TIÊU ĐIỂM KINH TẾ:

Tên gọi mới 2 bộ sau sáp nhập; thông tin tăng lương cao nhất từ trước đến nay

TPO - Thống nhất đề xuất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau sáp nhập; Bộ trưởng Giao thông phát lệnh xây dựng cầu Phong Châu mới; tăng lương cơ sở 30% là cao nhất từ trước đến nay; ô tô Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam; thay đổi đáng chú ý nhất về giấy phép lái xe ô tô... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Thống nhất đề xuất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau sáp nhập

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc hợp nhất Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT.

Theo kết luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT tích cực phối hợp, hoàn thiện Đề án hợp nhất 2 bộ theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18.

Về một số nội dung cụ thể, Phó Thủ tướng thống nhất tên gọi của bộ sau hợp nhất là Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng đề nghị 2 bộ phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan có liên quan rà soát lại các nội dung còn giao thoa như: thú y - chăn nuôi, thủy lợi - quản lý tài nguyên nước, khí tượng thủy văn - phòng chống thiên tai… bảo đảm không chồng chéo với nhiệm vụ của các bộ, cơ quan và tránh trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị thuộc bộ, lấy ý kiến thành viên Ban cán sự Đảng 2 bộ. Trường hợp cần thiết, báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp rà soát, hoàn thiện phương án kiện toàn tổ chức bộ máy của bộ mới sau hợp nhất dựa trên nguyên tắc một cơ quan có thể thực hiện nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.

Bộ trưởng Giao thông phát lệnh xây dựng cầu Phong Châu mới

Hồi tháng 9, cầu Phong Châu cũ bị nước lũ cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Vụ việc khiến việc lưu thông qua hai bên bờ sông Hồng nối huyện Tam Nông với Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) và các địa phương trong vùng gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới.

Người dân và phương tiện di chuyển qua cầu phao, cách cầu Phong Châu cũ khoảng 300 m về phía hạ lưu. Ảnh: Lộc Liên.

Theo phương án được phê duyệt, cầu Phong Châu mới có mức đầu tư hơn 630 tỷ đồng, sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024.

Cầu có tổng chiều dài hơn 650 m, đảm bảo 4 làn xe cơ giới. Cầu được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với bề rộng cầu 20,5m phù hợp với bề rộng nền đường. Phần cầu chính gồm 3 nhịp dầm liên tục; đảm bảo quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, sự cố sập cầu Phong Châu đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, làm gián đoạn giao thông trên tuyến quốc lộ 32C, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân Phú Thọ nói riêng, và các địa phương trong khu vực nói chung. Do đó, việc sớm khắc phục hậu quả và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cầu Phong Châu là nhiệm vụ cấp bách, mang ý nghĩa hết sức quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Lương cơ sở tăng 30% là mức cao nhất từ trước đến nay

Sáng 21/12, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ. Hội nghị có sự tham dự của 2.700 đại biểu tại các điểm cầu.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2024, Bộ Nội vụ đã tham mưu thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương, đột phá là đề xuất thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo lộ trình “hợp lý, thận trọng, từng bước, thiết thực, hiệu quả”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV.

Trong đó có việc điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% - mức tăng cao nhất từ trước đến nay và bổ sung 10% tiền thưởng trên tổng quỹ lương cơ bản cho cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, tạo động lực và nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng, Bộ Nội vụ đã tập trung cao độ tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương với khối lượng công việc “lớn chưa từng có”.

“Đến nay đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề án liên quan trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương bảo đảm tiến độ và đúng yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.

Theo Bộ trưởng, năm 2025, nhiệm vụ của ngành nội vụ rất nặng nề, nên cần có quyết tâm cao hơn, khát vọng lớn hơn; mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nắm bắt tình hình từ sớm, từ xa để kịp thời tham mưu giải quyết tốt những vấn đề đặt ra.

Ô tô Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 11, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam đạt 17.855 chiếc, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tháng 11 này, lượng ô tô nhập khẩu về nước ta lớn nhất kể từ đầu năm.

Ô tô ngoại nhập về Việt Nam chủ yếu từ 3 thị trường chính là Indonesia với 7.350 chiếc, tăng 8% so với tháng trước, nhập từ Thái Lan với 5.664 chiếc, giảm 17,2% và nhập từ Trung Quốc với khoảng 3.770 chiếc, tăng 44%.

