Thảm họa bão Chanchu: Đủ cơ sở để khởi tố hình sự

TP - Trao đổi với Tiền Phong, Luật sư Phạm Liêm Chính đề nghị: Cần khởi tố vụ án hình sự để điều tra về dự báo bão Chanchu. Theo ông, đó là cách làm tốt nhất để vấn đề “trách nhiệm” được xem xét một cách nghiêm túc.
Cha chúng cháu có bị chết oan?                                   Ảnh: Photo.com.vn

Những ngày qua, dư luận tiếp tục mổ xẻ xung quanh nội dung dự báo diễn biến bão Chanchu có sai lệch so với dự báo của các cơ quan khí tượng trong khu vực, dẫn đến thảm họa. Ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến yêu cầu Bộ TN&MT xem xét lại dự báo của cơn bão.

LS Chính bức bối: “Từ khi ông Lê Công Thành - Giám đốc Trung Dự báo Khí tượng Thuỷ văn trung ương (TTKTTV) trả lời trên báo chí phủ định trách nhiệm của cơ quan dự báo thời tiết trước thảm họa bão Chanchu, tôi thực sự bức xúc, bởi qua thông tin báo chí phản ánh thì chúng ta đã dự báo sai.

Khi tất cả các đài quốc tế và khu vực đều dự báo, bão di chuyển hướng bắc thì cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam dự báo bão di chuyển theo hướng tây- tây bắc.

Hậu quả bão Chanchu: 264 người chết và mất tích

Tính đến 17 giờ ngày 29/5/2006, theo tin từ Văn phòng thường trực PCLB TW tại miền Trung (TP. Đà Nẵng), hậu quả của bão Chanchu cho miền Trung:

- 20 người chết đã xác định (trong đó có 9 người quê ở Quảng Nam, 5 ở Đà Nẵng và 1 ở Quảng Ngãi cùng 5 thi thể chưa được nhận dạng).

- 244 người mất tích (nhiều nhất là Quảng Nam 146 người, Đà Nẵng 73 người, Quảng Ngãi 23 người ...)

- 18 tàu chìm và mất tích Trong đó có 13 tàu chìm (7 Đà Nẵng, 5 Quảng Ngãi, 1 Bình Định) và 5 tàu mất tích (3 Đà Nẵng, 2 Quảng Nam).

- Trên 600 ngư dân trở về sau bão , trong đó có 55 thuyền viên được cứu sống (27 Quảng Nam; 22 Quảng Ngãi; 4 Bình Định và 2 Đà Nẵng)

- 22 tàu trở về trong tổng số 40 tàu gặp nạn ở đảo Đông Sa

N.C

Đến ngày 15/5, họ mới báo bão chuyển hướng bắc. Và do ngư dân nghe theo dự báo và hướng dẫn đó để đi tránh bão, nên họ đã đi vào vùng gần nơi tâm bão đi qua.

Hậu quả là hàng trăm ngư dân bị chết và mất tích, nhiều tàu thuyền bị đắm… Các chuyên gia, nhà khoa học cũng khẳng định việc dự báo về cơn bão số 1 là sai. Thế mà, đại diện của TTDBKTTV vẫn khẳng định họ làm đúng quy trình, quy chế, họ không có lỗi gì cả. Những người đứng đầu của cơ quan dự báo thời tiết không có lòng tự trọng, không có văn hóa từ chức

Thưa ông, hiện dư luận cũng đang mổ xẻ để làm rõ trách nhiệm của cơ quan KTTV, còn ông lại đề nghị phải khởi tố vụ án hình sự. Vì sao vậy?

Lâu nay chúng ta chỉ quen rút kinh nghiệm sau khi xảy ra sự việc. Mà rút kinh nghiệm thì họ có thể rút kinh nghiệm hoặc có thể kiểm điểm qua loa rồi mọi việc lại “chìm xuồng”, chẳng ai bị xử lý gì cả. Vì thế, để giải quyết triệt để vấn đề trách nhiệm trong vụ việc này thì phải khởi tố vụ án hình sự. Trên cơ sở đó, Cơ quan điều tra thu thập chứng lý, điều tra độc lập mới có thể kết luận được…

Theo ông thì sự việc này đã có đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình sự?

Ta phải xác định người nào đã bấm nút sai, thì người đó phải chịu trách nhiệm. Chúng ta có điều luật 285 – BLHS, quy định “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là việc đã có tiền lệ rồi. Ví dụ như năm ngoái, vụ tàu E1, khi đi qua đoạn đường mà ở đó phải chạy với tốc độ thấp nhưng anh ta cho chạy tốc độ cao và gây tai nạn đổ tàu, khiến hàng chục người chết và bị thương… Và những người đó đã phải lĩnh trách nhiệm.

