Thấy gì từ trào lưu nuôi 'đá cưng'?

TP - Gần đây, thú chơi nuôi những hòn đá thay cho thú cưng được du nhập vào Việt Nam. Thú chơi giải tỏa căng thẳng này đang gây nên nhiều ý kiến trái chiều.

Chăm sóc đá như thú cưng

Phạm Thị Hương, 25 tuổi là nhân viên kế toán, Hà Nội, chia sẻ mấy tháng trước cô xem được các clip về trào lưu nuôi đá trên mạng xã hội. Sau đó, Hương lên trang thương mại điện tử Shopee mua hai hòn đá, một đen, một trắng và bắt đầu “nuôi”.

Hương trang trí cho hai hòn đá và khâu 6 bộ quần áo cho hai “thú đá”. Mỗi ngày, sau khi đi làm về, Hương tắm và bôi kem dưỡng ẩm, thay quần áo cho hai hòn đá. Khi rảnh rỗi, Hương còn đọc sách, cho “đá cưng” nghe nhạc rồi trò chuyện về những việc xảy ra hàng ngày với đá.

“Đá cưng” được bạn trẻ “nuôi”

Hương nói: “Trước đây, thời gian rảnh, tôi có đi hẹn hò cùng đám bạn hoặc đi chơi để xả stress, nhưng từ khi nuôi đá, tôi dành toàn thời gian để chăm sóc đá cưng của mình. Tôi xem nó như một người bạn để tâm sự, than thở buồn phiền mỗi ngày”. Hương là người ít bạn và chưa có bạn trai.

Trào lưu nuôi đá làm thú cưng bắt nguồn từ Mỹ vào những năm 1970. Những năm gần đây, thú chơi này bất ngờ được nở rộ tại một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc.

Hiện có nhiều bạn trẻ bắt đầu nuôi đá cưng và làm video khoe trên mạng xã hội. Trên các nền tảng mạng xã hội, hàng loạt video ghi lại cảnh chăm sóc đá, dẫn “thú cưng bằng đá” đi chơi hay trò chuyện với đá thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và bình luận. Những hashtag (nội dung cùng chủ đề trên mạng xã hội) như “NuoiDaLamThuCung” hay “PetRock” trở thành xu hướng với hàng triệu lượt tìm kiếm.

Nhiều video thể hiện các bạn trẻ tự sưu tầm các viên đá có hình dáng kỳ lạ, sau đó tô vẽ, trang trí và đặt tên cho chúng. Một số người còn chụp ảnh thú cưng bằng đá của mình trong các bối cảnh hài hước, đăng tải trên mạng để chia sẻ niềm vui với cộng đồng.

Một bạn nuôi đá chia sẻ: “Tôi không nghĩ viên đá là một thứ vô tri, nó rất ngoan và lắng nghe mọi tâm sự mà tôi nói. Nuôi chó, mèo nó là quá bình thường và phổ biến, so với nuôi đá tôi thấy dễ dàng hơn nhiều”.

Một số TikToker nổi tiếng thậm chí còn tham gia “thổi lửa” cho trào lưu nuôi đá làm thú cưng này. Bên dưới các video về chủ đề nuôi đá cưng của những người này, nhiều người để lại những bình luận nói về sự dễ thương của những viên đá.

Để phục vụ người chơi, các sạp bán “đá cưng” trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử ngày càng xuất hiện nhiều. Quan sát một cửa hàng (shop) online có tên là “Nuôi Đá Cưng” cho thấy, cửa hàng này bán “đá thú cưng” với hai màu chủ đạo là trắng và đen. Ngoài ra, cửa hàng còn bán kèm những phụ kiện như mũ, kính và sách hướng dẫn chăm sóc đá cưng. Nếu khách mua số lượng nhiều sẽ được tặng kèm nơ và mắt gắn đá. Mỗi viên đá có giá dao động từ 10.000 đồng - 100.000 đồng/viên, được shop đóng gói rất cẩn thận vào từng hộp giấy.

