Phát hiện loạt sai phạm
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận số 263, ngày 19/7, về việc Thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Thời kỳ thanh tra từ năm 2016-2020.
Cụ thể, kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ những sai phạm xảy ra tại 5 dự án điện gió ở Gia Lai. Trong đó, Dự án nhà máy điện gió Phát triển Miền núi do Công ty Cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư (Cty điện gió 1) công suất 50MW, tổng mức đầu tư 1.916 tỷ đồng, tiến độ từ tháng 6/2020 đến tháng 11/2021; Dự án nhà máy điện gió chế biến Tây Nguyên do Cty Cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư (Cty điện gió 2), công suất 50MW, tổng mức đầu tư 1.917 tỷ đồng, tiến độ từ tháng 6/2020 đến tháng 11/2021) tại xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông.
Quá trình thực hiện 2 dự án này có một số vi phạm. Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và các sở ngành chức năng không tổ chức thẩm định năng lực tài chính của Cty điện gió 1 và Cty điện gió 2, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định số 325 và quyết định số 326 ngày ngày 21/7/2020 cấp chủ trương đầu tư trong khi chủ đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính (không có tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư, không có tài liệu chứng minh vốn góp chủ sở hữu 20% tổng mức đầu tư của dự án), vi phạm quy định.
Điều này dẫn đến sau khi được cấp chủ trương đầu tư, trong vòng 1 tháng, khi chưa hoàn thành thủ tục đất đai, chưa đầu tư, ngày 19/8/2020, 2 cty điện gió đã bắt đầu chuyển nhượng cổ phần. Đến ngày 6/11/2021, 2 công ty này đã bán 99,7% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (Cty EPVN W2 Company Limited).
Đến nay, cả 2 dự án chậm tiến độ, hết thời hạn đầu tư (Cty điện gió 1 mới hoàn thành thi công lắp đặt 10/15 turbine và Cty điện gió 2 mới lắp 2/15 turbine), nhưng cơ quan chức năng buông lỏng quản lý không tham mưu thu hồi tiền ký quỹ.
Đại diện chủ đầu tư 2 dự án trên giải thích, đến thời điểm hiện nay dự án đã được đầu tư và hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2021, với tổng vốn 3.202 tỷ đồng. Theo đại diện chủ đầu tư, tất cả nguồn vốn trên đều sử dụng nguồn vốn góp chủ sở hữu 30% và vay vốn của công ty mẹ 70%, không vay ngân hàng trong nước và nhà đầu tư đã đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện và hoàn thành cả hai dự án theo quy định.
“Việc chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp là một hình thức đầu tư hợp pháp, được pháp luật Việt Nam cho phép theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 25 Luật đầu tư 2014, đúng quy định pháp luật”, đại diện chủ đầu tư nói.
Chiếm đất rừng?
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ các sai phạm tại Dự án nhà máy điện gió Chơ Long do Cty Cổ phần phong điện Chơ Long làm chủ đầu tư, công suất 155MW (tổng mức đầu tư 6.246 tỷ đồng, tiến độ từ quý III/2020 đến quý IV/2021); và dự án Nhà máy điện gió Yang Trung do Cty Cổ phần phong điện Yang Trung thực hiện, công suất 145MW (tổng mức đầu tư 6.593 tỷ đồng, tiến độ từ quý IV/2020 đến quý IV/2021). Cả hai dự án này đều được thực hiện ở 3 xã của huyện Kông Chro.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, khi UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư, ông Nguyễn Nam Chung là đại diện pháp luật của 2 dự án; chủ đầu tư không có vốn góp chủ sở hữu tương đương 20% tổng mức đầu tư của từng dự án, người đại diện pháp luật (tức ông Nguyễn Nam Chung - PV) có vi phạm về sử dụng đất và đã bị UBND tỉnh Hoà Bình xử lý năm 2020 (hành vi sử dụng đất không đúng mục đích như xây dựng cây xăng, siêu thị không phép), nhưng Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư (tháng 8/2020 cho cả 2 nhà máy) là thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định.
Ngoài ra, quá trình thực hiện 2 dự án còn để xảy ra một số sai phạm khác, đặc biệt là việc UBND tỉnh ban hành quyết định số 410 ngày 20/8/2020 cấp chủ trương đầu tư cho Cty Cổ phần phong điện Chơ Long thực hiện dự án, trong đó có 98.500m2 đất lâm nghiệp không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thực tế Cty Chơ Long đã thi công dự án điện gió trên đất quy hoạch lâm nghiệp trước khi chuyển mục đích sử dụng đất, vi phạm những hành vi bị cấm theo Điều 12, Luật Đất đai 2013 nhưng cơ quan chức năng của tỉnh đã buông lỏng quản lý, không phát hiện xử lý theo quy định.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, trách nhiệm để xảy ra tồn tại, thiếu sót trên thuộc giám đốc các Sở KH&ĐT, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội; chủ tịch và phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách và các tổ chức cá nhân có liên quan qua các thời kỳ.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc dự án chuyển nhượng cổ phần khi chưa hoàn thành thủ tục đất đai; việc chủ đầu tư sử dụng lao động nước ngoài nhưng không báo cáo cơ quan chức năng; việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án; việc bồi thường, hỗ trợ trước khi cho thuê đất thực hiện dự án, đảm bảo đúng quy định, tránh tình trạng khiếu kiện phức tạp; xác định, thu hồi tiền ký quỹ và xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm trên. Quá trình xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì UBND tỉnh chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Ngày 13/8, một lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho PV Tiền Phong biết đang tiếp tục rà soát, kiểm tra để xử lý theo quy định đối với những sai phạm tại 5 dự án điện gió trên.
Dự án Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai do Cty Cổ phần đầu tư và Phát triển phong điện Gia Lai (viết tắt là Cty Hưng Hải) làm chủ đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư theo quyết định số 464 ngày 8/9/2020 tại xã Yang Trung, huyện Kông Chro; công suất 100MW, diện tích 47ha (đất có thời hạn 23ha và đất tạm thời 24ha).
Theo Thanh tra Chính phủ, Sở KH&ĐT không tổ chức thẩm định năng lực tài chính của Cty Hưng Hải, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định số 464 cấp chủ trương đầu tư trong khi chủ đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính (không có tài liệu chứng minh vốn góp chủ sở hữu tương đương 20%), vi phạm quy định; đến thời điểm thanh tra (tháng 12/2021), chủ đầu tư không có xác nhận thuê đất, bàn giao đất với diện tích đất sử dụng tạm thời 26,5 ha đã triển khai khởi công xây dựng là vi phạm quy định.