Còn ở đây, khi mà hành vi của họ cũng thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tuy họ không cố ý gây ra, không có động cơ giết hại ngư dân. Nhưng rõ ràng họ đã vô ý, vô trách nhiệm dẫn đến dự báo sai.

Không thể đổ lỗi cho năng lực yếu, trang thiết bị lạc hậu. Nếu đổ tại trang thiết bị, năng lực, đổ tại quy chế thì không thể chấp nhận được. Bởi nếu không có trang thiết bị tốt như phương tây thì họ phải có nghĩa vụ kiến nghị Chính phủ đầu tư trang thiết bị để đảm bảo việc dự báo là chính xác.

Theo ông, những dấu hiệu để có thể khởi tố vụ án ở đây là gì?

"Khởi tố không có nghĩa là buộc tội ai mà chỉ cần có dấu hiệu của hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là đủ điều kiện để khởi tố. Khởi tố để cơ quan điều tra vào cuộc thu thập thông tin, lấy lời khai các bên (các thuyền trưởng, ngư dân, nhà khoa học…), trên cơ sở đó để tòa án có thể đưa ra quyết định chính xác và khách quan nhất".

Luật sư Phạm Liêm Chính

Dấu hiệu ở đây là dự báo sai. Cơn bão hình thành ngày mùng 8/5 thì ngày 10, Hải quân Mỹ và KTTV các nước trong khu vực đã báo bão di chuyển hướng bắc mà ta vẫn cứ báo bão theo hướng tây-tây bắc.

Đến ngày 14, bão qua Philippines thì ta vẫn dự báo bão theo hướng tây-tây bắc. Ngày 15, bão chuyển hướng bắc thì ngư dân không kịp di chuyển. Không thể làm gì thêm và ngư dân chết cứng tại chỗ và dính bão.

Việc đưa ra thông tin sai lệch về thời tiết như vậy  là nguyên nhân dẫn đến thảm họa. Đó chính là hành vi vi phạm, và hành vi đó là nguyên nhân dẫn đến hậu quả bão Chanchu như chúng ta đã thấy. Và như vậy hành vi dự báo sai đó đã gây thiệt hại về người và của đặc biệt nghiêm trọng. Vì thế, có đủ cơ sở để cơ quan pháp luật có thể khởi tố vụ án hình sự để điều tra.

Nhưng thưa ông, trong buổi giao lưu trực tuyến trên Tiền phong Online, ông Thành khẳng định, dự báo của KTTV là không sai và họ đã làm đúng theo quy định của Chính phủ về dự báo trong vòng 24 giờ?

Tôi nói rằng dự báo 24 hay 48 giờ thì quy chế đều do con người lập ra. Mục đích của dự báo thời tiết là trong tình huống khẩn cấp thì phải làm sao để hạn chế thấp nhất hậu quả bão gây ra, nên không thể nào cứ “khư khư” với dự báo 24 tiếng được, không thể xơ cứng, thậm chí phải phát bản tin dự báo thời tiết đi liên tục, như thế mới làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

Việc bám vào căn cứ “dự báo 24 tiếng” để thoái thác trách nhiệm là không thể chấp nhận được…

Nhưng thưa ông, như ông Thành từng khẳng định thì hiện nay trình độ (con người, máy móc…) dự báo của ta chỉ mới dự báo được trong vòng 24 giờ?

Không có điều luật nào cấm họ cập nhật thông tin, không sử dụng các thiết bị tân tiến của các nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản… Không thể cứ khăng khăng họ đúng mà cả thế giới bảo là họ sai. Nửa còn lại của thế giới dự  báo bão đi hướng bắc còn ta bảo đi hướng tây-tây bắc thì ta phải suy tính thế nào? Đổ tại phương tiện hay con người là không thể chấp nhận.

Ông từng nói rằng, nếu những ngư dân trở về từ thảm họa bão Chanchu khởi kiện, ông sẽ xin bào chữa miễn phí?

Hiện nay toàn thể xã hội chia sẻ tổn thất với đồng bào. Tôi là luật sư tôi sẽ giúp đỡ bà con dưới góc độ pháp lý. Tức là đem lại công bằng, công lý cho những nạn nhân, hàng trăm người đã chết nằm dưới biển sâu. Mang lại công bằng cho những người từ cõi chết trở về, gia đình của họ – những người đã chịu ảnh hưởng từ việc dự báo sai. Đó là lương tâm, là bản lĩnh của luật sư có thể bảo vệ được cho ngư dân. Nếu nạn nhân có yêu cầu, tôi rất sẵn lòng.

