Thầm lặng mà cao cả - Những câu chuyện rưng rưng

TP - “Giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống, chúng ta vẫn tìm được những câu chuyện rất đẹp, những việc làm không vụ lợi bản thân, thể hiện phẩm chất tốt đẹp, nhân văn, nhân đạo, nghĩa tình sâu sắc…”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói tại lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TPHCM - lần 3 ngày 11/1.
Anh Đinh Minh Cảnh và chiếc xe hút đinh trên đường phố vào lúc sáng sớm

Câu chuyện của đội ngũ y bác sĩ Khoa Săn sóc đặc biệt Bệnh viện Nhân Ái đã làm nhiều người rơi nước mắt. Bệnh viện Nhân Ái thuộc Sở Y tế TPHCM nhưng đóng tại xã Phú Văn (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Khoa săn sóc đặc biệt của bệnh viện được ví là “nhà vĩnh biệt” vì chăm sóc các bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Khoa điều trị và chăm sóc hơn 400 lượt bệnh nhân, hầu hết là những người sống lang thang không nơi nương tựa hoặc bị gia đình bỏ rơi và đều trong tình trạng suy kiệt. Ai cũng bị viêm phổi nặng, các cơ quan phủ tạng đều viêm nhiễm…

Bác sĩ Trầm Xuân Chánh, trưởng khoa săn sóc đặc biệt kể: Các bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối ít ăn lắm. AIDS giai đoạn cuối thường kèm theo nấm miệng, nấm thực quản, bệnh nhân không muốn ăn vì không còn cảm giác ngon do đau rát cổ họng. Nhưng khứu giác của bệnh nhân vẫn còn, ngửi thấy mùi thức ăn là thèm.

“Có bệnh nhân mới hôm trước còn cho uống cà phê, ăn cháo. Hôm sau thì mất. Xót, thương nhưng chẳng biết làm sao. Ngoài điều trị, công việc hằng ngày của chúng tôi là làm thay công việc người nhà của bệnh nhân, chăm sóc cho họ từ chén cơm, giấc ngủ. Chỉ mong mang lại cho họ chút ấm áp để quên bớt sự tủi thân, sự đau đớn của căn bệnh thế kỷ”, BS Chánh nói.

Hơn 8 năm qua, bác sỹ quân y Vương Hiền (60 tuổi, phường 14, quận Phú Nhuận) thầm lặng khám chữa bệnh miễn phí cho hàng nghìn lượt bệnh nhân. Những người tìm đến phòng khám của ông thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Còn bà Nguyễn Thị Hồng Nga (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) nhiều năm qua cùng các thành viên trong gia đình trồng và đi hái cây thuốc Nam về cắt, phơi khô, cung cấp miễn phí cho các nhà thuốc từ thiện. Mỗi tháng, bà cung cấp cho các phòng khám miễn phí 500 kg thuốc Nam. Gia đình bà còn mượn một thửa ruộng bỏ hoang để trồng thêm cây thuốc nhằm kịp thời cung cấp cho các nhà thuốc từ thiện.

Câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin” (phường Phước Bình, quận 9) được thành lập vào năm 2015. Từ 28 thành viên, sau ba năm, câu lạc bộ đã thu hút gần 60 thành viên tham gia. Các thành viên đã hỗ trợ đóng tiền học cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà những gia đình khó khăn đột xuất và hỗ trợ vốn cho một số hộ nghèo làm ăn sinh sống. Từ những đóng góp ấy, đến nay đã có 14 hộ trong phường thoát nghèo, một hộ thoát nghèo bền vững.

Giành phần thiệt về mình

Bếp cơm nghĩa tình phường Bình Trưng Đông (khu phố 5, phường Bình Trưng Đông, quận 2) cứ đều đặn hàng tuần thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy cung cấp 350 - 400 suất ăn miễn phí mỗi ngày. Ngoài ra, bếp ăn còn giao cơm tận nhà cho các cụ già neo đơn, bệnh già yếu tật nguyền. Mỗi ngày bếp cung cấp 100 suất ăn cho các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại bệnh viện quận 2. Bà Đỗ Thúy Nga (Bí thư chi bộ, trưởng khu phố 3 phường Tân Định, quận 1) tổ chức “bữa cơm 0 đồng” mỗi tuần ba ngày tại quán cơm chay góc đường Trần Nhật Duật - Hoàng Sa với trên 100 suất ăn cho người nghèo.

Hội Từ thiện chùa Bảo Vân thành lập năm 2006, thường xuyên tổ chức các bữa ăn chay hàng ngày cho những người có hoàn cảnh khó khăn, các thân nhân, bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Ung Bướu. Mỗi ngày, Hội phục vụ tại chỗ 1.400 suất ăn miễn phí.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, phó giám đốc cơ sở bảo trợ khiếm thính Bừng Sáng (phường 4, quận 10) đã và đang cưu mang, dạy dỗ 31 trẻ em mù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại mái ấm Bừng Sáng. Bà cho biết sắp xếp việc học, bố trí giờ giấc sinh hoạt cho các em phải phù hợp với từng độ tuổi vì các em ở mái ấm thuộc nhiều độ tuổi. Bé nhỏ tuổi nhất mới lên 5 và lớn nhất hiện nay đang học đại học.

