Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907- 7/4/2017):

Thanh niên phải sống có chí hướng, có hoài bão

TP - Theo ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Tổng Bí thư Lê Duẩn là người luôn quan tâm đến sự phát triển của thế hệ trẻ. Tổng Bí thư cũng thường xuyên xuống cơ sở gặp gỡ, đối thoại và luôn nhắc thanh niên phải sống có chí hướng, có hoài bão.
Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Hòa Bình (ảnh tư liệu).

Theo ông Vũ Mão, Tổng Bí thư Lê Duẩn rất quan tâm đến việc đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ. Chính Tổng Bí thư Lê Duẩn đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về công tác thanh niên. Đồng chí cũng thường xuyên xuống cơ sở gặp gỡ, đối thoại và luôn nhắc thanh niên phải sống có chí hướng, có hoài bão, không ngừng vươn lên nắm bắt tri thức của nhân loại và phải noi theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại.

Cũng theo ông Vũ Mão, trong lịch sử phong trào Thanh niên Việt Nam có một dấu ấn được khắc ghi là: Công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Theo đó, năm 1982, trong một lần được báo cáo công tác thanh niên với đồng chí Lê Duẩn, những người đoàn viên, thanh niên đã trình bày ý nguyện công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà được mang tên Công trường Thanh niên cộng sản. Sau khi lắng nghe và hỏi tỉ mỉ  về ý nghĩa và nội dung của phong trào, đồng chí Lê Duẩn ủng hộ và nói: “Cần phải có phong trào mới đi vào lòng người, huy động được đông đảo thanh niên tham gia, tạo ra những quả đấm thép. Công trường Thanh niên Cộng sản Sông Đà phải làm được như thế”, ông Vũ Mão kể lại.

Coi trọng thực tiễn, tìm tòi tư duy mới

Theo ông Vũ Mão, Tổng Bí thư Lê Duẩn là người có nhiều sáng tạo về lý luận cách mạng và đường lối cách mạng Việt Nam. Tổng Bí thư Lê Duẩn rất cảm phục, tâm đắc và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc suốt tiến trình cách mạng, về bản chất của Đảng và xây dựng Đảng, về bồi đắp những gì mới mẻ tốt tươi, loại bỏ những gì cũ kỹ, lạc hậu.

Tư tưởng đổi mới của đồng chí Lê Duẩn xuất hiện khá sớm. Đó là tư tưởng độc lập, tự chủ, sáng tạo xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, từng bước thoát ra và tiến tới xoá bỏ cơ chế kế hoạch hóa kiểu cũ. Đó cũng là tư tưởng dám đổi mới, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm để tìm cách vượt lên chính mình, nhạy bén điều chỉnh cách làm và bước đi cho phù hợp thực tiễn.

Theo ông Vũ Mão, giai đoạn đầu những năm 1980, nước ta lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội, lạm phát tới 774%. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã như thế, Đảng ta mà đứng đầu là Tổng Bí thư Lê Duẩn đã chèo chống, giữ cho không bị sụp đổ, dần ổn định và tìm cách đi lên.

Tại Đại hội lần thứ V của Đảng, trong Báo cáo chính trị do đồng chí Lê Duẩn trình bày, đã tự nghiêm khắc phê bình về việc “chủ quan nóng vội”, đề ra một số chỉ tiêu quá lớn về quy mô và quá cao về tốc độ xây dựng cơ bản và phát triển sản xuất… đưa quy mô hợp tác xã nông nghiệp lên quá lớn ở một số địa phương. Bên cạnh đó tư duy “bảo thủ, trì trệ”, duy trì quá lâu cơ chế quản lý hành chính, quan liêu, bao cấp, chậm thay đổi các chính sách, chế độ, nên đã kìm hãm sản xuất. Đại hội đã quyết định “Đổi mới chế độ quản lý và kế hoạch hóa hiện hành. Xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính, quan liêu, bao cấp; khắc phục bằng được tình trạng trì trệ, bảo thủ… Vừa nắm vững giá trị sử dụng, vừa coi trọng giá trị và quy luật giá trị”.

“Ngay từ Đại hội V, Ban Chấp hành Trung ương và đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã thể hiện những đổi mới bước đầu về tư duy kinh tế. Đồng chí luôn coi trọng việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đòi hỏi cán bộ phải gương mẫu, độc lập, sáng tạo và chính cái đó tạo ra động lực cho sự phát triển đất nước”, ông Vũ Mão nhận xét.