Hồ Chí Minh: Nơi “cơn bão” vừa đi qua
Vào những ngày cuối cùng của năm 2021, những người thực hiện chương trình Tết An Bình 2022 tại TP.HCM tới thăm nhà em Hiếu Nghĩa, cha em mới mất không lâu do Covid-19. Nghĩa năm nay lên lớp 7, em sống cùng mẹ và em trai 4 tuổi. Từ ngày ba ra đi Nghĩa ít nói và trầm tính hơn hẳn, bởi em là người sống tình cảm và hiểu chuyện.
Người ta thường nói, đứa trẻ hiểu chuyện không phải tự nhiên mà có, bởi đằng sau đó là những nỗi niềm riêng khiến các em phải giấu đi những đòi hỏi vốn có của mình. Vắng bóng cha, Nghĩa hiểu giờ đây em chính là chỗ dựa cho mẹ và em trai: “Vì ba đã mất, nên em sẽ cố gắng giúp mẹ làm những việc như quét nhà, rửa chén. Em sẽ học thật giỏi và chăm sóc em trai đỡ mẹ”.
Một gia đình khác mà chúng tôi tới trong hành trình của mình là nhà bé Quỳnh Như, em đã mất đi cha và bà nội trong đợt dịch vừa qua. Cha Quỳnh Như là lao động chính trong gia đình, kể từ khi cha ra đi, căn nhà em trở nên chông chênh không có điểm tựa. “Con sẽ học giỏi cho mẹ vui vẻ hơn vì con yêu mẹ rất nhiều”, Quỳnh Như hồn nhiên nói. Khoảnh khắc đó tôi hiểu rằng dù cuộc sống còn đó những nỗi đau mất mát, nhưng còn hy vọng là còn niềm tin, sự hồn nhiên của Quỳnh Như chính là động lực sống mạnh mẽ của cả gia đình.
Câu chuyện của Hiếu Nghĩa và Quỳnh Như là câu chuyện của một trong số hàng ngàn em nhỏ mất cha mẹ trong bão dịch. Theo công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, có tới hơn 1.500 học sinh ở TP.HCM mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ do đại dịch. Chuyến thăm này, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) và Tết An Bình trao tặng 30 suất học bổng trị giá 15 triệu đồng mỗi suất cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn do bố mẹ không may mất vì đại dịch.
Cùng với đó, một món quà tinh thần như “vaccine chữa lành” được những người tổ chức chương trình gửi tới các em đó là những bức thư chứa đựng tình cảm và lời động viên chân thành, trong sáng của các bạn nhỏ là con của cán bộ nhân viên ABBANK từ mọi miền tổ quốc hướng tới những người bạn tại miền Nam thân yêu.
Bằng cả niềm tin và hy vọng của mình, các em cũng gửi chúng tôi một món quà rất đặc biệt để nhờ chúng tôi mang tới cho các bạn nhỏ ở Lào Cai, nơi Tết An Bình 2022 tiếp tục đặt chân tới…
Văn Bàn (Lào Cai): Đường tới con chữ còn gập ghềnh khó khăn
Tiếp tục hành trình Tết An Bình 2022 đến với xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Đoàn mất khoảng 5 giờ để di chuyển từ Hà Nội tới trung tâm xã Dương Quỳ thuộc khu vực 1, nằm ở phía Tây huyện miền núi Văn Bàn. Nơi đây có đến 80% người dân là dân tộc Tày, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm tới 32%. Sinh kế chủ yếu của bà con là trồng lúa nương và phát triển lâm nghiệp, đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Men theo con đường nhỏ uốn lượn ven sườn núi để tới Điểm trường Nậm Hốc, một trong những địa bàn khó khăn nhất của xã và là địa điểm Tết An Bình năm thứ 13 dừng chân. Ngồi trên xe, tôi phóng tầm mắt ngắm thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ, ngắm những con suối nước trong veo, nhìn những bụi lau hai bên đường lung lay trong gió, cảm thấy lòng mình thật bình yên.
Cùng xe chúng tôi có anh Thắm, Bí thư xã Dương Quỳ. Anh kể cho chúng tôi câu chuyện của thầy cô giáo nơi đây hằng ngày vượt qua con đường đèo để mang cái chữ đến với các em nhỏ vùng cao. Có những hôm trời mưa khiến đường trơn trượt, khó đi, không ít thầy cô đã bị té ngã, thậm chí còn gãy chân. Không chỉ là người gieo chữ, dạy phép lễ độ, các thầy cô giáo nơi đây còn là những người kết nối các em với cuộc sống bên ngoài nhiều màu sắc.
Sau khoảng 30 phút di chuyển từ trụ sở xã, chúng tôi đã tới Điểm trường Nậm Hốc. Bước chân xuống cửa xe, cảm nhận đầu tiên là cái lạnh như cắt da cắt thịt nơi vùng cao thấm vào người. Đón đoàn chúng tôi là những ánh mắt tò mò, xen lẫn một chút rụt rè, nhưng khi nhìn thấy flycam bay qua, lũ trẻ ùa lên vui sướng, đôi mắt chúng sáng lấp lánh và đôi môi không ngừng cười nói. Tự nhiên bản thân tôi cũng thấy mình cũng chỉ như một đứa trẻ vậy, cùng ùa vào với cái không khí này. Cũng nhờ có chiếc flycam, mà chúng tôi làm quen với nhau một cách nhanh chóng, lũ trẻ cũng tự tin và mạnh dạn để trò chuyện cùng những người lạ hơn.
