Thấp thỏm với giá gạo xuất khẩu

TP - Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức thấp và có thời điểm chạm đáy. Ngoài cạnh tranh gay gắt với Thái Lan, Ấn Độ, năm 2015, gạo Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ thu hẹp thị trường ở Trung Quốc, khi nước này hạn chế việc nhập khẩu tiểu ngạch.
Nông dân xã Tân Bình (Phụng Hiệp, Hậu Giang) với lúa thu hoạch xong chưa bán được sáng 2/3. Ảnh: Hòa Hội.

Chạm đáy

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến nửa đầu tháng 2, cả nước xuất trên 270.000 tấn gạo, giảm hơn 35% so cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, tình hình xuất khẩu gạo rất căng thẳng, do lượng hợp đồng từ năm ngoái gối đầu sang đầu năm nay khá thấp. Với dự kiến tháng 3 xuất được 300.000 - 400.000 tấn, tính chung cả quý I, lượng gạo xuất khẩu cả nước chỉ đạt khoảng 700.000 - 800.000 tấn. “Đây là con số rất khiêm tốn so với những năm trước, vì thông thường cùng thời kỳ, Việt Nam thường xuất được 1,2 - 1,4 triệu tấn gạo”, ông Huệ nói.  Xuất khẩu gạo quý I giảm, sẽ tác động dây chuyền đến xuất khẩu gạo quý II, và đặc biệt ảnh hưởng tiêu thụ lúa gạo Đông Xuân cho nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Võ Thành Đô, Cục phó Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), trong tháng 2 và tháng 3 là thời kỳ thu hoạch rộ lúa Đông Xuân. Dự kiến lượng lúa gạo hàng hóa cần tiêu thụ trong dịp này hơn 3,6 triệu tấn. Do nguồn cung lớn hơn cầu, nên nguy cơ giá lúa sẽ giảm, chưa kể tác động từ việc xả kho dự trữ gạo của Thái Lan.

Theo tính toán của VFA, giá lúa gạo trong nước bắt đầu giảm từ đầu tháng 1 và giảm mạnh ở giai đoạn cuối tháng 1, đầu tháng 2. Hiện giá lúa đã cải thiện sau khi có thông tin tạm trữ 1 triệu tấn gạo. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, hiện giá lúa thường tươi tại ruộng trung bình 4.200 đồng - 4.300 đồng/kg, còn lúa hạt dài trên dưới 4.600 đồng/kg. Với giá thành 3.417 đồng/kg (theo Bộ Tài chính công bố trong vụ Đông Xuân năm nay), nông dân chưa đạt mức lãi 30%. Theo lãnh đạo VFA, xu hướng giá sẽ giảm khi tới kỳ thu hoạch rộ, trong khi hợp đồng ký kết xuất khẩu rất mỏng.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo VFA, giá gạo Việt Nam hiện thấp hơn giá gạo Thái Lan tới 30 USD - 40 USD/tấn. Với mức giá 365-375 USD/tấn (gạo 5% tấm) và 340-350 USD/tấn (gạo 25% tấm) và với chất lượng của gạo Đông Xuân, chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh với gạo Thái Lan, và lấy lại vị thế tại thị trường châu Phi. “Năm 2014, do Thái Lan xả kho gạo, giá có lúc thấp hơn giá Việt Nam 30 USD - 40 USD/tấn, nên chúng ta đã mất tới 60% thị phần tại thị trường này”- lãnh đạo VFA nói.

Lo tắc đường tiểu ngạch với Trung Quốc

Theo các DN xuất khẩu gạo, năm 2015, thị trường gạo đáng ngại nhất là Trung Quốc. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc 2,1 triệu tấn gạo (chiếm hơn 30% lượng gạo xuất khẩu cả nước). Ngoài ra, gạo xuất sang thị trường này bằng đường tiểu ngạch khoảng 1,5 triệu tấn.

Tuy nhiên, năm nay, Trung Quốc gác chặt đường tiểu ngạch biên giới, chỉ cho xuất lẻ tẻ. Bà Nguyễn Thị Nguyệt - một thương nhân chuyên xuất gạo tiểu ngạch ở Lào Cai cho biết: “Phía Trung Quốc hiện làm rất căng và dẹp hệ thống đầu nậu bao biên để chống buôn lậu qua biên giới. Đường tiểu ngạch gần như bị tắc từ tháng 6-7 năm ngoái tới nay”. Nhiều doanh nghiệp lo ngại, nếu Trung Quốc chặn đường tiểu ngạch, để đạt được con số 1,5 triệu tấn qua đường này như năm ngoái rất khó. Mặt khác, hiện Trung Quốc cũng chưa phân bổ hạn ngạch nhập khẩu chính ngạch (nên Việt Nam cũng chưa biết có thể xuất sang nước này được bao nhiêu).

Theo VFA, các dự báo cho thấy, năm 2015, Trung Quốc có thể nhập 4 triệu tấn gạo, trong đó, đã ký với Thái Lan để nhập 2 triệu tấn. Mặt khác, từ 2015, Myanmar lần đầu tiên sẽ xuất chính ngạch qua thị trường Trung Quốc (chứ không đi theo đường biên giới như trước đây), nên lượng gạo của nước này sang Trung Quốc sẽ tăng lên. “Với thị trường Trung Quốc, năm 2015, ngoài Thái Lan, thị phần còn lại sẽ phải chia cho cả Việt Nam, Myanmar, Pakistan và Campuchia. Năm nay chúng ta sẽ bị mất rất lớn ở thị trường Trung Quốc, nên cần phải đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang châu Phi”- lãnh đạo VFA nói.

Tạm trữ lúa gạo: Nông dân khó hưởng lợi

Về mua tạm trữ lúa gạo, các nhà khoa học nông nghiệp ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (CASRAD) gồm TS Đào Thế Anh, KS Thái Văn Tình và ThS Hoàng Thanh Tùng khẳng định, ở một số nước gần ta khi tạm trữ, các doanh nghiệp nhà nước mua trực tiếp với nông dân, còn ở ta mua qua thương lái. Nên chính sách tạm trữ mới đưa lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp và thương lái. Chính sách tạm trữ hiện nay có gián tiếp đem lợi ích cho người nông dân nếu giá lúa gạo tăng. Nhóm chuyên gia khảo sát bốn lần mua tạm trữ trước đây, thì có hai lần thất bại: giá lúa gạo tiếp tục giảm mà không tăng. 

Sáu Nghệ