Cuộc đua “tứ mã” nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng COVID-19 hiện đang diễn ra tại 4 đơn vị trong nước, gồm: Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty TNHH Dược Nanogen (NANOGEN).
Sau khi tiêm thử nghiệm vắc-xin COVID-19 Nano Covax của Nanogen ngày 26/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói sức khỏe của ông “vẫn bình thường”.
Theo ông Hồ Nhân, giám đốc Nanogen, hiện Nano Covax đang trong giai đoạn 2 thử nghiệm trên người với 560 tình nguyện viên và sẽ tiếp tục được thử nghiệm nhằm đánh giá tính an toàn, chú trọng hơn đến hiệu quả, sinh kháng thể.
Với tiến độ này, các chuyên gia kỳ vọng đến tháng 7/2021, vắc-xin Nano Covax được thông qua giai đoạn 3, có thể cấp phép tiêm thử nghiệm trên diện rộng hơn với khoảng 10.000 người.
Trong khi đó, một vắc-xin nội khác là Covivac của IVAC thuộc Bộ Y tế nghiên cứu, phát triển đang được tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Theo TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, dự án vắc-xin Covivac được tiến hành từ tháng 5/2020. “Kết quả thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam đến thời điểm này đã cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm”- ông Thái nói và cho biết, vắc-xin Covivac cũng đã thử tiền lâm sàng về độc tính, đáp ứng miễn dịch, hiệu quả bảo vệ trên động vật thí nghiệm ở trong và ngoài nước.
Đại diện VABIOTECH nói họ đã sẵn sàng thử nghiệm giai đoạn 1 vào giữa tháng 4/2021. Còn POLYVAC cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng. “Vắc-xin của VABIOTECH dựa trên công nghệ tái tổ hợp trên virus véc tơ theo hướng nghiên cứu khác với vắc-xin Nano Covax và Covivac nên có bước chậm hơn nhưng đến nay, các kết quả trong phòng thí nghiệm đều rất lạc quan”, đại diện VABIOTECH nói. “Ưu điểm của vắc-xin này là khi phát triển thành công thì có thể điều chỉnh rất nhanh nếu có biến thể mới của virus SARS-CoV-2”.
Rút ngắn thời gian liệu có an toàn?
Mặc dù yêu cầu các công ty sản xuất vắc-xin trong nước đẩy nhanh tiến độ nhưng theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, rút ngắn nhưng không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào, đảm bảo các điều kiện khoa học.
Theo đó, để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch COVID-19, các dự án nghiên cứu, phát triển vắc-xin COVID-19 trong nước được rút ngắn thời gian thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 từ 6 tháng xuống 3 tháng và tiếp tục rút ngắn thời gian vào giai đoạn 3 tới. Tìm hiểu của Tiền Phong, để rút ngắn thời gian, vắc-xin Nano Covax không triển khai tiền lâm sàng ở động vật tại nước ngoài như một số đơn vị mà triển khai luôn cận lâm sàng trên người.
Theo TS Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), các loại vắc-xin nói trên đều được triển khai trong tình trạng khẩn cấp nên Bộ Y tế tạo mọi điều kiện thúc đẩy tiến độ song song với tiêu chí đảm bảo an toàn. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng của các vắc-xin nội đều rất tốt.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Y tế, trong số này, Covivax hiện có lợi thế là thực hiện nghiên cứu đa trung tâm quốc tế, được đánh giá tiền lâm sàng ở 3 quốc gia là Việt Nam, Mỹ và Ấn Độ, kết quả đến thời điểm này có tính đồng nhất. Khi đánh giá tiền lâm sàng thử nghiệm, hiệu lực bảo vệ của vắc-xin Covivac khá tốt.
Bộ Y tế khuyến cáo, do chưa có trung tâm đủ điều kiện thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVID-19 trong nước nên để vắc-xin đảm bảo an toàn, cần phải trao đổi và thử nghiệm đa trung tâm quốc tế.
Theo bác sĩ Katherine O’Brien, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, dự kiến sẽ có hướng dẫn chính thức về thử nghiệm vắc-xin trên nguyên tắc so sánh với các vắc-xin đã được cấp phép để sử dụng chính thức. Việc này sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình thử nghiệm vắc-xin giai đoạn 3 của Việt Nam.
Như vậy, Covivax đã thực hiện nghiên cứu tiền lâm sàng ở các trung tâm quốc tế là Mỹ và Ấn Độ, những nơi đủ điều kiện thực hiện tiền lâm sàng trước khi được thử nghiệm trên người. Còn Nano Covax rút ngắn thời gian, bỏ bớt giai đoạn, chỉ thực hiện thử nghiệm vắc - xin trực tiếp trên người ở Việt Nam. Trong khi theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hiện nay, Việt Nam chưa có trung tâm nào đủ điều kiện thực hiện tiền lâm sàng vắc -xin COVID-19. Liệu Nano Covax đã đủ điều kiện thử nghiệm lâm sàng trên người hay chưa?