Số xe nhập khẩu từ 3 thị trường này đạt gần 16.780 chiếc, chiếm tới 94% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam.

Ô tô Trung Quốc liên tục nhập về nước ta trong năm 2024.

Tính chung 11 tháng, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam gần 160.730 chiếc, tăng 44,4% so với lượng xe nhập về cùng kỳ năm trước. Trong số đó, có gần 132.300 ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống và gần 14.000 ô tô vận tải.

Việt Nam nhập khẩu xe nhiều nhất từ Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc. Trong 11 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 65.310 xe từ Indonesia, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập từ Trung Quốc 28.380 xe, tăng gần 2,9 lần so với năm ngoái.

Đà Nẵng thưởng Tết cao nhất 700 triệu đồng

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng, đã nhận được báo cáo từ 135 doanh nghiệp về kết quả tiền lương năm 2024 và dự kiến kế hoạch thưởng Tết Dương lịch 2025, Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Theo đó, về tiền lương trong năm nay, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trả tiền lương cao nhất hơn 369,4 triệu đồng/tháng, thấp nhất 4,3 triệu đồng/tháng.

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Đà Nẵng.

Về tiền thưởng Tết 2025, các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ thưởng Tết Dương lịch 2025 cao nhất 35 triệu đồng, thấp nhất 300.000 đồng; thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao nhất 46 triệu đồng, thấp nhất 2 triệu đồng.

Các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước thưởng Tết Dương lịch 2025 cao nhất 17 triệu đồng, thấp nhất 200 ngàn đồng; thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao nhất 220 triệu đồng, thấp nhất 1 triệu đồng.

Các doanh nghiệp dân doanh thưởng Tết Dương lịch 2025 cao nhất 1,5 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng; thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao nhất 700 triệu đồng, thấp nhất 200 ngàn đồng.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thưởng Tết Dương lịch 2025 cao nhất 223 triệu đồng, thấp nhất là 100 ngàn đồng; thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao nhất 475,5 triệu đồng, thấp nhất 100 ngàn đồng.

Thay đổi đáng chú ý nhất về giấy phép lái xe ô tô

Theo quy định áp dụng đến hết năm nay của Thông tư 12/2017 của Bộ Giao thông vận tải và Luật Giao thông đường bộ năm 2008, GPLX ô tô có 9 hạng (A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE). Tuy nhiên, khi Luật Giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, GPLX ô tô sẽ tăng lên 12 hạng (B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE).

So với quy định hiện hành, quy định mới có một số điều chỉnh đối với GPLX ô tô. Cụ thể, hạng B được gộp giữa hạng B1 và B2; hạng C dùng để lái xe tải từ 3,5 tấn trở lên đã tách thành C1 lái xe 2,5 - 7,5 tấn và C lái xe trên 7,5 tấn; hạng D trước đây lái ô tô chở 10 - 30 chỗ được tách thành D1 (xe 8 - 16 chỗ) và D2 (16 - 29 chỗ), hạng D chỉ lái ô tô trên 29 chỗ.

Từ ngày 1/1/2025, GPLX ô tô hạng B thay cho hạng B1 và B2 đang áp dụng. Người có GPLX hạng B sẽ lái được những loại xe gồm: Ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3,5 tấn; các loại ô tô quy định cho bằng lái xe hạng B kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg.

Lưu ý, GPLX hạng B1, B2 được cấp trước ngày 1/1/2025 vẫn được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên GPLX. Trường hợp có nhu cầu đổi, cấp lại GPLX từ ngày 1/1/2025 thì GPLX hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang GPLX hạng B, nhưng người có loại giấy phép này chỉ được điều khiển ô tô số tự động.

Từ ngày 1/1/2025, GPLX ô tô sẽ chỉ còn hạng B thay cho hạng B1 và B2 đang áp dụng. Ảnh: Lộc Liên.

Do có sự thay đổi trong phân hạng GPLX ô tô nên thời hạn cũng có sự thay đổi. Trong đó, GPLX hạng B và C1 có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp. GPLX hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

Hiện tại, đối với GPLX ô tô thì hạng A4 và B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp; hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp.