> Ngộ nghĩnh điệu nhảy flashmob kiểu 'con gà' của SV
> Đừng để cuộc sống bị ‘số hóa’
Trước khi chia sẻ với em, tôi xin tự giới thiệu, tôi từng là bí thư Đoàn chuyên trách, nguyên là thầy giáo dạy Ngữ văn trường PTTH Hà Nội, cũng có trên 40 năm thâm niên trong nghề, là người cha của hai cậu con trai, chúng cũng từng trải qua lứa tuổi “nhất quỷ, nhì ma…” như em vậy.
Là thầy giáo có thâm niên làm công tác chủ nhiệm, tôi từng đối diện nhiều “ca” hóc búa hơn trường hợp của Hùng.
“Thưa thầy, em xin lỗi vì những việc làm thô bạo của mình khiến thầy và các bạn phiền lòng. Em cũng xin cám ơn cái tát của thầy đã làm em tỉnh ngộ”.
Dạo đó lớp 12G của tôi có trò Tiến “cối” (tính của cậu này chầy cối trong học tập và các mối quan hệ nên bạn bè đặt cho biệt danh đó). Tiến sinh ra và lớn lên trong gia đình có nhiều bi kịch. Bố mẹ Tiến luôn lục đục với nhau và cảnh thượng cẳng chân, hạ cẳng tay không hiếm trong gia đình này.
Tất nhiên hành vi bạo lực trong gia đình đã nhiễm vào Tiến từ bé. Cậu ta giải tỏa mọi bức xúc y chang cha mẹ mình, thích choảng nhau với bạn bè, coi đó là sở thích. Tiến tuyên bố “Ngày nào không được đấm đá, coi như ăn không ngon”.
Một lần Tiến trả thù cô giáo dạy Lý vì “dám” cho cậu điểm không. Tiến chuẩn bị một quả pháo đùng tự tạo to như phích nước (thời kỳ này chưa cấm đốt pháo). Một tiết học đầu năm mới, Tiến lẻn đến lớp sớm, đặt quả pháo sau tấm bảng đen bằng gỗ, châm ngòi hẹn giờ, đợi cô giáo đến.
Cô vào dạy được mấy phút thì pháo nổ làm vỡ toang tấm bảng, cô giáo ngất ngay trên bục giảng. Tôi và cô hiệu trưởng chạy đến giải quyết hậu quả. Cô hiệu trưởng đưa cô giáo xuống phòng Chữ thập đỏ sơ cứu.
Tôi đứng giữa khung cảnh lớp học còn khói pháo, mảnh gỗ vỡ vung vãi khắp nơi. Cả lớp học ngồi im thim thít. Tôi trừng mắt hỏi: “Ai mang pháo đến đốt, phá hoại lớp. Dám làm thì dám chịu?”.
Cả lớp đổ dồn về Tiến. Dường như không chịu đựng được sức mạnh tập thể đang lên án hành động của mình, Tiến đứng dậy lí nhí: “Thưa thầy, em ạ!”. Tôi yêu cầu Tiến lên bảng. Khi cậu ta vừa đến, tôi tặng một cái tát trời giáng.
Tôi nói: “ Thầy xin lỗi cả lớp. Đây không phải thầy đánh trò, mà anh cả trong gia đình thay mặt cha mẹ dạy cậu em hư (thời đó tôi mới chỉ 24 tuổi). Thầy xin chịu trách nhiệm về việc làm của mình”.
Bài “Nam sinh ngập trong bạo lực kêu cứu” là tâm sự của Nguyễn Trần Hùng, sinh viên ở Hà Nội. Hùng sinh ra trong gia đình có bố hành xử bạo lực và bị nhiễm tính này. Hùng giải quyết mọi mâu thuẫn theo hướng bạo lực, bị bạn bè, người thân xa lánh. Nhận ra điều đó, Hùng tâm sự với Diễn đàn, nhờ giúp đỡ để ra khỏi tình cảnh này.
Sử dụng bạo lực là không nên nhưng hành động của Tiến đã vượt khỏi sự kiềm chế của tôi. Hình như cả lớp đồng tình với tôi. Còn Tiến len lén về chỗ ngồi. Hôm sau, hôm sau nữa…
Tiến vẫn đến lớp, thái độ không ngổ ngáo như trước, hình như đang nghĩ ngợi. Tôi định để cho Tiến nguôi ngoai sẽ gặp nói chuyện. Nhưng 10 ngày sau, Tiến chủ động tìm gặp tôi. Hai thầy trò rủ nhau ra ghế đá ven hồ nói chuyện. Trong buổi nói chuyện tôi đã xin lỗi Tiến vì đã hành xử nóng nảy hôm đó.
“Thưa thầy, em xin lỗi vì những việc làm thô bạo của mình khiến thầy và các bạn phiền lòng. Em cũng xin cám ơn cái tát của thầy đã làm em tỉnh ngộ. Em đã cân nhắc kỹ. Em sẽ làm đơn xin nhập ngũ. Em muốn rèn luyện trong môi trường quân đội. Thầy cho em gửi lời chào các bạn…”.
… Cuộc sống lành mạnh của người lính đã tôi luyện Tiến thành người tốt, con người chân chính, biết sống vì người khác. Cha mẹ Tiến dần dần cũng tìm thấy hạnh phúc trong sự tiến bộ của con.
Hùng thân! Giữa Hùng và Tiến có chỗ giống nhau. Cả hai phải thường xuyên chứng kiến, sống trong bạo lực của gia đình, nguyên nhân từ cha mẹ.
Nhưng khác với học trò của tôi, Hùng đã biết mình bị “bệnh” thích sử dụng bạo lực và đó là chìa khóa để em ra khỏi chuyện này. Hùng có thể bắt đầu thay đổi từ những việc có ích như tham gia các hoạt động Đoàn, Hội; tham gia dã ngoại với bạn bè; đi du lịch, làm từ thiện…
Với tâm hướng thiện của em, chỉ cần nguyên cớ nhỏ là em sẽ ra khỏi bạo lực.
Người trẻ trải lòng sau song sắt
Bắt đầu từ tuần tới, Diễn đàn Tội ác đến từ đâu? sẽ khởi đăng loạt bài dài kỳ: Người trẻ trải lòng sau song sắt.
Phóng viên Tiền Phong đã vào nhà tù gặp gỡ, trò chuyện với tù nhân trẻ để giải mã cơ chế gây tội ác, qua đó cung cấp thông tin cho bạn trẻ soi chiếu, rút kinh nghiệm, tránh những hậu quả đau lòng.
Đôi khi chỉ vì tự ái vặt, máu anh hùng rơm, chút sĩ diện, hay chỉ là cơn nóng giận bất chợt… một số người trẻ phải vướng lao lý với những nỗi ân hận, day dứt khôn nguôi. Những tâm sự sâu kín của tù nhân trẻ sau song sắt nhà tù sẽ nhắc nhở cho chúng ta nhiều điều...
Mời các bạn đón đọc loạt bài này trên Diễn đàn Tội ác đến từ đâu?