Thảm họa rình rập những đứa trẻ

TP - Nhà nghèo, chỉ vì muốn giúp bố mẹ kiếm tiền trang trải cuộc sống mà hàng trăm trẻ em ở Quảng Trị vác máy rà lên vai đi tìm những phế liệu chiến tranh sót lại. Một tiếng nổ, người mẹ cạn nước mắt, người anh ôm di ảnh người em... Những cảnh tang thương vẫn dai dẳng trên vùng đất lửa.
Hồ Viền, Hồ Chiêm, Hồ Na, Hồ Nìa vác máy rà đi trên QL 9

Ở huyện Đakrông, mỗi ngày có đến cả trăm trẻ em đủ mọi lứa tuổi rủ nhau vào rừng rà phế liệu chiến tranh. Tôi gặp 4 đứa trẻ: Hồ Viền (lớp 9), Hồ Chiêm (lớp 2), Hồ Nìa (lớp 4), Hồ Na (lớp 7) ở thôn Vùng Khò, xã Đăkrông mang máy rà kim loại, túi đựng và quần áo đi trên quốc lộ 9. Sau một hồi làm quen, chúng tôi quyết định vào rừng cùng mấy em.

Cuốc bộ chừng hơn một cây số đường rừng, các em bắt đầu mở máy. Bốn em chia ra hai người cầm một máy dò, hai người đào phế liệu. Hồ Na nói: “Khi bật máy lên sẽ phát ra tiếng kêu, nếu gặp kim loại thì tiếng kêu đó bị tắt”.

Tuy nhiên khi được hỏi phải đào như thế nào để tránh nguy hiểm nếu gặp bom đạn thì các em chỉ nhìn nhau cười. 15 phút lia máy trôi qua mà tiếng kêu chưa lần nào tắt. Các em buồn xo, chúng tôi thì hồi hộp, lo lắng.

Rồi tiếng “tít” cũng tắt. Chiêm nhanh tay vớ lấy cái cuốc nhỏ đào đất xung quanh vị trí tiếng kêu bị tắt. Kết quả chỉ là một miếng sắt nhỏ bị gỉ đỏ, bám đầy đất. 

Hồ Viền thầm thì: “Ba mẹ của em đi cuốc rẫy, mỗi ngày rà được khoảng 5 kg, bán được 15.000 đồng. Tiền bán được đưa về ba mẹ giữ. Thời gian học thì đi một buổi, nghỉ hè đi cả ngày. Máy dò kim loại mua ở thị trấn Khe Sanh giá 200.000 đồng/cái”.

Hồ Văn Thời học lớp 7, trường THCS Ba Lòng (huyện Gio Linh) bị mất bàn tay trái do bom nổ

Thời gian sau, chúng tôi gặp lại Na ở sân trường THCS Đăkrông, em cười chào và cho biết vẫn đi rà vào buổi sáng nhưng chẳng kiếm được nhiều.

Hồ Văn Khánh, học lớp 6, trường THCS Đăkrông. Từ năm học lớp 4, Khánh đã đi rà kim loại cùng với Bần là người cùng thôn, hơn Khánh 2 tuổi. Khánh kể: “Rà về đem bán cho chị Hê.

Nếu đi cả ngày cũng kiếm được 10.000-15.000 đồng”. Chủ tịch UBND xã Đăkrông Hồ Nha cho biết: “Hiện có khoảng 60% hộ trong xã làm nghề rà tìm phế liệu. Chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền vận động bà con, nhất là trẻ em không đi rà tìm nữa. Đoàn thanh niên xã cũng có tổ chức giao lưu văn nghệ, đóng diễn những hình ảnh về sự nguy hại của bom mìn.

Tuy nhiên không đạt hiệu quả cao, có cấm thì các em vẫn trốn đi. Vì ở đây điều kiện khó khăn, người dân muốn có thêm tiền tiêu, các em thì muốn giúp ba mẹ...”.

Năm 2004, ở thôn Cu Pua xã Đăkrông từng có trường hợp con trẻ đi rà phế liệu, rà được bom chúng mang về nhà bị nổ làm cha mẹ chết, 4 đứa con bị thương. Năm trước cũng có hai em nhỏ bị thương khi đào phải bom đạn.

Gần 7.000 người chết và bị thương vì bom mìn còn sót lại

Theo số liệu điều tra của dự án RENEW (dự án quốc tế giúp tỉnh Quảng Trị trong lĩnh vực rà phá bom m0ìn), từ năm 1975 đến nay, Quảng Trị có gần 7.000 người chết và bị thương vì bom mìn của thời kỳ chiến tranh để lại.

Hầu hết nạn nhân là người nghèo, làm nghề rà tìm phế liệu chiến tranh. Đặc biệt, nạn nhân là trẻ dưới 16 tuổi chiếm 31%, trong đó 29% là học sinh.