Lời căn dặn của người cha
Gần 20 năm trước, tôi từng có thời gian làm công nhân cho một vài cơ sở sản xuất giấy công nghiệp ở làng Đống Cao (nay là khu Dương Ổ, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh). Lúc ấy, người làng Đống Cao đua nhau xây dựng nhà xưởng để làm giấy công nghiệp, còn nghề làm giấy dó truyền thống dần bị quên lãng. Số gia đình còn theo nghề làm giấy dó cứ teo tóp.
Đến nay, ở Đống Cao chỉ còn khoảng 4 gia đình vẫn còn giữ “lửa nghề” của ông cha. Nằm trong ngõ nhỏ ở giữa làng, gia đình anh Phạm Văn Tâm làm giấy dó lâu năm. Lúc chúng tôi đến, anh Tâm cùng vợ đang tất bật với công việc trong nắng thu vàng óng như mật ong. Pha ấm trà sen mời khách, anh Tâm thủng thẳng nói về nghề làm giấy dó. “Phải đam mê lắm mới theo được nghề làm giấy dó, bởi nghề này vất vả, thu nhập chẳng được nhiều”, anh Tâm bắt đầu câu chuyện.
Theo một số gia đình làm giấy dó ở Đống Cao, giấy dó ở đây có độ bền lên đến hàng trăm năm. Giấy dó ở Đống Cao chủ yếu bán cho làng tranh Đông Hồ, các họa sỹ và phục vụ việc lưu trữ.
Anh Tâm cho biết, theo bố mẹ anh và những người cao tuổi trong làng truyền đạt lại, nghề làm giấy dó ở Đống Cao có tuổi đời khoảng 800 năm. Làng nghề từng nổi danh khắp vùng Kinh Bắc. Đầu những năm 1990, nghề làm giấy dó và giấy làm ngòi pháo ở đây vẫn còn phát triển rầm rộ. Kể từ khi Nhà nước cấm pháo, thêm vào đó, sản xuất giấy công nghiệp có lãi nhiều hơn nên người làng Đống Cao dần “thờ ơ” với nghề làm giấy dó truyền thống.
Năm nay, anh Tâm bước sang tuổi 53, nhưng có đến 40 năm trong nghề làm giấy dó. Từ những ngày còn bé, anh đã được sống trong không gian của nghề truyền thống này, bởi bố anh là người giàu tâm huyết với nghề. Anh được bố chỉ bảo tận tình những bí quyết làm giấy dó gia truyền. Bởi vậy, mới 13 tuổi, anh đã thông thạo các công đoạn và kỹ thuật làm ra những tờ giấy dó. “Lúc sắp qua đời, bố tôi có căn dặn, dù khó khăn đến đâu, tôi cũng phải nối nghiệp làm giấy dó của ông cha để lại. Bởi vậy, qua nhiều thăng trầm, tôi vẫn giữ nghề truyền thống này”, anh Tâm tâm sự.
Theo anh Tâm, nghề làm giấy dó rất công phu, với nhiều công đoạn làm thủ công, đòi hỏi người làm nghề phải bỏ ra nhiều công sức. Theo đó, nguyên liệu được chọn mua từ vỏ cây dó, cây dướng ở các tỉnh vùng núi phía Bắc. Vỏ cây được tách bỏ phần đen bên ngoài, chỉ lấy phần trắng bên trong, rồi cho vào nấu với nước vôi trong suốt ba ngày ba đêm cho mềm. Sau đó, vỏ cây được nhặt bỏ chất bẩn, cho vào giã cho nhuyễn (bây giờ dùng máy xay), rồi đưa vào bể ngâm tiếp khoảng 3 ngày cho mềm nhũn, dùng chất nhựa từ cây mò tạo hỗn hợp kết dính. Trong bể nước có bột cây dó, cây dướng đã được ngâm, đôi tay người thợ làm giấy dó nhúng chiếc seo (khuôn làm giấy) chao đi chao lại cho lớp bột dính đều, công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo để tạo ra những tờ giấy dó có độ dày hoặc mỏng như ý muốn.