Tôi cứ thắc mắc, vì sao lại gọi là “Điểm trường”? Vì ở đây, các lớp học nhỏ được ghép với nhau để các em học sinh có thể tới trường gần hơn. Ở Nậm Hốc, thầy giáo của các bạn nhỏ tên Sâm. Thầy dạy các lớp 1 và lớp 2, hai lớp sắp xếp ngồi xoay lưng vào nhau. Điều kiện học tập còn thiếu thốn cũng không thể nào ngăn cản sự cố gắng vươn lên của các em. Những nét chữ ngay ngắn, thẳng hàng, những bài thơ, câu hát, những ước mơ, hoài bão được các em gửi gắm trong trang vở còn lấm lem.
Chuyến đi này Tết An Bình trao tặng cho Chính quyền và người dân xã Văn Bàn 25.000 cây quế, để góp phần phủ xanh diện tích đất lâm nghiệp của địa phương, đóng góp vào việc phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con. ABBANK cũng trao thêm 20 suất học bổng trị giá 1.000.000 VNĐ/suất cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã.
Gieo mầm xanh hy vọng
Và món quà đặc biệt chúng tôi mang tới đây chính là những bức tranh vẽ cây tặng ba, cây tặng mẹ, cây vẽ ước mơ của Hiếu Nghĩa, Quỳnh Như và các bạn nhỏ ở TP.HCM. Chúng tôi sẽ gửi gắm những bức tranh này để nhờ các em nhỏ tại đây trồng những cây xanh ươm niềm tin và hy vọng về một tương lai tươi sáng của các em.
Lần đầu tiên cầm trên tay món quà đặc biệt của các bạn phương xa, em Bàn Thị Ngọc - học sinh lớp 1 tại Điểm trường Nậm Hốc đã nói với chúng tôi rằng: “Em mong các bạn ở TP.HCM mạnh mẽ vượt qua nỗi đau của mình, cố gắng học tập thật tốt. Em có ước mơ làm ca sĩ và em mong các bạn cùng thi đua với em, để biến ước mơ của em và các bạn ấy thành hiện thực”. Khi thấy đôi mắt các em ánh lên niềm vui, gương mặt các em rạng rỡ khi cầm bức vẽ gửi từ TP.HCM, chúng tôi ai cũng hạnh phúc khi là người đưa thư đặc biệt nhất thế gian này.
25.000 cây quế Tết An Bình 2022 mang tới đã góp phần phủ xanh diện tích đất lâm nghiệp của địa phương, đóng góp vào việc phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con. Cũng chính nơi này những cây cho ba, cây cho mẹ, cây ước mơ của các em nhỏ tại TP.HCM được chúng tôi và những “mầm non” tại Văn Bàn vun xới.
Những tán cây mang theo niềm tin, niềm hy vọng đã được trồng lên. Rồi rễ cây sẽ bám sâu vào đất, hút lấy sinh khí tươi mới và trong lành của vùng đất Dương Quỳ, lớn lên trong sự chăm sóc của các bạn nhỏ trường tiểu học Nậm Hốc. Những tán lá sẽ lớn rộng, tỏa lan yêu thương, hy vọng, lòng biết ơn và cả những kỷ niệm đẹp đẽ, trong trẻo của các bạn nhỏ khắp nơi nơi.
Trải qua những tháng ngày giãn cách, thật hạnh phúc khi lại được hòa mình vào cuộc sống bình thường mới, được hít thở không khí trong lành, cảm nhận hơi ẩm của đất, làn nước mát lành, tự tay vun trồng nên những mầm cây, phủ xanh cho một miền đất mới. Và chúng tôi sẽ còn đi, còn đến. Cuộc sống vẫn ngập tràn những hy vọng và nụ cười.
Mỗi chúng ta đều có ước mơ riêng để theo đuổi và cuộc đời riêng để dệt thêu. Chúng tôi đã có một hành trình ý nghĩa để vun trồng những chồi xanh, thắp lên niềm tin cho những mầm non tương lai của đất nước tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.
Tết An Bình là hoạt động thiện nguyện thường niênđã trở thành “truyền thống” của ABBANK, được phát động từ năm 2010 với mong muốn mang Tết ấm, Tết vui đến với những đồng bào khó khăn trên khắp cả nước. Sau 13 năm phát động, đến nay hình thức và cả ý nghĩa của hành trình Tết An Bình đã mở rộng hơn, không chỉ đơn thuần là mang Tết ấm no đến với các gia đình nhỏ, mà còn hướng tới ý nghĩa bảo vệ môi trường sống và sinh kế cho người dân.
Năm thứ 13 này, 25.000 cây quế là một món quà Tết đặc biệt, thiết thực và ý nghĩa mà ABBANK gửi đến người dân xã Dương Quỳ thông qua chương trình Tết An Bình 2022 – “Gieo mầm xanh hy vọng” với mong muốn góp phần mang lại cuộc sống bình an, tốt đẹp hơn cho bà con, đồng thời từ đó thắp lên hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho những hoàn cảnh kém may mắn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.