Bác Nguyễn Thanh Nghị (65 tuổi, Thái Nguyên) có thâm niên hàng chục năm khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Cụ ông này chia sẻ: “Ngày trước, nói đến khám bệnh BHYT ai cũng sợ. Thức dậy từ 3-4 giờ sáng, kê gạch, kê đá chờ đợi mệt mỏi, chen lấn, xô đẩy, hàng lối lộn xộn, mất trật tự. Chỉ cần sao nhãng, không nghe gọi đến tên mình là lại mất công, mất buổi”.
Thế nhưng, thời gian gần đây, bác Nghị đã không còn phải đi xếp hàng từ 3-4 giờ sáng nữa. Từ tháng 4/2015, các bệnh viện của Thái Nguyên đã được triển khai hệ thống phần mềm giám định BHYT; nhờ đó, người bệnh đến khám, xếp hàng, lấy số văn minh, trật tự. Đặc biệt, do hệ thống được tin học hóa nên không còn tình trạng người thân quen được vào khám trước. “Bây giờ, bệnh viện phát số, hướng dẫn nhiệt tình. Ai đến trước khám trước, ai đến sau khám sau, rất công bằng cho tất cả mọi người”, bác Nghị cho biết.
Kiểm tra sức khoẻ: từ 1 ngày xuống còn 3 giờ
Tại Bệnh biện Trung ương Thái Nguyên nơi mà các bệnh nhân đi khám BHYT trước đây luôn mất cả ngày cho kiểm tra sức khoẻ tổng quát thì giờ mọi việc đã thay đổi. Chị Phạm Thị Phương Thảo (26 tuổi, trú tại thành phố Thái Nguyên) cho biết: “Tôi mới đi khám tổng quát từ đầu giờ sáng, sau khoảng 3 giờ đã xong, làm hết các xét nghiệm cần thiết. Thủ tục thanh toán BHYT diễn ra nhanh gọn, đơn giản, không phải chờ đợi lâu và có thể xong ngay trong buổi”. Điều mà chị Thảo có được là không tưởng chỉ hơn 1 năm trước đây (trước khi có việc tin học hoá hệ thống giám định BHYT).
Bác sĩ Phan Bá Đào, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: “Từ khi có chính sách BHYT thông tuyến, ở nơi này nơi khác có xảy ra vấn đề (hiện tượng trục lợi quỹ BHYT). Chính vì thế, nhu cầu thực tiễn cần liên thông toàn bộ hệ thống kiểm soát lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh, góp phần giữ vững quỹ BHYT là hết sức cấp thiết”. Đây là chưa kể đến việc các thủ tục thanh toán với nhiều giấy tờ cũng gây phiền hà cho cả người bệnh lẫn người làm thủ tục kiểm soát ở bệnh viện.
Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai thí điểm hệ thống giám định BHYT mới, kết quả là sự thay đổi lớn. Giờ đây, việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh cho người bệnh giữa cơ quan BHXH Thái Nguyên và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cơ bản đã thực hiện theo ngày.
Sẽ không còn tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT
Nhận xét về hệ thống mới, bác sĩ Phan Bá Đào nói: Thứ nhất, người bệnh không phải chờ đợi lâu, thủ tục thanh toán nhanh gọn; thứ hai, giữa cơ quan nhà nước với nhau, giữa bệnh viện với cơ quan BHXH, việc thanh toán chính xác hơn và áp lực công việc ở cả hai cơ quan cũng giảm đi. Thứ ba, quỹ bảo hiểm y tế được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả nhất, đảm bảo tính đúng, chi đủ, bệnh gì thuốc nấy, không còn tình trạng trục lợi quỹ BHYT (giải quyết được tình trạng “lách luật” từ chính sách thông tuyến gây bội chi quỹ BHYT).
Nhận định về kết quả triển khai hệ thống giám định BHYT mới, ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Giám đốc BHXH Thái Nguyên cho rằng, việc ứng dụng CNTT đã giúp loại trừ các trường hợp khám chữa bệnh trùng (trong cùng một ngày bệnh nhân đi khám bệnh nhiều lần ở các cơ sở y tế khác nhau); phát hiện các sai sót trong quá trình thống kê, áp giá dịch vụ y tế, áp giá thuốc, làm dụng vật tư y tế; giúp các giám định phân tích số liệu để định hướng nội dung đã được cảnh báo trong phần mềm, từ đó loại ra các chi phí không hợp lệ…
Phó Giám đốc BHXH Thái Nguyên khẳng định: “Hệ thống giám định BHYT bằng CNTT đi vào hoạt động là bước đột phá trong công tác quản lý KCB, giám định và thanh quyết toán BHYT tại Thái Nguyên. Thành công của hệ thống này thể hiện quyết tâm của ngành y tế Thái Nguyên trong công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính. Điều này cũng giúp nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh phục vụ người dân và hiệu quả quản lý quỹ BHYT”.