Đang trò chuyện với tôi, anh Tâm chỉ tay về phía tập giấy dó vừa seo xong đang được ép cho ra nước, rồi bảo, khó nhất là công đoạn bóc những tờ giấy dó để đem đi phơi. Một lúc sau, anh Tâm kéo tôi vào trong nhà để tôi tận mắt chứng kiến công đoạn kỳ công này. Mắt anh Tâm chăm chú nhìn vào tập giấy dó mới ép xong, nhưng vẫn còn ẩm trên bàn uống nước. Anh dùng tay nhẹ nhàng, tỉ mỉ bóc tách từng tờ giấy dó dính chặt với nhau. Đôi tay của anh khéo léo, nâng niu để tờ giấy dó không bị rách. “Những người cao tay trong nghề mới có thể bóc được từng tờ giấy dó, không cẩn thận tờ giấy bị rách, coi như công sức đổ xuống sông. Vợ tôi là người trong làng, dù theo nghề vài chục năm, nhưng không thể làm được công đoạn này”, anh Tâm cho hay.
Mong manh giấy dó Đống Cao
Tạm nghỉ tay, anh Tâm chia sẻ, người làm giấy dó bận rộn với công việc cả ngày. Anh và vợ thức dậy từ sáng sớm để chuẩn bị nguyên liệu cho việc seo giấy, rồi cứ thể cuốn theo các công đoạn làm giấy dó cho đến khuya. Công việc của anh luôn tay luôn chân, bởi vì phần lớn các công đoạn vẫn phải làm thủ công, khó có thể dùng máy để thay thế. Dù vất vả như vậy, nhưng thu nhập của người làm giấy dó không được nhiều. Mỗi ngày, vợ chồng anh Tâm và 3 người làm thuê sản xuất ra khoảng 1.000 tờ giấy dó. Mỗi tờ giấy có giá trung bình từ 7.000 - 8.000 đồng. Tính ra, anh thu về khoảng 7 - 8 triệu đồng/ngày. Trừ chi phí, vợ chồng anh thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng. “Do thu nhập không cao và vất vả nên nghề làm giấy dó không còn sức hút với người trong làng. Người làm giấy dó phải là những người yêu nghề và kiên trì”, anh Tâm bày tỏ.
Nhìn những tờ giấy dó đã khô xếp thành tập, anh Tâm thở dài khi nghĩ về tương lai của nghề truyền thống này. Anh Tâm bảo, gia đình anh có nhiều thế hệ làm nghề giấy dó. Bố mẹ anh sinh được 3 người con, nhưng chỉ có một mình anh theo nghề truyền thống của ông cha. Tuy nhiên, đến đời con của anh, anh không dám chắc nghề truyền thống làm giấy dó được tiếp nối trong gia đình. Bởi anh cảm nhận thấy, các con của mình chưa có ý định theo nghề của cha. Trong làng, người dân cũng không còn mặn mà với nghề làm giấy dó.
Cách nhà anh Tâm vài trăm mét, gia đình chị Ngô Thị Huế là một trong số ít nhà vẫn còn theo nghề giấy dó ở Đống Cao. Chị cũng chung tâm trạng trăn trở về việc giữ lửa nghề. Chị Huế sinh năm 1975, có bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng đều làm nghề giấy dó. Chị được thừa hưởng “di sản” làm giấy dó truyền thống lâu đời của bố mẹ hai bên để lại. Hàng chục năm qua, chị và chồng vẫn kiên trì thắp lửa nghề làm giấy dó.
Chị Huế cho biết, bố mẹ chị ở với nhau được 6 người con, trong đó có chị và một người anh nối nghiệp làm giấy dó. Tuy nhiên, hơn chục năm trước, anh trai của chị bỏ nghề. Các con của người anh trai cũng không có ai theo nghề truyền thống này. Trong các con của chị Huế đã có đứa lập gia đình, nhưng làm nghề khác, không hào hứng với nghề làm giấy dó nữa. “Gia đình tôi có nhiều thế hệ làm nghề giấy dó. Tôi lo lắng đến đời con mình không biết còn duy trì được nghề giấy dó nữa không”, chị Huế tâm sự.