Thanh niên dân tộc Tày bỏ nghề thầy giáo về phát triển mô hình nuôi dúi

Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, tại các vùng nông thôn Lào Cai, nhiều thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số đã nỗ lực vượt khó, có cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế. Ở bản Mường Kem, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, thanh niên 9X Hoàng Văn Khanh đã thành công với mô hình nuôi dúi, mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng cho người dân ở địa phương.

Có niềm yêu thích đặc biệt với con dúi, Hoàng Văn Khanh, sinh năm 1992, ở bản Mường Kem, xã Nghĩa Đô dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về con vật này. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai năm 2013, anh về công tác tại Trường Tiểu học xã Tân Tiến. Thế nhưng sau một năm dạy học Khanh lựa chọn chia tay với sự nghiệp làm Thầy và lựa chọn cho mình con đường riêng để khởi nghiệp. Anh trở về nhà và quyết tâm thực hiện mô hình nuôi dúi đã ấp ủ từ lâu. Với số vốn gần 100 triệu đồng, anh xây chuồng trại và mua 20 cặp dúi mốc đại từ Hòa Bình về nuôi. Kĩ thuật chăm sóc đơn giản, chi phí nuôi dưỡng thấp chính là ưu điểm lớn nhất của loại vật nuôi này.

"Thức ăn của nó là cây tre, dòng họ cây tre, cây mai, thức ăn bổ sung như là mía, ngô, sắn, chít, cỏ voi. Mỗi tối tôi cho dúi ăn 3 loại thức ăn chính, gồm tre, sắn, hoặc ngô, đi kèm với đó là mía, hoặc cây cỏ voi để cấp nước cho dúi, vì dúi không uống nước. Nuôi dúi không khó nhưng phải đặc biệt chú ý đến nhiệt độ. Nếu vượt quá 35 độ C thì dúi dễ bị sốc nhiệt, phải áp dụng các biện pháp để làm mát chuồng nuôi", anh Khanh cho biết.

Vui vẻ, nhiệt tình, anh Khanh dẫn chúng tôi vào khu vực chuồng nuôi với hơn 300 con dúi, từ con giống, dúi thương phẩm đến dúi sinh sản. Anh tâm sự: “Cái duyên” với dúi của mình có được từ qua tìm hiểu trên youtube, sách, báo, tivi và nhiều lần đi tham quan mô hình dúi của bạn bè ở các tỉnh, thành khác

Nói về kỹ thuật nuôi dúi, anh Khanh cho biết: dúi là thú ưa mát nên chuồng phải rộng, anh sử dụng hệ thống phun nước lên mái chuồng vào mùa hè, chuồng được thiết kế đơn giản có thể xây hoặc dùng gạch lát nền gắn lại với nhau theo kích thước cao 60cm, rộng 50cm và dài 50cm. Sử dụng quạt công suất lớn để dúi không bị nóng, đặc biệt không để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào. Đây là loài thú có tính gặm nhấm nên không được nhốt chung, chỉ nhốt 2 con một chuồng, dúi thương phẩm có thể tách riêng mỗi chuồng chỉ 1 con.

Thức ăn của dúi gồm: Tre, mía, ngô. Mỗi ngày cho ăn một lần vào buổi chiều tối. Các thức ăn phải khô ráo, sạch sẽ để dúi không bị bệnh tiêu chảy. Trung bình mỗi năm dúi cái đẻ 3 lứa, mỗi lứa 3- 4 con, con non từ khi sinh ra khoảng 3 tháng là có thể xuất bán con giống với giá 800 đến 2,5 triệu đồng một cặp dúi giống. Mỗi tháng anh tách được khoảng 15 đến 20 cặp giống. Dúi thương phẩm thì sau 5- 6 tháng có thể đạt trọng lượng từ 1,8 – 2,5kg được bán với giá khoảng 400- 500 nghìn đồng/1kg. Trừ các chi phí mỗi tháng anh Khanh thu được từ 15 đến 20 triệu đồng. Được biết, đây là mô hình nuôi dúi đầu tiên trên địa bàn xã Nghĩa Đô.

Từ 20 cặp dúi giống ban đầu, đến nay, đàn dúi của anh Khanh tăng lên hơn 300 cặp, gồm cả dúi sinh sản và dúi thương phẩm. Được xem là đặc sản của vùng núi, thịt dúi thơm, ngon, mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cao nên việc tiêu thụ dúi rất thuận lợi. Trung bình mỗi tháng, anh Khanh bán khoảng 20 cặp dúi giống, với giá bán trung bình 1 triệu đồng/cặp, và 3 - 4 tháng anh bán một lứa dúi thương phẩm. Không chỉ có thị trường Lào Cai, anh Khanh còn cung cấp dúi ra nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Vì dúi là động vật hoang dã, nên anh Khanh cũng phải làm thủ tục đăng ký nuôi với Hạt Kiểm lâm huyện, anh cho biết: "Mỗi tháng, lực lượng kiểm lâm sẽ vào mô hình kiểm tra một lần, dúi sinh sản thêm bao nhiêu con thì tôi phải thông báo với bên kiểm lâm, để họ cập nhật vào sổ, và nếu dúi bị chết tôi cũng phải báo chính xác số lượng. Khi tôi xuất bán dúi thì cũng phải thông báo để bên kiểm lâm kiểm tra, cấp giấy phép để tôi vận chuyển đi".

Anh Hoàng Đức Sy – Bí thư Đoàn thanh niên xã Nghĩa Đô cho biết: Những năm gần đây, Đoàn viên thanh niên xã Nghĩa Đô tích cực, nỗ lực phát triển kinh tế từ đó xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo và hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập cao ngay tại đồng đất quê hương. Trong đó mô hình nuôi dúi của đoàn viên Hoàng Văn Khanh là mô hình phát triển kinh tế mới, mô hình tiên phong ở Nghĩa Đô đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mong muốn các đoàn viên thanh niên khác trong xã sẽ học hỏi kinh nghiệm từ Khanh, để nhân rộng mô hình nuôi dúi này trong thời gian tới.

Thành công từ mô hình nuôi dúi của anh Khanh thêm một lần nữa khẳng định, thanh niên nông thôn hoàn toàn có thể lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương. Điều quan trọng nhất cần phải có là tinh thần vượt khó vươn lên.