Sau khi nhiều trường ĐH công bố năm nay sẽ dành rất ít chỉ tiêu tuyển sinh từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó sẽ tuyển sinh bằng phương thức khác như: xét tuyển học bạ, kiểm tra đánh giá năng lực… khiến học sinh hoang mang, thậm chí sốc.
Em Nguyễn Hoài An, học sinh lớp 12A9, Trường THPT Hoài Đức B, huyện Hoài Đức (Hà Nội) nói rằng em khá hoang mang không biết phải, ôn thi như thế nào. Kỳ thi tốt nghiệp THPT có từ nhiều năm với rất nhiều bộ đề, đề minh hoạ để học sinh học và luyện kỹ năng làm bài, trong khi kỳ thi đánh giá năng lực vẫn khá mới mẻ. Năm nay An xác định học khối D, chỉ tập trung học các môn trong khối và môn thi tốt nghiệp. Tìm hiểu một số đề mẫu của Trường ĐH Ngoại ngữ, em lo lắng vì kiến thức trải dài suốt cả 3 năm THPT và dàn đều tất cả các môn.
“Chỉ còn một học kỳ, việc quay ngoắt 180 độ để học, chạy đua theo các kỳ thi đánh giá năng lực là vô cùng khó khăn. Em nghĩ, mình sẽ phải đăng ký thi thử ở nhiều nơi để tận dụng cơ hội. Thời điểm này em cũng buộc phải xốc lại tinh thần, cấp tốc đăng ký các khoá luyện thi đánh giá năng lực để biết cách học, cách làm bài. Thời khoá biểu của em hiện kín mít từ sáng sớm đến đêm khuya bằng hình thức trực tuyến vì Hà Nội chưa cho đi học”, Hoài An nói.
Em Nguyễn Hải Duy, học sinh lớp 12, Trường THPT Hồng Ngự 1 (tỉnh Đồng Tháp) cũng bất ngờ, lo lắng khi các trường thay đổi phương thức xét tuyển. Khó khăn lớn nhất mà Duy cũng như các bạn năm nay phải đối mặt là cùng lúc phải ôn thi ĐH và ôn luyện cho các kỳ thi đánh giá năng lực. Riêng Duy còn cấp tốc luyện thi IELTS… với hi vọng đạt điểm cao để tăng cơ hội xét tuyển. “Em đang tích cực nghiên cứu các dạng đề thi đánh giá năng lực nhưng hiện tài liệu quá ít ỏi để ôn”, Hải Duy nói.
Nhiều thầy cô cho rằng, bất kỳ thay đổi nào liên quan đến tuyển sinh ĐH, Bộ GD&ĐT nên công bố sớm 1 năm và có hướng dẫn cụ thể để các trường tổ chức dạy học, thay vì nói chung chung khiến cô trò bị động.
Cô Nguyễn Thị H., giáo viên Trường THPT Quảng Xương 1 (tỉnh Thanh Hoá), cho biết dù những năm trước Bộ GD&ĐT có công bố các trường ĐH có thể tuyển sinh bằng phương thức riêng nhưng đa số các trường ĐH vẫn xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do đó, các trường phổ thông vẫn dạy học theo phương thức “thi gì, học nấy”. Thời điểm này, chỉ còn 1 học kỳ nữa kết thúc năm học nhưng để học trò có thể đáp ứng các kỳ thi, giáo viên cũng phải cuống cuồng thay đổi cách dạy học. Không có nhiều tài liệu, giáo viên hiện phải tự mò mẫm tìm đề đánh giá năng lực của từng trường rồi nghiên cứu và dạy học sinh. Tuy nhiên, thực tế có nhiều bất cập khi cùng một tổ, người tiếp cận được đề mẫu, người không dẫn đến không phải học sinh nào cũng được ôn tập theo hướng mới.
“Nếu thay đổi phương thức như vậy, Bộ GD&ĐT nên yêu cầu các trường công bố đề mẫu, phạm vi kiến thức về các Sở GD&ĐT nhằm chỉ đạo các trường dạy học. Vì đề đánh giá năng lực là đề riêng từng trường có độ phân hoá khác nhau, phạm vi cũng rất rộng. Từ nay đến cuối năm, học sinh phải luyện theo từng dạng đề của các trường là không đủ thời gian”, cô H. nói.
Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B, huyện Hoài Đức (Hà Nội), thông tin, vài tuần nay cô trò đã bỏ ngang hoàn toàn luyện thi tốt nghiệp THPT để chạy theo đánh giá năng lực. Nhưng luyện thế nào, học ra sao khi có ít tài liệu, đề mẫu khiến cô trò rất lúng túng. "Khi nghiên cứu đề đánh giá năng lực các trường cho thấy, bộ câu hỏi rất rộng với kiến thức xuyên suốt 3 năm THPT, điều này khác hoàn toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ học trong chương trình lớp 12. Hiện nay, chỉ còn một học kỳ, học sinh rất khó có thể ôn tập được hết, gây hoang mang rất lớn cho các em”, cô Nga nói.