Đồng quan điểm, một cô giáo ở một trường trung học cơ sở của huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) cho hay, bố mẹ học sinh chủ yếu đi làm công nhân và làm nông nghiệp nên ít có thời gian chăm lo việc học của con. “Nếu các thầy cô không sát sao thì nhiều học sinh cũng không tự giác trong việc học trực tuyến”, cô giáo nói.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc học trực tuyến với học sinh nông thôn gặp khó khăn về công nghệ và điều kiện về phương tiện học tập nên chất lượng học tập giảm là đương nhiên. “Không chỉ giáo viên dạy học vùng nông thôn, ngay cả giáo viên dạy học ở thành phố có đủ phương tiện thì kết quả học trực tuyến cũng không cao, nhất là học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Bởi vì, học sinh ngoài kiến thức, còn phải giao lưu với giáo viên, bạn bè và tiếp thu bằng sự cảm nhận trực tiếp trên lớp học và thực hành”, ông Lâm nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm cũng đề xuất, đối với những vùng nông thôn không có ổ dịch, nhà trường có thể chia học sinh ra thành nhiều tốp để học sinh đến lớp; một lớp học chia nhỏ nhằm thực hiện giãn cách để phòng chống dịch. Những vùng nông thôn có dịch COVID - 19 thì bắt buộc phải thực hiện trực tuyến hoặc nghỉ học để phòng chống dịch.