Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 07/3/2022. UBND TP đã giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội là cơ quan lập Quy hoạch tổ chức triển khai lập Quy hoạch Thủ đô. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, cùng với Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo ra "cơ hội mới - giá trị mới" để phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có mục tiêu tổng quát trong Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa; là trung tâm nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ mới hàng đầu; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; là trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là trung tâm hàng đầu cả nước về giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực có trình độ liên thông quốc tế; là trung tâm y tế hàng đầu cả nước, có chuyên khoa đạt đẳng cấp quốc tế; có đô thị xanh, thông minh, hiện đại, nông thôn sinh thái, văn minh, thành phố thanh bình, có sức hấp dẫn cao; Người Hà Nội hào hoa, văn minh, thanh lịch, nghĩa tình; là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị. Quy hoạch Thủ đô đã đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 đột phá phát triển.
Trong đó, một số nội dung đáng chú ý như: Phấn đấu trước năm 2030, xử lý ô nhiễm, làm “sống lại” các dòng sông nội đô, bảo vệ nghiêm ngặt các hồ, không gian mặt nước; phấn đấu năm 2035 cơ bản hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và các đường vành đai, các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua sông Hồng...
Làm mới những nguồn lực phát triển
Đối với nguồn lực để thực hiện quy hoạch, TS. Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội cho hay, trong Quy hoạch Thủ đô đã xác định để thực hiện được bản Quy hoạch cần một nguồn lực đầu tư rất lớn. Chính việc bản Quy hoạch Thủ đô đã tạo ra những nguồn lực để thực hiện Quy hoạch bằng việc mở rộng không gian phát triển, tạo ra các cơ hội mới. “Bên cạnh những nguồn lực truyền thống như đất đai, vốn thì trong Quy hoạch Thủ đô đã xác định một số nguồn lực dù không phải là mới nhưng sẽ được làm mới như nguồn lực về văn hóa”, bà Hằng thông tin.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội chia sẻ: Ngay sau khi 2 bản quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố sẽ tổ chức công bố và triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô, ban hành Chương trình phát triển đô thị để thực hiện Quy hoạch chung. Trong đó, đặc biệt chú trọng các giải pháp cụ thể và tiến độ thực hiện các quy hoạch...
Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội được thành lập năm 1998 theo Quyết định số 221/1998/QĐ-TTg ngày 16/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ.
Viện đã có gần 100 công trình nghiên cứu quan trọng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội.
Ngoài nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô, Viện cũng đã tham gia nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách đề xuất trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Hiện nay, Viện được UBND Thành phố giao là cơ quan thường trực của Mạng lưới sáng kiến Hà Nội, nơi kết nối, liên kết giữa chính quyền Thủ đô với các tổ chức khoc học và công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn và quốc tế nhằm thu hút và phát huy, sử dụng hiệu quả chất xám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.