Thách thức dệt may, da giày bước vào cuộc chơi tự chủ nguyên liệu

TPO - Bộ Công Thương cho biết, đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giày đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Đồng thời, tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế sản xuất dệt may, da giày cũng như phát triển dệt, nhuộm trong nước.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) vừa có loạt kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may và có các chính sách hỗ trợ để ngành có bước phát triển mạnh mẽ, xoá đi các điểm yếu cố hữu về lợi thế gia công quy mô lớn nhờ lao động giá rẻ cũng như hình thành các chuỗi cung ứng khép kín mạnh từ dệt, nhuộm, linh phụ kiện cho đến cả hình thành công nghiệp thiết kế ngành dệt may.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong 6 tháng đầu năm 2022, dù chịu tác động mạnh của dịch COVID-19, xuất khẩu dệt may đã đạt con số ấn tượng khi kim ngạch chạm mức 22 tỷ USD, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ. Cùng với tăng trưởng mạnh về xuất khẩu, việc tự chủ nguồn nguyên liệu, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng được doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh thực hiện.

Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho lập các khu công nghiệp dệt may quy mô lớn để giải quyết vấn đề về nguyên liệu vải, nhuộm, hoá chất… Ảnh: Như Ý

Đến năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu được 5,6 tỷ USD sợi. Còn trong 6 tháng đầu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu sợi đã đạt xấp xỉ 3 tỷ USD. Đây là con số chưa từng khi nếu nhìn vào lịch sử dệt may nhiều năm phụ thuộc vào nguyên liệu sợi nhập khẩu.

Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may đồng thời cho lập các khu công nghiệp dệt may quy mô lớn để giải quyết vấn đề về nguyên liệu vải, nhuộm, hoá chất… Việc nội địa hoá được các nguồn nguyên liệu cho dệt may sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho cả ngành khi các Hiệp định thương mại tự do hiện nay đều yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo yêu cầu về xuất xứ.

Giải bài toán phát triển chuỗi cung ứng cho ngành dệt may, tự chủ được nguồn nguyên liệu sản xuất, theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), đây là chuyện không dễ thực hiện trong ngày một ngày hai. Theo ông Hiếu, việc xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho ngành dệt may không dễ thực hiện khi nhiều lĩnh vực đang ở mức rất yếu và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước.

“Ngành dệt may Việt Nam cần nhiều nỗ lực để hoàn thiện các khâu sản xuất đầu chuỗi, từng bước phát triển các mắt xích nguyên liệu như sợi, vải, sợi, nhuộm”, ông Hiếu nói.

Theo lãnh đạo Vinatex, để có sự chuyển dịch đúng nghĩa, bên cạnh các chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, việc Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may là yếu tố cũng rất quan trọng. Cùng đó, bản thân các doanh nghiệp khi muốn tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các thương hiệu lớn, cần có chiến lược rất cụ thể về chuẩn bị nguồn nhân lực cũng như quản trị, chuyển đổi để tiến dần lên các phương thức sản xuất cao hơn, cũng như các mắt xích mang lại giá trị gia tăng cao hơn như thiết kế, marketing trong ngành dệt may.

Nhanh chóng tự chủ về nguyên liệu

Số liệu của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho thấy, dù có nhiều điểm yếu nhưng những năm qua, các doanh nghiệp ngành da giày đã tăng tốc rất nhanh việc đầu tư phát triển nguyên phụ liệu, cùng đó tự chủ sản xuất, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Lefaso, nhờ sự chuyển dịch đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong ngành, hiện tỷ lệ nội địa hoá nguyên liệu đạt 55% toàn ngành, cá biệt có những loại nguyên liệu nội địa, như giày vải đạt tỷ lệ nội địa hóa 100%, giày thể thao là 80%. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp da giày trong nước lập kỳ tích với với khoảng 1,2 tỷ đôi giày xuất khẩu năm 2020 đưa Việt Nam trở thành đứng nước đứng thứ hai thế giới về lượng xuất khẩu da giày khi chiếm tới trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu.

Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), dù đạt được kim ngạch cao nhưng nhưng tỷ lệ nội địa hoá của ngành thấp, nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng rất lớn với trung bình khoảng 300 triệu USD mỗi năm.

“Trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nguyên phụ liệu chiếm tới 68 - 75%. Trong khi đó, điểm yếu có thể thấy chính là tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm này của doanh nghiệp Việt mới chỉ đạt 40 – 45%”, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho hay.

Bên cạnh đó, dù toàn ngành có 129 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên, phụ liệu, nhưng chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp trong nước đủ sức cung ứng nguồn nguyên liệu cao cấp. Các nguyên phụ liệu cho ngành mới chỉ tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá, còn lại vẫn phải nhập khẩu các phụ liệu như: Da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất…

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp đến từ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước của ngành da giày đạt 75 - 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.