UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa yêu cầu Sở Văn hóa thể thao & Du lịch chọn doanh nghiệp năng lực, từng tham gia khảo sát, khai quật cổ vật để khảo sát, thăm dò di sản văn hóa dưới nước tại vùng biển Vũng Tàu, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Phương án khảo sát, thăm dò trình tỉnh phê duyệt trước ngày 15/9.
Trước đó, tháng 6/2013, cơ quan chức năng Quảng Ngãi khai quật, phát hiện gần 5.000 cổ vật từ con tàu cổ chìm ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (ngư dân địa phương còn gọi là eo biển Vũng Tàu). Trong số này có 42 hiện vật độc bản được các chuyên gia khảo cổ xác định có niên đại thế kỷ 13, hiếm hoi trên thế giới.
Thời gian tới, khu vực thăm dò, khảo sát "nghĩa địa" tàu cổ dự kiến trong bán kính 150 m tính từ tâm con tàu chứa cổ vật hơn 700 tuổi này nhằm phục vụ nghiên cứu, bảo tồn kết hợp với du lịch lặn biển.
Dĩa men ngọc có chạm khắc hình rồng, một trong 42 hiện vật độc bản được tìm thấy trong con tàu chìm hơn 700 năm tuổi ở vùng biển Bình Châu vào tháng 6/2013. Ảnh: VnExpress
Theo ngư dân địa phương, họ đã phát hiện ít nhất 7 con tàu chứa cổ vật, khoáng sản chìm ở vùng biển Bình Châu, Bình Trị chứ không chỉ có ba tàu niên đại từ thế kỷ 13 đến 17 từng được cơ quan chức năng khảo sát, khai quật từ năm 1999 đến nay.
Sau khi phân chia cổ vật, hiện tại Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi lập báo cáo khoa học, soạn thảo in sách, dựng lại bộ phim về quá trình khai quật cổ vật trong con tàu chìm được cho là hiếm hoi trên thế giới.
TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho rằng, vùng biển này có thể là nơi tập kết giao thương hàng hóa sầm uất thời xa xưa. Lúc đó thương lái miền xuôi thường mang đến vải vóc tơ lụa, đồ gốm sứ… rồi sau đó trao đổi để lấy những món hàng khác từ vùng núi chuyển xuống.
Còn TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á cho rằng, khoảng 5 năm trước, một nhà khoa học nước ngoài vẽ ra một bản đồ cho những con đường thương mại trên biển, trong đó có mũi tên hướng vào Quảng Ngãi.
Theo Trí Tín