Thanh Hoá: Huyện Thọ Xuân phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Những năm gần đây, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) chú trọng phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, di tích tâm linh, lễ hội, làng nghề truyền thống để thu hút du khách và phát triển du lịch...

Theo ghi chép, Thọ Xuân nổi tiếng là mảnh đất “địa linh nhân kiệt” của tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây là đất phát tích của 2 vương triều Tiền Lê và Hậu Lê, với 256 di tích đã được kiểm kê, nổi bật phải kể đến 2 di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh và đền thờ Lê Hoàn, 4 di tích và cụm di tích cấp quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh và 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Trò Xuân Phả.

Ngoài ra, Thọ Xuân còn được biết đến với hàng chục làng nghề truyền thống và các sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng như bánh gai Tứ Trụ, bưởi Luận Văn, bánh lá răng bừa Xuân Lập, kẹo lạc Xuân Yên, nem nướng thị trấn Thọ Xuân…

Trong năm qua, huyện Thọ Xuân đã và đang tích cực đầu tư các nguồn lực cho công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, di tích tâm linh, lễ hội, làng nghề truyền thống... Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng – tâm linh của nhân dân và hơn hết là quảng bá hình ảnh đẹp về đất và người Thọ Xuân, nhằm thu hút du khách và phát triển du lịch.

Năm 2022, hoạt động du lịch được phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại. Huyện Thọ Xuân đã tổ chức thành công "Lễ hội Lê Hoàn, Lễ hội Lam Kinh năm 2022", góp phần thu hút du khách đến với huyện. Tổng lượt khách du lịch trên địa bàn huyện ước đạt 500.000 lượt khách, đạt 127% kế hoạch. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa giai đoạn 2021 - 2025. Có 2 di sản gồm di tích đình làng Thạc xã Xuân Lai; lễ hội Lê Hoàn và các sinh hoạt văn hoá có liên quan đã làm hồ sơ đề nghị di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Điểm du lịch đền thờ các vua thời Lê Trung Hưng xã Xuân Sinh và đền thờ Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần xã Xuân Hoà đã tiến hành khảo sát, đang thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Có 4 di sản văn hoá phi vật thể, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống được hỗ trợ kinh phí bảo tồn, phát huy giá trị gồm: Trò Xuân Phả, múa Pồn Pông, cồng chiên, đánh mảng...

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thông tin từ UBND huyện Thọ Xuân cho biết, trong năm 2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3276/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển du lịch huyện Thọ Xuân đến năm 2030 với mục tiêu để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng hiệu quả kinh doanh và sức hấp dẫn cho du lịch Thọ Xuân; phát triển mạnh du lịch văn hóa, tâm linh, gắn với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề và du lịch trải nghiệm; hình thành hệ thống du lịch, đưa huyện Thọ Xuân trở thành trung tâm du lịch vùng trung du miền núi Thanh Hóa, gắn với lịch sử phát tích của hai triều đại Tiền Lê và Hậu Lê, kết nối với hệ thống du lịch của toàn tỉnh Thanh Hóa.

Cụ thể, về khách du lịch, phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 500.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch đạt 15%/năm, trong đó có 10.000 lượt khách quốc tế và 491.000 lượt khách nội địa; đến năm 2030 đón khoảng 850.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12%/năm, trong đó trên 37.000 lượt khách du lịch quốc tế và 813.000 lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch, đến năm 2025 đạt 252.150 triệu đồng, tăng trưởng bình quân đạt 25%/năm, trong đó thu từ khách quốc tế đạt 7.250 triệu đồng; đến năm 2030, tổng thu đạt 651.200 triệu đồng, tăng trưởng bình quân đạt 20%/năm với tổng thu khách quốc tế đạt 42.200 triệu đồng. Về cơ sở lưu trú du lịch, đến năm 2025 có 69 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 760 phòng; đến năm 2030 có 93 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng hơn 1020 phòng.

Về xã hội, đến năm 2025 toàn huyện có khoảng 2.040 người lao động tham gia vào du lịch; góp phần nâng cao tỷ lệ lao động trong ngành dịch vụ lên 30%; ; 100% lao động tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm được bồi dưỡng về văn hóa du lịch; đến năm 2030 toàn huyện có khoảng 5.100 lao động tham gia vào hoạt động du lịch, trong đó 1.600 lao động trực tiếp.

Về môi trường, đến năm 2025 có 80% các khu, điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; 90% điểm đến du lịch có hệ thống thu gom, xử lý nước thải và rác thải theo đúng quy định; đến năm 2030 có 100% các khu, điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; 100% điểm đến du lịch có hệ thống thu gom, xử lý nước thải và rác thải theo đúng quy định.

Định hướng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo gồm: Du lịch văn hóa gắn liền với các di tích, lễ hội liên quan đến hai triều đại Tiền Lê và Hậu Lê như: Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Trò Xuân Phả, di tích Hành cung Vạn Lại…Du lịch sinh thái kết hợp du lịch nghỉ dưỡng núi, vùng đồi, hồ gắn với các khu, điểm du lịch: Khu nghỉ dưỡng Resort Sao Mai An Giang (xã Thọ Lâm); Khu Công viên Sinh thái Tre luồng Thanh Tam, gồm khu đồi sinh thái và khu Hố Dăm (xã Xuân Phú, xã Thọ Xương, xã Xuân Bái)… Du lịch nông nghiệp - làng nghề gắn với các khu vực, điểm tài nguyên: Khu du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, giải trí trải nghiệm; Làng nghề bánh gai Tứ Trụ (xã Thọ Diên); Làng nghề nem chua Xuân Bái (xã Xuân Bái); Bưởi Luận Văn (xã Thọ Xương)… Du lịch đô thị quá cảnh gắn với Cảng hàng không Thọ Xuân và các Khu dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng tại thị trấn Sao Vàng.

Đề án cũng định hướng phát triển 4 vùng không gian du lịch trọng điểm, gồm: không gian văn hóa, lịch sử, kiến trúc triều đại Hậu Lê kết nối đô thị cổ (khu vực thị trấn Lam Sơn, xã Xuân Trường, xã Xuân Thiên); không gian du lịch đô thị quá cảnh hiện đại kết nối các khu du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ cao cấp (khu vực thị trấn Sao Vàng, xã Thọ Lâm); không gian văn hóa, lịch sử, kiến trúc triều đại Tiền Lê và thời vua Lê Trung Hưng, kết nối du lịch về nguồn và nghỉ dưỡng sinh thái (xã Xuân Lập, xã Thọ Lập, xã Thuận Minh); Không gian du lịch sinh thái nông nghiệp, làng nghề truyền thống kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái (xã Xuân Phú, xã Thọ Xương, xã Xuân Bái, xã Thọ Diên).

Hiện nay, huyện Thọ Xuân đang phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn và thực hiện công tác quản lý Nhà nước về du lịch; cân đối nguồn ngân sách, ưu tiên bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực xã hội hóa, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Đề án.

Để đạt được mục tiêu trên, Thọ Xuân đang nỗ lực đổi mới tư duy lẫn hành động về phát triển du lịch. Trước hết, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về công tác phát triển du lịch nói chung, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch nói riêng.