> Âm hưởng 60 năm của bài thơ 'Tây Tiến'
Hình ảnh đôi mắt ấy gắn với bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” mà sau được đổi tên thành "Mắt người Sơn Tây" của Quang Dũng. Bài thơ như lời kể về cuộc gặp gỡ đượm màu chia ly giữa nhà thơ với người con gái trong thời chiến chinh loạn lạc - một cuộc tình buồn ngắn ngủi:
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến mới ra đi
Cách biệt bao lần quê Bất bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Người con gái trong thơ được lấy cảm hứng từ một người tình của Quang Dũng có tên là Nhật. Nhạc sỹ Phạm Duy (bạn học của Quang Dũng ở trường Thăng Long Hà Nội) từng chia sẻ, lúc Quang Dũng còn là Đại đội trưởng trung đoàn Tây Tiến đóng quân ở Hoà Bình được nghỉ phép về thăm gia đình ở Phùng thuộc tỉnh Sơn Tây thì có tạt qua nơi có tên là kinh Đào ở gần chợ Đại, thăm người tình cũ tên là Nhật (còn có một mỹ danh nữa là Akimi).
Cô Nhật có một hàng cà phê trong vùng cách mạng mà ông thường hay ghé uống. Cô chính là người đẹp Sơn Tây, nguồn cảm hứng dạt dào cho Quang Dũng viết bài Đôi mắt người Sơn Tây, ông đã tặng nàng bài thơ có câu: Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em đã bao ngày em nhớ thương.
Hình ảnh mắt người Sơn Tây trong dịp đầu năm sẽ xuất hiện với dáng vẻ, tầm vóc mới khi là tựa của cuốn tinh tuyển – như một cách điểm lại những đóng góp được sàng lọc qua thời gian của cuộc đời sáng tác - thơ văn Quang Dũng: Mắt người Sơn Tây.
Cuốn tinh tuyển thơ văn Quang Dũng là một trong hai món quà (cùng cuốn Vong Bướm của Nguyễn Huy Thiệp) mà Nhà xuất bản Hội nhà văn và Nhã Nam gửi tới độc giả nhân Ngày Thơ Việt Nam Rằm tháng Giêng (tức ngày 5-2). Trác Phong – người tuyển chọn đã “nhặt” ra 61 bài thơ và 4 bài kí cùng một số thủ bút, ảnh liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của thi sĩ xứ Đoài nhiều mây trắng này.
Trong cuốn tinh tuyển Mắt người Sơn Tây dày 246 trang này, một lần nữa những thi phẩm được đánh giá là tuyệt tác của Quang Dũng lần lượt được nhắc lại. Đó là “Tây tiến”, “Đôi bờ”, “Đôi mắt người Sơn Tây”… Trong đó, vượt qua ranh giới cảm xúc kiểu Thơ Mới, "Tây Tiến" có thể coi là bài thơ có phẩm chất thẩm mỹ kỳ lạ nhất trong thơ thời kháng chiến chín năm. Mà vượt qua được cái ranh giới ấy chính là vượt qua sự quen thuộc để đóng góp cho nghệ thuật một cái mới.
Các bài thơ này chiếm được sự ái mộ của rất nhiều người và nhiều thế hệ. Những rung động, xúc cảm trong câu chữ giàu hình ảnh, tiếng nhạc ấy đã được các nhạc sĩ chọn làm phổ nhạc. Chẳng hạn, nhạc phẩm “Đôi mắt người Sơn Tây” của Phạm Đình Chương là phổ nhạc từ lời thơ của “Mắt người Sơn Tây” và “Đôi bờ”; “Tây tiến” Phạm Duy phổ nhạc; “Kẻ ở” Cung Tiến phổ nhạc…
Cá biệt, có bài “Em mãi là tuổi 20’” có tới 3 nhạc sĩ phổ nhạc khác nhau là Phạm Trọng Cầu, Việt Dzũng, Khúc Dương. Em mãi là hai mươi tuổi/ Ta mãi là mùa xanh xưa/ Những cây ổi thơm ngày ấy/ Và vầng hoa ngâu mưa thu/ Tóc anh đã thành mây trắng/ Mắt em dáng thời gian qua… (Em mãi là tuổi 20)
Cùng với “Mầu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan (trở thành cảm hứng cho các nhạc sĩ Dzũng Chinh, Phạm Duy, Anh Bằng, Duy Khánh… sáng tác), “Em mãi là tuổi 20” của Quang Dũng là những trường hợp không nhiều trong thi ca Việt Nam.
