Sau đó, tất cả về nhà ông là Phủ chúa Ngọc Sơn dự bữa tiệc chay. Nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An lấy bà Nguyễn Thị Sương là cháu gái của Công chúa Ngọc Sơn, con gái thứ hai của vua Đồng Khánh. Công chúa Ngọc Sơn lấy Trung quân đô thống Nguyễn Hữu Tiến - Đô thống chưởng phủ sự (tức một trong ba tướng đứng đầu quân đội triều Nguyễn thời bấy giờ).
Ông bà mua ngôi nhà này năm 1920 và bây giờ nó là một trong 10 ngôi nhà rường cổ nổi tiếng ở Huế gọi là Phủ chúa Ngọc Sơn. Đây là nơi giới trí thức Huế hay tụ tập để nghe ca Huế sa lon.
Chiếc bằng (thuyền rồng đôi) chở khách xuất phát từ bến Đông Ba gần Phủ chúa Ngọc Sơn ngược lên sông Hương. Lên phía trên chùa Thiên Mụ, gần Điện Hòn Chén thì thả neo. Và cuộc chơi thả thơ bắt đầu…
Thả thơ, thú vui trí tuệ lôi cuốn và làm say mê nhiều nho sĩ đất Huế xưa trong các phủ đệ ông hoàng bà chúa như phủ Tuy Lý Vương, các hội thơ như Thi Xã, Thi Tửu Hội, cả Phủ chúa Ngọc Sương, và những tối “ngủ đò” trên sông Hương. Thả thơ (hay đánh thơ), tức là lối đỏ đen quý phái bằng vốn kiến thức uyên thâm, sự thông minh nhạy cảm về chữ trong thơ .
Trong Vang bóng một thời nhà văn Nguyễn Tuân đã miêu tả việc chuẩn bị cho ra một đề thơ như sau: “Cụ Nghè Món bắt đầu nghiền lại tập thơ của người xưa. Đường thi, Tống thi, Minh thi; đọc hết một bài, đọc hết một câu, gặp được chữ đột ngột, cụ dừng lại, ghé sát mắt kém vào mặt chữ nhỏ như con kiến, cụ bắt tay lên trán, nghĩ ngợi và lẩm bẩm.
Rồi cụ ngồi nhổm dậy sao cả bài thơ ấy vào một cuốn sách giấy bản mới mẻ. Nhưng thường cụ chỉ trích lấy một câu ở những bài thơ đọc rất kỹ lưỡng đó”.
Bắt đầu cuộc thả thơ, nhà cái gây lư trầm mới, đợi bốc khói thơm, mới mở túi thơ lấy một lá thơ đặt vào cái chén nhỏ, úp ở giữa lòng chiếu trong khoang đò, đó là câu thơ gốc, nhấp ngụm rượu rồi hắng giọng ngâm lên: Quân hướng Tiêu Tương ngã (để trống) Tần.
Các nhà con đặt tiền, ghi câu thơ có vòng khuyên để trống vào sổ rồi bắt đầu vắt óc suy nghĩ, phân tích, chọn chữ. Hết thời gian “chuẩn bị”, mọi nhà con bắt đầu “thả” câu thơ của mình, cũng nhấp ngụm rượu Chuồn, rồi tự xướng, hay nhờ một ca kỹ đi theo ngâm giọng véo von: Quân hướng Tiêu Tương ngã vọng Tần hay Quân hướng Tiêu Tương ngã tại Tần v.v...
Khi những nhà con “thả” hết những câu thơ của mình, nhà cái ngồi quỳ lên, lại gây lư trầm mới, nghiêm trang chắp tay khấn vái, rồi từ từ mở chén thơ, lấy lá thơ gốc, đưa cho ca nhi ngâm lên thánh thót trong tiếng đàn đêm sông diệu vợi: Quân hướng Tiêu Tương ngã hướng Tần.
Người thua, được đều vỗ đùi, choàng vai ca nữ khen ngợi chữ thơ tài hoa mà tác giả thơ dùng. Người được cuộc gom lấy toàn bộ số tiền đặt, nếu tất cả nhà con đều không thả trúng thì nhà cái được.
Đó là không khí thả thơ xưa. Còn từ nhiều chục năm nay việc thả thơ đã vắng bóng ở Huế. Gần đây trong các Đêm Hoàng cung (tổ chức 3 đêm giữa tháng và 3 đêm cuối tháng âm lịch), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phục dựng lại thành công thú chơi thả thơ của Huế xưa.
Khách mua vé vào xem Đêm Hoàng Cung được dự nhiều trò chơi, trong đó có thả thơ, nhưng không chung tiền” thả” như xưa. Ai giành giải nhất, nhì sẽ được thưởng bằng các sản phẩm văn hóa như bức tranh hay bức thư họa chữ Hán đẹp.
Trên thuyền sông Hương, tôi thấy người “cầm cái” trải chiếu hoa rồi bày ra 2 “bàn cờ thơ”, mỗi bàn có 5 ô A, B, C, D, E. Trên cả 2 “bàn cờ thơ” có bày câu thơ thả có chữ khuyên (O) giống nhau. Mỗi bàn có 5 người chơi, mỗi người chơi được phát 5 cái thẻ.
“Nhà cái” mặc áo dài khăn đóng thong thả xướng to câu thơ thả viết trên giấy hồng điều. Thơ thì có thơ chữ Hán của Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, thơ chữ Quốc ngữ có thơ Nguyễn Du (Truyện Kiều), Nguyễn Bính, Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, Anh Thơ...