Xin cảm ơn ông !

Bá Kiên -  Lê Anh Đạt 
(thực hiện)

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Chuyên gia và quan chức khí tượng thủy văn nói gì?

GS.TS Đinh Văn Ưu - Khoa Hải dương học, ĐHQG Hà Nội:
           

Người đưa ra quyết định dự báo có vấn đề

Chúng ta cần phải thay đổi quy trình dự báo, không thể dự báo trong 24 giờ được, bởi như thế là quá ngắn.

Cần xác định mục tiêu dự báo để phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, hiện dự báo bão của VN hiện nay mới phục vụ cho đất liền, chứ không phải trên biển. Chúng ta dự báo thời tiết hằng ngày nhưng vùng chủ quyền Trường Sa không nêu.

Rõ ràng cần phải thay đổi qui trình dự báo, phải xác định được mục tiêu dự báo là gì, phục vụ ai? VN đã tham gia Công ước về luật biển năm 1982, vì thế chúng ta cần phải đảm an toàn không chỉ vùng biển tại VN mà còn các vùng biển của các quốc gia lân cận.

Người quyết định đưa ra dự báo có vấn đề. Không có lý gì mà trong 4-5 ngày liền người ta đưa thông tin đấy (bão đi lên phía Bắc), có cơ sở khoa học để khẳng định hẳn hoi mà chúng ta nói theo hướng khác thì không thể được. Nếu là sinh viên của tôi thì tôi đã đánh trượt về phương pháp luận.

ThS Lê Công Thành - Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia:


Trong 24 giờ sau khi chúng tôi phát dự báo thì đúng là bão vẫn đi theo hướng Tây - Tây Bắc


Khả năng của chúng tôi hiện nay là chỉ có thể dự báo trong khoảng thời gian 24h. Bởi vậy thông tin một tờ báo nói khi các đài khí tượng nước ngoài phát đi dự báo là bão sẽ chuyển hướng đi lên phía Bắc thì chúng tôi vẫn dự báo hướng Tây - Tây Bắc, hiện tượng đúng là như vậy.

Bởi người ta dự báo 48 hoặc 72 giờ tới, còn chúng tôi chỉ dự báo trong 24 giờ tới. Trong 24 giờ sau khi chúng tôi phát dự báo thì đúng là bão vẫn đi theo hướng Tây - Tây Bắc. Khi chúng tôi phát bản tin bão di chuyển về hướng Tây - Tây Bắc thì bản tin chỉ có giá trị trong vòng 24h.

PGS-TS Phạm Vũ Anh, nguyên Trưởng phòng dự báo hạn ngắn, Cục dự báo, Tổng Cục KTTV:
                              

Dự báo lúc 3g30 là sai

Ngày 29/5, trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, PGS-TS Phạm Vũ Anh, nguyên Trưởng phòng dự báo hạn ngắn, Cục dự báo, Tổng Cục KTTV-một chuyên gia có trên 30 năm trong nghề dự báo KTTV cho rằng: Trong khi, các đài khí tượng quốc tế dự báo bão sẽ đi lên phía bắc mà chúng ta vẫn cứ dự báo bão đi về phía tây tây bắc là do người cầm trịch, người quyết định cuối cùng để ra bản tin. Việc thảo luận để ra bản tin phát tới người dân giống như đưa ra một chiến thuật, phải biết ưu tiên đề phòng cái gì.

Trả lời câu hỏi: Nếu nhìn vào bản đồ dự báo đường đi của bão trong 48 giờ (dự báo thử nghiệm) được đưa trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, có thể thấy dự báo lúc 3g30 cho biết đến ngày 17/5 bão vẫn tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Nhưng đến 9g30 có sự đổi hướng đột ngột. Liệu đây có phải là một dự báo sai không? Ông Anh nói: “Dự báo lúc 3g30 là sai. Khi làm dự báo lúc 9g30, họ đã khẳng định dự báo lúc 3g30 không đúng nên đã cho bão đổi hướng.

Sự đột ngột chuyển hướng của cơn bão trong bản đồ dự báo lúc 9g30 chứng tỏ trước đó người ta đã lưỡng lự. Đây là bản đồ có sự can thiệp của con người chứ nếu là mô hình hoàn toàn kỹ thuật thì đường đi của bão không thể chuyển hướng đột ngột như vậy được.

Lê Kiên (tổng hợp)