Một lần đèo vợ con trên đường, xe máy của anh Đinh Minh Cảnh (48 tuổi, ngụ xã Tân Qúy Tây, huyện Bình Chánh) bị cán đinh. Cả nhà ngã sóng soài ra đường. Kể từ đó anh quyết tâm không để ai trở thành nạn nhân của bọn “đinh tặc”. Anh Cảnh tìm hiểu và tự thiết kế chiếc xe hút đinh. Suốt ba năm qua, hàng ngày anh điều khiển xe hút đinh ngược xuôi trên Quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh. Anh không nhớ nổi mình đã nhặt được bao nhiêu ký đinh kẻ xấu cố tình rải trên đường. Để thực hiện công việc thầm lặng này, anh phải thức dậy từ 3 giờ sáng chuẩn bị các dụng cụ để "tác nghiệp". Ngày hai buổi, sáng và tối, bất kể nắng hay mưa, anh đều nhẫn nại duy trì công việc của mình. Toàn bộ kinh phí đầu tư xe hút đinh, xăng và các trang thiết bị khác anh tự bỏ tiền túi trang trải.

“Kẻ xấu nhiều lần nhắn tin đe dọa. Ban đầu mình cũng ngán nhưng mình thấy nhiều người cán đinh té, bị nặng hơn mình nên phải làm thôi”, anh Cảnh giải thích.

Lớp học trong nhà trọ của anh công nhân

“Lớp học” miễn phí của anh công nhân trẻ Hoàng Trọng Khánh nằm trong khu nhà trọ trên đường 22 (phường Phước Long B, quận 9). Ban đầu, Khánh mượn sân của chủ nhà trọ để mở lớp. Không muốn lớp học bị gián đoạn khi trời đổ mưa, Khánh quyết định mướn ngôi nhà riêng biệt với giá 3,5 triệu đồng/tháng. Anh bỏ tiền mua bảng, bàn ghế, sắm sửa quạt... mở lớp đón học trò nghèo xung quanh tới học. Hàng ngày, cứ khoảng 16 giờ tan ca, Khánh lại lặng lẽ chạy về nhà trọ mở cửa đón lũ trẻ đến học lúc 16 giờ 30. Ca 1 là lớp 6 và lớp 8, ca 2 là lớp 7 và lớp 9. Cứ thế, anh dạy 6 buổi/tuần. Hiện Khánh đang dạy 38 em từ lớp 6 đến lớp 9, trong đó có 5 em là con công nhân cùng công ty. Sau hơn 7 năm mở lớp, có học trò của anh đã đỗ vào đại học.

Cảm động trước tấm lòng của đội ngũ y bác sĩ Khoa Săn sóc đặc biệt Bệnh viện Nhân Ái, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã dành tặng số tiền 50 triệu đồng. Ngoài ra, có 3 doanh nghiệp gửi tặng khoa 330 triệu đồng.

“Lá chắn thép” của trẻ em bị xâm hại, bạo hành

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM không thể nhớ nổi số lần mà bà tham gia bào chữa miễn phí tại các phiên tòa và những lần gõ cửa cơ quan chức năng để đòi công lý. Bà cho biết mỗi ngày, Chi hội nhận được hàng chục cuộc gọi, lá thư kêu cứu của trẻ em. Xót xa nhất là những bé gái bị xâm hại, hiếp dâm, trong đó nhiều em tật nguyền, kém phát triển trí tuệ”... Hàng ngày, bà tự bỏ tiền túi, rong ruổi khắp mọi nẻo đường, vào đến tận “hang cùng ngõ hẻm” tìm nhân chứng, vật chứng để đòi lại công lý cho các em trước tòa.

Tại lễ tuyên dương, bà rưng rưng nước mắt kể về một nữ sinh ở Cà Mau là học sinh giỏi nhiều năm liền, bị cưỡng hiếp và sinh con ở tuổi 13. Gia đình cháu bé làm đơn tố cáo nhưng công an không khởi tố vụ án. Quá uất ức, cháu gái đã tự tử. Luật sư Nữ đã đồng hành với gia đình cháu bé từ giai đoạn tham vấn, thu thập chứng cứ, làm đơn tố cáo cho đến các giai đoạn tố tụng. “Hôm thủ phạm bị giải ra trước vành móng ngựa và bị tuyên án tù, thân nhân bị cáo đã đe dọa và hành hung tôi ngay trên phiên tòa. Nhiều lần tôi và đồng nghiệp bị khủng bố tinh thần, bị hăm dọa đốt văn phòng nhưng chúng tôi không nản lòng, sẵn sàng nhận phần thiệt về mình để bảo vệ nạn nhân, bảo vệ pháp luật”, luật sư Nữ nói.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (thứ hai từ phải qua), “lá chắn thép” của trẻ em bị xâm hại, bạo hành đang tư vấn cho một gia đình bị hại