Giờ phút đáng lẽ là khoảnh khắc của hạnh phúc và nụ cười lại biến thành cảnh tượng đẫm máu không thể nào quên. Một kẻ đánh bom tự sát của IS tự nổ tung ngay trước ban nhạc đang biểu diễn.
Giới chức cho biết ít nhất 63 người chết, cô dâu và chú rể sống sót. Gia đình họ nghĩ rằng con số nạn nhân có thể cao hơn thế. Bạo lực chết người xảy ra mỗi ngày ở Kabul, nhưng vụ tấn công lần này khiến nhiều người bị sốc vì mức độ man rợ.
Vụ đánh bom không chỉ là thảm kịch gia đình mà còn nói lên bối cảnh thảm hại của tiến trình đàm phán hòa bình đã bước vào giai đoạn cuối giữa lực lượng Taliban và Mỹ.
Không lâu sau khi kẻ đánh bom bước vào đám cưới, Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Zalmay Khalilzad viết trên Twitter: “Chúng ta phải đẩy nhanh #TiếntrìnhhòabìnhAfghanistan bao gồm các cuộc đàm phán giữa các phe ở Afghanistan. Thành công này sẽ giúp Afghanistan có vị thế mạnh hơn để đánh bại IS”.
CNN cho rằng đoạn tweet đó chớp đúng cơ hội. Một thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban sẽ giúp hai bên tập trung vào IS. Nhưng thỏa thuận hòa bình sẽ không thể bảo đảm Taliban sẽ không nhắm vào kẻ thù chính của họ là chính phủ Afghanistan nữa mà quay sang chống IS.
Đoạn tweet mang tính cơ hội vì phơi bày thái độ “thỏa thuận bằng mọi giá” đằng sau tiến trình đàm phán.
Cuộc thảm sát cho thấy tình hình Afghanistan tồi tệ như thế nào, và một thỏa thuận hòa bình khó có thể dẹp yên. Điều rõ ràng là Tổng thống Mỹ Donald Trump đang rất muốn ra khỏi Afghanistan. Năm ngoái ông nói rằng ông sẽ thắng, nhưng ông đã chuẩn bị những gì để kết thúc cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ một cách khéo léo?
Cách đây vài tháng, Mỹ chấp nhận một nhượng bộ chủ chốt với Taliban: đồng ý đàm phán trực tiếp và loại chính phủ Afghanistan khỏi cuộc nói chuyện.
Các nguồn tin nắm được tình hình cho biết họ đã nhất trí 99% về việc giảm lực lượng quân Mỹ tại Afghanistan và quan trọng hơn là một thỏa thuận ngừng bắn giữa hai lực lượng đối đầu.
Thỏa thuận ngừng bắn có thể không kết thúc cuộc chiến giữa Taliban và quân chính phủ Afghanistan mà chỉ loại bỏ sức mạnh trên không của Mỹ ở đất nước này. Taliban và chính phủ Afghanistan sau đó sẽ bắt đầu đàm phán hòa bình với nhau, các nguồn tin cho biết.
Những người chỉ trích kế hoạch này lo rằng tiến trình đàm phán đó chắc chắn thất bại, chính phủ ở Kabul sẽ bắt đầu mất lãnh thổ vào tay Taliban sau khi bị Washington bỏ mặc và không quân Mỹ bất động.
Ngược lại, những người ủng hộ cho rằng Taliban hiểu họ phải đứng chung hàng ngũ với chính phủ được quốc tế thừa nhận để đủ điều kiện nhận viện trợ nước ngoài. Mỹ cuối cùng cũng phải rời khỏi Afghanistan theo cách này hay cách khác, hoặc ít nhất là giảm chi tiêu ở đó. Bạo lực thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình, khi cả hai phe đều muốn chiếm thế thượng phong trên chiến trường, và hòa bình và giảm bạo lực cần phải là ưu tiên duy nhất.
Kết luận đó đúng, nhưng thiếu một điểm: lý do vì sao Mỹ can dự vào Afghanistan. Al-Qaeda chưa biến mất. Trên thực tế, khi thủ lĩnh lâu năm của Taliban là Mullah Omar chết, người thay thế ông ta là Mullah Habitullah đưa Sarraj Haqqani thành chỉ huy các chiến dịch quân sự. Chính con trai của Habitullah trở thành kẻ đánh bom tự sát ở Helmand năm 2017. Dù al-Qaeda hiện giờ đang âm thầm, nhưng lực lượng này vẫn là vấn đề đáng bận tâm.
Chi tiết của bản thỏa thuận hòa bình dự kiến sẽ được công bố và tuần sau. Có khả năng thỏa thuận sẽ liên quan đến việc giảm hiện diện của lực lượng Mỹ và giới hạn những điều Mỹ được làm trên chiến trường, còn chính phủ Afghanistan và lực lượng nổi dậy sẽ phải tự lo.
Ông Trump có thể sẽ gọi đó là một thỏa thuận lịch sử. Nhưng chỉ trong vài tháng nữa thôi, chúng ta sẽ thấy al-Qaeda trỗi dậy như thế nào, và điều gì sẽ xảy ra với hàng trăm ngàn người Afghanistan đã chiến đấu vì người Mỹ và vì cuộc sống mà người Mỹ vẽ ra cho họ.
Đối với người Afghanistan, đây là chuyện sống còn, nghiêm trọng hơn những rủi ro mà Mỹ đối mặt. Khả năng cuộc chiến dài nhất chấm dứt sẽ trở nên ảm đạm, và kẻ thù mà Mỹ nỗ lực tiêu diệt sẽ phát triển trở lại.
“Chúng tôi muốn đất nước hòa bình. Nhưng chúng tôi không bao giờ có nó”, Basir Jan, anh trai của chú rể trong lễ cưới nói trên, chia sẻ.