Theo quyết định của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng được giao làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Ông Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ (Thường trực); ông Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Vũ Khắc Hùng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao; ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; ông Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an.
Thành viên Ban Chỉ đạo có các đại diện ở Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo việc xây dựng Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2030, trong đó bao gồm các nhiệm vụ kế hoạch để thực hiện Công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng và Thông báo Kết luận số 12-TB/TW ngày 06 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và trình Chính phủ.
Thủ tướng giao Trưởng Ban Chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các thành viên Ban Chỉ đạo, được sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ để điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo. Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Thành viên Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của bộ, cơ quan nơi công tác để chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ.
Trưởng Ban chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành giúp việc Ban chỉ đạo do một đồng chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ làm Tổ trưởng, thành viên là cán bộ thuộc các cơ quan tham gia Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, cơ quan liên quan.