Thanh niên phải là chất men xúc tác

TP - Chương trình đối thoại “Chính sách hoạt động tình nguyện - Tiếng nói người trong cuộc” do Ủy ban Quốc gia (UBQG) về Thanh niên Việt Nam phối hợp cùng Bộ Nội vụ, UBND TPHCM tổ chức ngày 11/7 tại TPHCM. Anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm UBQG về Thanh niên Việt Nam chủ trì.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong chủ trì buổi đối thoại.

Buổi đối thoại dành phần lớn thời gian bàn thảo, trao đổi xoay quanh Quyết định (QĐ) số 57 của Thủ tướng Chính phủ (có hiệu lực thi hành kể từ 1/1/2016) về chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên.

“Tình nguyện là bất vụ lợi!”

Thể hiện tiếng nói của chính người trong cuộc đã nhiều năm làm công tác tình nguyện, anh Giang Ngọc Phương (nguyên Phó Chủ tịch Hội Sinh viên VN - TPHCM) cho rằng cần sửa QĐ 57 vì “có nhiều vấn đề bất cập” giữa lúc hoạt động tình nguyện đang diễn ra rất đa dạng và thay đổi theo nhu cầu của cuộc sống, của thanh niên. 

Anh Phương đặc biệt nhấn mạnh về điều khoản quy định quyền lợi cho đối tượng thanh niên khi tham gia hoạt động tình nguyện trong QĐ (khoản 2 Điều 7, quy định “Được hưởng tiền bồi dưỡng trong thời gian hoạt động tình nguyện...”) và anh cho rằng điều đó “mang nặng tính vụ lợi”. “Tôi cho rằng đã là tình nguyện thì phải bất vụ lợi, còn chuyện có được chính sách hay những khoản chi phí để hỗ trợ thêm cho thanh niên tình nguyện thì cũng tốt, nhưng không nên đưa rõ ràng vào trong một chính sách như thế này”, anh Phương nêu quan điểm.

“Hoạt động tình nguyện cần phát huy chuyên môn tay nghề của thanh niên, phải thấy được điểm giao thoa giữa khả năng “cung” của thanh niên tình nguyện và nhu cầu của người dân. Đồng thời, cũng cần có hướng mở cho chính sách tình nguyện, có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan để cùng xây dựng cơ chế, chính sách, để thanh niên thấy được hậu phương cho hoạt động của mình và góp phần làm cho phong trào tình nguyện có sức hiệu triệu hơn”, anh Giang Ngọc Phương nói.

Anh Phạm Đỗ Phương, trợ lý thanh niên Bộ Tư lệnh TPHCM, cho rằng trong QĐ 57 còn thiếu những quy định đối với lực lượng đặc thù như quân đội, đơn cử như lực lượng sẽ tham gia ở góc độ như thế nào, lĩnh vực ra sao, rồi quy định về quy chế phối hợp, làm việc khi đưa quân ra ngoài doanh trại làm nhiệm vụ tình nguyện...  “Khi làm nhiệm vụ quân sự tại đơn vị mà được cử ra ngoài làm nhiệm vụ tình nguyện, lỡ có xảy ra tai nạn thì có được công nhận về những chế độ chính sách?”, anh Đỗ Phương đặt vấn đề.

“Đi tình nguyện, được gì?”

Anh Trần Đỗ Thành Cường, Phó Chủ tịch HSV trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM chia sẻ: Chính khi thấy được ý nghĩa của các hoạt động tình nguyện thì các bạn mới tham gia, và vì thế họ cũng không cần những chính sách hỗ trợ thêm, mà chỉ cần đảm bảo những nhu cầu căn bản nhất là ăn ở, nghỉ ngơi, vệ sinh, những khó khăn còn lại, thanh niên sẽ sẵn sàng vượt qua. 

Và vì vậy, phần kinh phí thay vì “bồi dưỡng” cho thanh niên sẽ dành cho địa phương nhiều hơn. “Mặt khác, vấn đề tham gia tình nguyện gắn với chuyên môn của sinh viên còn mang lại một lợi ích nữa là làm cho các bạn yêu thêm những gì các bạn đang học. Đồng thời, thay vì được bồi dưỡng về tiền bạc, cái được “bồi dưỡng” lớn nhất đối với các bạn khi đi tình nguyện chính là bồi dưỡng về mặt tinh thần thông qua các hoạt động thực hiện được”.

Giải đáp những trăn trở, đề xuất của những đại biểu thanh niên, anh Lê Quốc Phong nói: “Chúng ta không thể làm tình nguyện mà không đáp ứng được nhu cầu của người dân, của địa bàn. Giữa khả năng của hoạt động tình nguyện với mong muốn của địa phương phải có điểm giao thoa nhau và phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng”.

Anh Phong cho rằng QĐ 57 cũng buộc tổ chức Đoàn - Hội phải nỗ lực tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tình nguyện. Phải cố gắng giữ vai trò dẫn dắt, là lực lượng nòng cốt để phát huy và kêu gọi được xã hội cùng đồng hành. 

Vì thế, khi về với địa phương, phải mời gọi cho được thanh niên, người dân địa phương, phải vận động chính quyền và cán bộ tại nơi đó cùng tham gia hoạt động tình nguyện, khi đó một hoạt động tình nguyện cụ thể mới đầy đủ và phát huy hết giá trị. “Ở góc độ nào đó, chúng ta là chất men xúc tác để các lực lượng, đối tượng trên địa bàn cùng quan tâm, kế thừa, phát huy và tạo ra giá  trị cao cho những sản phẩm, công trình do mình tạo ra. 

Mặt khác, chính chúng ta cũng phải tự hoàn thiện mình hơn, đáp ứng đầy đủ và đa dạng nhất nhu cầu tình nguyện của thanh niên hiện nay, đáp ứng yêu cầu cụ thể của các địa bàn, địa phương trong việc phát triển - kinh tế thông qua những công trình chất lượng, có chiều sâu”, anh Lê Quốc Phong nhấn mạnh.

Đại diện cấp quản lý tại địa phương có phong trào tình nguyện sôi nổi nhất cả nước, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cho biết thành phố đánh giá rất cao tinh thần và hoạt động tình nguyện của thanh niên thành phố trong những năm qua.

 Bà Thu bày tỏ mong muốn thanh niên tiếp tục góp sức, đồng hành với thành phố trong giải quyết những vấn đề bức thiết mà Đảng bộ thành phố xác định qua các chương trình đột phá (cải cách thủ tục hành chính; giảm thiểu TNGT, kẹt xe, ngập úng; thực hiện nếp sống văn minh; xây dựng nông thôn mới...).