Thẩm định SGK lớp 2, lớp 6: Bộ GD&ĐT cần cử thêm người giám sát

TP - Bộ GD&ĐT đang thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 để khi được thông qua sẽ đem vào áp dụng dạy học cho năm học 2021-2022. 
Thực nghiệm SGK mới liệu có chặt chẽ để không xuất hiện lỗi như trong SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều năm học 2020-2021?

Không thực nghiệm toàn bộ SGK

 Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT, cho biết, sau khi ban hành thông báo về việc tổ chức thẩm định và việc tiếp nhận hồ sơ thẩm định SGK lớp 2, Bộ đã nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định của 4 nhà xuất bản (NXB) gồm: Giáo dục Việt Nam, Đại học Sư phạm, Đại học Sư phạm TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM. Theo đó, có 33 bản mẫu SGK của đầy đủ 9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 2 đã được gửi về. Trong số này, môn Toán có 4 bản mẫu SGK; môn tự chọn tiếng Anh có 8 bản…

Riêng môn tiếng Việt chỉ có 3 bản mẫu. SGK tiếng Việt lớp 2 có 3 bản mẫu gửi thẩm định, gồm 2 bản mẫu của NXB Giáo dục Việt Nam là Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo; bản mẫu thứ 3 là sách Cánh Diều của NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TPHCM. Đến thời điểm này, việc thẩm định SGK đã qua 2 vòng của đợt đầu tiên nhưng không có sách Tiếng Việt lớp 2 nào được đánh giá “Đạt”.

PGS.TS. Vũ Trọng Rỹ cho biết đã tham gia viết SGK lớp 6, lớp 7, lớp 8 ở bộ môn Khoa học tự nhiên. Thời điểm này, bản mẫu SGK lớp 6 đang được Hội đồng thẩm định góp ý ở vòng 2. Ông đánh giá, Hội đồng thẩm định rà soát rất kỹ, góp ý từng nội dung, nhóm tác giả cũng tiếp thu tất cả các ý kiến và sửa chữa từng hình vẽ, biểu đạt nhỏ, còn mặt kiến thức không có gì sai.

Về thực nghiệm SGK, ông Rỹ nói rằng, lần này không phải thực nghiệm toàn bộ SGK mà chỉ lựa chọn một số bài trong sách. Hiện tại, các tác giả đã thực nghiệm xong. Theo lộ trình, khoảng tháng 12 tới hoặc tháng 1/2021 sẽ có SGK cho giáo viên, nhà trường tiếp cận.

Nên ứng dụng công nghệ

 Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD&ĐT, cho biết, các văn bản pháp lý quy định về biên soạn, thẩm định SGK chương trình giáo dục phổ thông mới đã yêu cầu các đơn vị biên soạn SGK phải thực nghiệm. Khi các NXB gửi hồ sơ thẩm định SGK cũng phải có nội dung về thực nghiệm gồm: thời lượng, thực nghiệm thế nào, ở đâu.

Ví dụ, hồ sơ bản mẫu SGK lớp 6 các NXB gửi về thẩm định có ít nhất 10% nội dung được thực nghiệm trước khi trình hội đồng thẩm định. Cũng có bản mẫu SGK có tới 20% nội dung bài học đã được thực nghiệm.

Ông Thành nói rằng, sắp tới có thể quy định cụ thể hơn về cách thức triển khai thực nghiệm, phạm vi, nội dung và thời lượng tối thiểu phải thực hiện. Việc đánh giá nội dung, cấu trúc, ngữ liệu trong SGK các môn học trước hết cần thực nghiệm bằng phương pháp chuyên gia. Tức là các đơn vị cần mời chuyên gia độc lập để thẩm định ở góc độ chuyên môn, đảm bảo nội dung SGK phù hợp với độ tuổi học sinh, đảm bảo tính giáo dục, thẩm mỹ...

“Trước đây, các NXB, tác giả chủ động phối hợp tổ chức việc thực nghiệm. Tới đây, Bộ sẽ có sự tham gia chỉ đạo, giám sát để công tác thực nghiệm đạt hiệu quả hơn”. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ


TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục - đào tạo, cho rằng, thực nghiệm được toàn bộ SGK sẽ rất tốt, nhưng làm như vậy tốn kém cả về tiền bạc lẫn thời gian.

Vì vậy, với cách làm hiện nay là chọn một số bài theo chủ đề để thực nghiệm, tác giả, NXB phải làm nghiêm túc, lấy ý kiến của giáo viên, học sinh từ thực tiễn mới phát hiện ra những sai sót để sửa chữa. Bộ GD&ĐT cũng cần cử thêm người, thêm chuyên gia giám sát quá trình xây dựng, biên soạn, thẩm định SGK.

“Nên ứng dụng công nghệ để đưa bản mẫu lên mạng lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của dư luận. Tuy nhiên, cũng phải tin tưởng chuyên gia và tác giả phải chịu trách nhiệm chính, tránh việc nghe góp ý như “đẽo cày giữa đường”, ông Vinh nói. Ngoài siết chặt quy trình thẩm định, tăng cường thực nghiệm, cần phải bồi dưỡng, đào tạo giáo viên có chuẩn đầu ra.