Người chơi tay cầm cái thẻ, đăm chiêu suy nghĩ chọn một chữ đắc địa nhất trong 5 chữ gợi ý. Ưng rồi thì đặt cái thẻ lên một trong ô A, B, C… Tôi thấy nhà văn Đặng Tiến, nhà triết học Thái Kim Lan, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, Bửu Ý, các “người đẹp” Cẩm Lai, Anh Nga, Minh Tâm đăm chiêu suy nghĩ. Ai cũng hồi hộp khi mọi người đã đặt xong cái thẻ lên ô chữ chọn của mình.
Ban tổ chức (nhà cái) giơ cao phong bì có đựng câu thơ đáp án, rồi từ từ xướng lên. Ví dụ một đề thơ được thả có 2 câu: Tựu trường san sát chân thon/ O O nón mới màu son sáng ngời. Chữ để thả vào vị trí “O O” là: Tung tăng, Xôn xao, Dập dìu, Lao xao, Thung thăng. Khi đáp án được xướng lên: “Đây là hai câu thơ trong bài thơ Tựu trường của nhà thơ Nguyễn Bính: Tựu trường san sát chân thon/ Xôn xao nắng mới màu son sáng ngời”. Thế là mọi người ồ lên vỗ tay thích thú.
Đa số đều đoán sai, chỉ có một hai người đoán trúng. Có khi không ai đoán trúng cả. Nhà cái lại xướng câu thơ thả khác : Tiếc thay lưu lạc giang hồ/ Nghìn vàng O cũng nên mua lấy tài”. Năm đáp án gợi ý kèm theo là: A = nghĩ; B = thực; C = muốn; D = chắc; E = thôi.
Sau tiếng “thả thơ bắt đầu”, có người kêu lên: “Kiều rồi!”. Đúng là Kiều của Nguyễn Du, nhưng chữ thả là A, B, C, D hay E? Chỉ một người thả trúng là thầy Trần Đại Vinh ở khoa văn Đại học Sư phạm Huế với đáp án B. Thả thơ lần ba bắt đầu: “Gió càng to, sóng càng to/ Mấy O cũng đứt, mấy đò cũng xiêu”. Năm đáp án gợi ý là dây, lèo, neo, buồm, thuyền…
Mỗi người chơi 3 lượt thì thay 5 người chơi khác. Cuối cùng chọn số người có số chữ chọn đúng cao nhất, ngồi vào thả thơ chung kết. Trên con thuyền rồng, nhà văn Nguyễn Khắc Phê và nhà giáo - nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế Trần Đại Vinh đã giành giải nhất, được tặng mỗi người một bức thư pháp rất đẹp do nhà thơ – nhà thư pháp Hải Trung thể hiện.
Hải Trung là người đạo diễn các đêm thả thơ trong Đại Nội. Hàng ngàn câu thơ chọn các chữ O trong câu thơ và các chữ ghi trong 5 ô ở “bàn cờ thơ” để “thả thơ” trong Đêm Hoàng Cung và trên đò sông Hương vừa qua đều do nhà thơ- nhà thơ pháp Hải Trung (con của nhà thơ Hải Bằng) chọn và viết.
Những câu thơ chọn, những chữ thơ O thật độc! Hải Trung cho biết, nếu chọn chữ để thả mà kém hơn chữ của câu thơ gốc thì người chơi sẽ dễ phát hiện, dễ đánh trúng, không thú vị. Nên phải chọn các chữ thả thật đắt, ít nhất là phải ngang giá trị chữ bị khuyên của câu thơ, thì người chơi mới vắt óc suy nghĩ, lựa chọn.
Sắp tới có thể thay “thẻ thơ” bằng những đồng tiền xu triều Nguyễn để đặt vào các ô trên bàn cờ thơ. Ai giành được nhiều đồng tiền nhất sẽ được thưởng bằng tiền.
Thả thơ trên sông Hương là thú chơi trí tuệ và văn hóa tao nhã làm cho chúng tôi rất thích thú. Nếu chọn đêm thả thơ là các đêm trăng mười bốn, rằm, mười sáu, những đêm đó, sông Hương là chốn Bồng Lai tiên cảnh, chắc chắn càng thú vị hơn.
Huế là xứ thơ, việc phục dựng thành công thú vui “thả thơ” trong Đêm Hoàng Cung và trên con đò Huế làm cho không gian Huế càng thêm sâu cảm hơn…
Một cuộc thả thơ bao giờ cũng có hai đối tượng: nhà cái và nhà con. Nhà cái là người cầm trịch, hay là người ra đố. Nhà con là người chung tiền thả. Thả không trúng chữ thì mất tiền. Thả trúng thì ăn ba, ăn bảy.
Nhà cái có một túi hàng ngàn câu thơ, gọi là những lá thơ, được công phu chuẩn bị từ cả tháng trước. Lá thơ là mảnh giấy hồng điều hay giấy trắng nho nhỏ, trong đó có ghi những câu thơ ngũ ngôn, thất ngôn hay và khó của các thi sĩ Việt Nam hay thơ Đường, Tống.
Để cuộc thả thơ thêm phần long trọng, nhà cái thường mua loại giấy dó hồng điều hay giấy tàu bạch về rọc ra làm lá thơ. Trong câu thơ chọn họ bỏ khuyết đi một hoặc hai chữ “cốt tử” nhất, được đánh dấu bằng vòng khuyên tròn, thường gọi là chữ vòng (O). Bên dưới có ghi thêm những chữ để thả, đó những chữ có thể thay thế chữ bị khuyết, có thể có và cũng có thể không có chữ bị khuyết.
Ví dụ, lá thơ có câu thơ “Quân hướng Tiêu Tương ngã hướng Tần”, thì lá thơ ghi thành “Quân hướng Tiêu Tương, ngã O Tần”. Còn phía dưới câu thơ, nhà cái ghi 5 chữ để “thả” như cố, tại, vọng, phản, hướng.