> Buộc phá dỡ lán khai thác vàng
> Phá rừng cao su tìm vàng
Cuối tháng 4, ngành chức năng của huyện Thường Xuân và UBND xã Xuân Chinh cho nổ một quả bom nặng 230 kg và hàng chục cân mìn để lấp hang khai thác vàng trái phép trên địa bàn, nhưng sau vài ngày, việc khai thác vàng lại tái diễn.
Tại khu vực suối Ặc, thuộc làng Thông, xã Xuân Chinh, công an và chính quyền địa phương cũng lập biên bản, yêu cầu chủ máy móc khai thác vàng trái phép rời khỏi địa bàn.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương và ông Cầm Bá Việt, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Chinh, đầu tháng 5, các đối tượng đã phá rừng tự nhiên tại thôn Ặc, khu vực suối Tĩnh, để đưa máy xúc, ủi, cùng ô tô tải chở các thiết bị được cho là có dấu hiệu dùng để khai thác vàng trái phép.
Tại hiện trường, nhiều cây gỗ lớn nhỏ đã bị chặt phá, để mở đường rộng chừng 7m, dài khoảng 300m tính từ điểm tiếp giáp với Quốc lộ 45 và 48 đang thi công để vào suối Tĩnh- nơi được xem có vàng sa khoáng. Tại hiện trường còn có một chiếc máy xúc, cùng ô tô tải, không có người. Đến ngày 6/5, số máy móc này vẫn còn ở đó.
Chính quyền xã đã yêu cầu các đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi địa bàn, xử phạt hành chính (tối đa 2 triệu đồng/lần phạt), đốt lán trại nhiều lần. Tuy nhiên vẫn không chấm dứt được tình trạng này. Các đối tượng vẫn ngang nhiên trở lại địa bàn khai thác vàng với các thiết bị cồng kềnh mà không bị cơ quan chức năng cấp huyện xử lý dứt điểm.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Cầm Bá Việt nói: “Sau khi chúng tôi đến hiện trường phá rừng làm đường thì chỉ thấy máy xúc, ủi và xe tải vô chủ. Trên thùng xe tải có chở các thiết bị khai thác vàng như máy nổ, sàng lọc...”. Tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra tại xã Xuân Chinh suốt nhiều năm qua, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
Bên cạnh đó, việc khai thác vàng trái phép tại các con suối còn gây ô nhiễm môi trường nước sinh hoạt của người dân địa phương (vì đồng bào ở đây thường dùng nước suối để sinh hoạt), gây khó khăn cho việc cấp nước tưới cho diện tích đất nông nghiệp… Cấp ủy Đảng đã nhiều lần chỉ đạo UBND xã, lực lượng chức năng giải tỏa các tụ điểm khai thác vàng trái phép, nhưng cứ dẹp được chỗ này, lại tái xuất hiện điểm khác.
Ông Việt nói rằng, mỗi năm xã phải chi tới trên dưới 100 triệu đồng cho việc đi dẹp nạn khai thác vàng trái phép, gây mệt mỏi, mất thời gian cho cán bộ cơ sở.
“Huyện không bật đèn xanh”
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, khẳng định: “Theo tôi được biết, trong số những đối tượng khai thác vàng trái phép ở xã Xuân Chinh có đối tượng ở Bái Thượng, xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân. Lãnh đạo huyện không bật đèn xanh cho bất cứ đối tượng khai thác vàng trái phép tại xã này”.
Ngày 24/4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền có công văn chỉ đạo, yêu cầu UBND huyện Thường Xuân tổ chức lực lượng tập trung giải tỏa ngay tình trạng khai thác vàng trái phép tại xã Xuân Chinh; quản lý, không để tái diễn tình trạng khai thác vàng trái phép; báo cáo kết quả xử lý với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 10/5.