Giá vé tại Việt Nam cao so với các nước trong khu vực (9,8 triệu so với tầm 7 triệu tại Singapore, Malaysia... và 6,4 triệu với Thái Lan). Lý do đưa ra là đêm nhạc không có tài trợ. Ngoài ra, khán giả mua vé hạng nhất cũng không được tham dự buổi thử âm thanh như ở các nước khác.
Hay ở Việt Nam, Blackpink sẽ hát nhép nên không cần thử loa?! Còn rộ lên tin đồn cho rằng nhóm sẽ chỉ diễn 13 bài. Ban tổ chức đính chính mơ hồ rằng sẽ nhiều hơn chứ cũng không nói thẳng con số. Có vẻ như họ đang dùng các chiêu trò để đo lòng VBlink (từ chỉ những người Việt hâm mộ Blackpink)?!
Chưa hết, trang web của công ty mẹ IME- đơn vị tổ chức sự kiện Born Pink tại Việt Nam còn đăng bản đồ có đường 9 đoạn do Trung Quốc tự vạch ra trên biển Đông mà người Việt vẫn gọi là “đường lưỡi bò”. IME chính là một trong vài công ty lớn nhất Trung Quốc trong lĩnh vực tổ chức sự kiện. Thông tin này rộ lên khi quá trình cấp phép đã hoàn tất. Các ban ngành chức năng khi được hỏi đã đưa ra tuyên bố sẽ xác minh, xem xét.
Fanpage của IME Việt Nam sau đó nhận làn sóng bình luận xấu, đánh giá 1 sao và hình như cũng đang tạm đóng. Bên cạnh một số lời kêu gọi tẩy chay buổi diễn (hẳn không phải từ những fan Kpop), vẫn có những tuyên bố “hâm mộ” nửa đùa nửa thật kiểu mong người khác tẩy chay đi để mình săn vé cho dễ(!)
Trong khi đó, đội ngũ VBlink vẫn động viên nhau đi xem để còn cùng làm nên một biển hồng (được tạo ra từ những cây gậy phát sáng- hàng chính hãng nhập khẩu có giá từ 800 đến 1,1 triệu đồng) cho các thần tượng đỡ thất vọng. Vì theo họ, sau bằng ấy trắc trở, Hà Nội có thể là nơi đầu tiên Blackpink không bán hết vé. Nhưng lo lắng ấy đã không xảy ra.
Một điều thôi thúc các VBlink mua vé là vì rất có thể đây sẽ là cơ hội duy nhất họ được tiến đến gần thần tượng dù trong bán kính vài trăm mét. Đây là lần đầu và biết đâu cũng là lần cuối Blackpink đến Việt Nam. Vì ai cũng biết tuổi thọ của sao Kpop khá ngắn. Bởi họ được dựng lên chủ yếu do các công ty giải trí.
Và các công ty này để đảm bảo lợi nhuận sẽ liên tục cho ra lò những ca sĩ, ban nhóm mới. Đảm bảo lúc nào bộ mặt Kpop cũng trẻ đẹp, mới mẻ, cuốn hút. Chỉ mấy năm trước khán giả còn điên đảo vì 2NE1, nay lại quay cuồng với Blackpink cũng đâu sao. Tiền vẫn chảy vào túi các ông chủ Hàn Quốc và cả Trung Quốc. Vì các tập đoàn bây giờ đều đa quốc gia.
Mỗi thế hệ bao giờ cũng phải có những thần tượng riêng. Sự chung đụng thần tượng cũng như gu thẩm mỹ giữa các thế hệ là điều càng khó xảy ra hôm nay. Khi công nghiệp giải trí phát triển quá nhanh.
Tuy nhiên, thế hệ đi trước có thể hiểu cơ chế của lòng hâm mộ mà mình cũng từng kinh qua. Và cũng chính họ chứ còn ai vào đây nhiều khả năng sẽ chi tiền cho con em mình đi “đu idol” với cả niềm vui và những rủi ro. Liệu họ có thể nhân dịp này nói với thế hệ kế tiếp về chủ quyền quốc gia, về việc văn hóa cũng có thể là một thứ “vũ khí” để tấn công hoặc tự vệ… Sau vụ việc này, các cấp xét duyệt văn hóa sẽ có quyết sách ra sao với các công ty nguồn gốc quê hương của nước sản xuất ra “đường lưỡi bò” cũng là điều công chúng quan tâm.