Chuyên gia nói gì?

Bên cạnh những người tò mò, yêu thích, nhiều bạn trẻ cũng dè chừng với trào lưu mới này. Nhiều comment (bình luận) thắc mắc, châm chọc về trào lưu này. “Đã nuôi thì nuôi con vật nào ý nghĩa hơn được không”, “Thật đáng lo ngại về trào lưu này”... là một trong số rất nhiều comment nói về trào lưu nuôi đá.

Nguyễn Diệu Linh, 22 tuổi, ở Thanh Hóa, chia sẻ: “Mình tìm đến trào lưu nuôi đá vì xem được một số video của các bạn trẻ Trung Quốc. Ban đầu mình thấy nuôi đá cũng rất thú vị, vì không cần phải chăm sóc nhiều, lại không phải tốn nhiều chi phí như nuôi các thú cưng khác. Nhưng dần dần, mình thấy chán vì những viên đá căn bản không thể khiến mình xả stress như lời đồn”.

Nghiên cứu sinh, thạc sỹ Nguyễn Thị Hà, giảng viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho hay, giới trẻ hiện gặp rất nhiều áp lực. Việc tìm kiếm những giải pháp “chữa lành” một cách an toàn và chủ động thể hiện việc giới trẻ đã quan tâm tới sức khoẻ tinh thần. “Việc lựa chọn nuôi đá có thể do hiếu kỳ hoặc do các bạn trẻ mong muốn được chăm sóc, quan tâm và thể hiện nỗi niềm của mình mà không bị phán xét, chỉ trích hoặc giận dỗi. Tuy nhiên một số bạn trẻ hiện nay lựa chọn nuôi dưỡng viên đá “vô tri”, trò chuyện, chăm sóc và cảm thấy được chia sẻ từ viên đá có một phần xuất phát từ việc giới trẻ e ngại quan hệ giao tiếp xã hội, hoặc mất niềm tin vào người khác”.

Chị Hà khuyến cáo: “Tôi hy vọng các bạn trẻ sẽ ưu tiên lựa chọn chăm sóc bản thân thật tốt, học cách yêu thương chính mình; sau đó lựa chọn đến việc dành thời gian chăm sóc và yêu thương người thân trong gia đình; tăng cường trò chuyện và kết nối nhiều hơn với bạn bè”.

TS Nguyễn Thị Chính - Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho hay, thú chơi này nhằm mục đích mang lại sự khuây khỏa về tinh thần cho giới trẻ giống như việc nuôi các thú cưng hay chơi thú bông. Các thú chơi này giúp bạn trẻ củng cố sức khỏe tinh thần, không sợ bị phán xét. Tuy nhiên, mặt trái của thú chơi “đá cưng” này là chỉ có tương tác một chiều, không giúp bạn trẻ học tập, trau dồi được kỹ năng giao tiếp xã hội, không giúp cải thiện được nhiều kỹ năng làm việc nhóm trong học tập hay làm việc. Đặc biệt, nếu các bạn trẻ quá sa đà vào trò chơi này sẽ tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc, trở thành một mối lo trong cuộc sống, thành ra lại phản tác dụng.

Theo TS Chính, trường hợp bạn trẻ cảm thấy bất ổn về tinh thần, khó kết nối với các hội nhóm, có thể liên hệ với chuyên gia tâm lý để được tư vấn, giúp đỡ.

“Để tránh bị cô đơn, ức chế tâm lý, các bạn trẻ nên tham gia hoạt động thể chất. Đó là cách để tăng “hóc môn hạnh phúc”. Nếu còn thời gian, các bạn nên tham gia hoạt động khác như đọc sách, tham gia hội nhóm, hoạt động xã hội từ thiện để kết nối, tăng khả năng tương tác, làm các việc hữu ích hơn”, TS Chính nói.