Khác với nhiều văn nghệ sĩ, Quang Dũng ít quan tâm đến cách tân hình thức, không chủ trương tạo sự cầu kỳ rắc rối ngôn từ, nhưng thơ ông vẫn trẻ, vẫn mới. Ông bắt đầu làm thơ từ năm 16 tuổi với bài “Chiêu Quân”. Các bài thơ tình kế tiếp là “Cố quận”, “Suối tóc”, “Buồn êm ấm” … Những bài thơ rộ lên trong thời kỳ từ 1947 đến 1951 đủ làm lên một tên tuổi. Về sau, chặng thơ từ năm 1957 đến đầu thập niên 60 của ông thường buồn trong hoài niệm, lặng lẽ, thấm thía.
Như Bùi Giáng nhận xét: “thơ Quang Dũng hiện ra tại chỗ chênh vênh bát ngát và thê thảm nhất trong sử lịch con người. Nó chỉ đạm nhiên và thống thiết khơi rộng khoảng trống vắng ra để cho mọi vấn đêề được nhận định và tìm lời giải đáp”.
Biết tới một Quang Dũng hào hoa, hùng tráng với "Tây Tiến", "Mắt người Sơn Tây"..., nhưng có lẽ không ít người biết có một Quang Dũng văn xuôi và ký. Chàng thi sĩ xứ Đoài "mây trắng lắm" ấy có tập truyện ngắn "Mùa hoa gạo" xuất bản năm 1950 và hàng loạt tập bút ký, truyện ký, ký sự. Ở mảng này, có thể nói, Quang Dũng có một tâm hồn giàu có và ấm áp. Thế nhưng cho đến nay, vẫn chưa thật sự có nhiều công trình nghiên cứu và đánh giá đúng mảng văn xuôi của ông.
Tinh tuyển thơ văn Mắt người Sơn Tây thêm một dẫn chứng về sự kết tinh giá trị nghệ thuật trong văn học; là văn liệu quý giá cho độc giả yêu văn thơ Việt Nam nói chung, cũng như các tác phẩm của Quang Dũng nói riêng. Lời giới thiệu cho cuốn tuyển tập được Vũ Quần Phương viết không chỉ với tư cách một nhà thơ, nhà nghiên cứu, mà còn là một độc giả yêu thơ Quang Dũng từ trong máu thịt.
Thời gian đã làm đúng cái phận sự của mình - sàng lọc và chứng minh để tìm được chỗ đứng xứng đáng cho các tác phẩm văn học của ông. Những áng thơ như “Tây Tiến”, “Mắt người Sơn Tây”… từng một thời bị coi là thứ thơ ủy mị, tiểu tư sản, nhưng đến nay, người đọc đã ngày càng quý trọng và đánh giá đúng giá trị của nó.
“Chưa ai khác ngoài ông, cho đến hôm nay, kể cả Tản Đà, đã tạo nên được một sự sống rung động đến thế cho Xứ Đoài nhiều mây trắng của quê hương ông. Con đường qua Cầu Giấy, đến với Xứ Đoài, nhờ thơ ông mà trở nên thơ mộng hơn, mỹ lệ hơn, lưu luyến hơn” ( Phong Lê).
Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm, sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, Hà Tây (nay là Hà Nội), mất năm 1988. Tham gia hoạt động cách mạng từ trước Khởi nghĩa Tháng Tám, sau 1954, ông làm việc tại báo Văn nghệ rồi chuyển về Nhà xuất bản Văn học. Năm 2001, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Quang Dũng là một người đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, làm nhạc và trong lĩnh vực nào cũng có những thành tựu đáng kể. Nhưng đôi khi Quang Dũng vẫn được nhắc đến như một nhà thơ của hiện tượng "thơ một bài", nhà thơ của Tây Tiến - bài thơ đã được chọn vào giảng dạy trong giáo trình trung học phổ thông. Kỳ thực, tác phẩm của Quang Dũng – thơ hay văn xuôi - đều biểu hiện một cá tính, một phong cách nghệ sĩ, độc đáo.