Cứ dùng áo ngực này bạn sẽ có vòng một ưng ý, cứ dùng quần mi nhon ấy bạn sẽ giảm được béo, sở hữu vòng eo thon gọn. Chảo rán của chúng tôi cứng hơn kim cương, đảm bảo không dính dễ lau chùi. Vàng Nano sử dụng kỹ thuật nano, kết hợp với 24 loại kim loại quý khác, dưới tác động mạnh không bị biến dạng, không bị đổi màu, lấp lánh cả ngày lẫn đêm.
Những đoạn quảng cáo truyền hình như vậy đang làm khổ người xem. Mấy thứ quần áo được rêu rao là làm phình chỗ nọ thu nhỏ cái kia đắt gấp 4 - 5 lần bình thường nhưng chỉ xắt ra được sự bực mình vì hoàn toàn không có tác dụng gì. Chảo rán thì bị người tiêu dùng tố cáo là “con trai tôi khỏe như lực sỹ mà dùng hết sức đẩy miếng trứng vẫn không rời ra khỏi lòng chảo”. Vàng Nano 36 triệu đồng rốt cục là cái vòng đồng, hơ qua lửa đã đen thui.
“Hiện nay vi phạm trong quảng cáo trên truyền hình rất phổ biến, nếu không nói khán giả hễ mở mắt ra là có thể bị lừa” – đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN, nói. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1 – 7 tới. Nhưng để người tiêu dùng được bảo vệ thật sự, phải tạo ra những tiền lệ tích cực.
Những quảng cáo sai sự thật trên truyền hình (và cả trên một số phương tiện thông tin đại chúng khác), về khía cạnh nào đó, còn gây ô nhiễm, còn đáng sợ hơn cả những số điện thoại thông tắc khoan cắt bê tông trên tường trên cột điện. Vì thông tin trong chương trình quảng cáo ấy không được kiểm chứng. Vì cơ quan nhận tung các quảng cáo ấy ra công chúng không chịu trách nhiệm nếu xảy ra hậu quả từ việc sử dụng sản phẩm đã quảng cáo. Vì đã lờ đi quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản ban hành tháng 1-2011.