> Tổng Bí thư làm việc với Ban Dân vận Trung ương
Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, tại Hội nghị này, BCH T.Ư sẽ thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế- xã hội năm 2011; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2012 và kế hoạch 5 năm 2011- 2015; xem xét, quyết định việc ban hành Quy định thi hành Điều lệ Đảng; Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định những điều đảng viên không được làm và một số vấn đề quan trọng khác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc xem xét, cho ý kiến về tình hình kinh tế- xã hội hàng năm là công việc thường kỳ của BCH T.Ư. Tuy nhiên, năm nay là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, cùng với việc xem xét tình hình kinh tế- xã hội năm 2011, xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2012, BCH T.Ư xem xét, quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015.
Tình hình kinh tế- xã hội của đất nước lại đang có những khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Trung ương. Vì vậy, Bộ Chính trị đề nghị Trung ương dành thời gian thích đáng cho nội dung này.
Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, Ban Chấp hành T.Ư đề ra mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất để định hướng cho Quốc hội xem xét, quyết định và Chính phủ tính toán các cân đối chủ yếu liên quan phương án tăng trưởng và nguồn vốn đầu tư, cân đối ngân sách, mức lạm phát, nợ công, nhập siêu ở mức hợp lý; tạo cơ sở và điều kiện cho Chính phủ có thể linh hoạt điều hành phù hợp với cơ chế thị trường và tình hình kinh tế đang có nhiều biến động phức tạp.
Về định hướng các giải pháp, Trung ương cần chú ý thảo luận các vấn đề rất quan trọng như đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư, cơ cấu lại đầu tư công; đổi mới, cơ cấu lại thị trường tài chính, tập trung ưu tiên cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính;
Tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn kinh tế nhà nước; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.
Ngoài ra Trung ương cần đưa ra phương hướng giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội cấp bách như giáo dục, y tế, lao động, việc làm...; siết lại kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi các tệ nạn và tiêu cực xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Đề cập về Quy định những điều đảng viên không được làm (Quy định số 115) được Bộ Chính trị khóa X ban hành ngày 7-12-2007, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện một số nội dung thuộc những lĩnh vực quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn ngừa và khắc phục những biểu hiện suy thoái, hư hỏng, tiêu cực trong Đảng; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Ngoài ra, có một số điều qua thực tiễn thấy chưa đủ rõ, có nội dung khó áp dụng, gây khó khăn khi phải xem xét vi phạm của đảng viên; hoặc có nội dung đến nay quy định của Đảng và Nhà nước đã thay đổi nhưng vẫn chưa được điều chỉnh cũng cần được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.
Theo Chương trình, Hội nghị sẽ làm việc đến ngày 10-10.
Cần trả lời câu hỏi kinh tế - xã hội nước ta đang ở đâu
“Vừa qua, các báo cáo, tài liệu của Ban cán sự Đảng Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc; đã lắng nghe, tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp của các ngành và các cơ quan, các chyên gia, các nhà khoa học. Bộ Chính trị cũng đã dành một ngày để nghe và cho ý kiến.
Tuy nhiên, do đây là vấn đề lớn và rất hệ trọng, không ít nội dung còn có ý kiến khác nhau, Bộ Chính trị đề nghị Trung ương căn cứ vào Báo cáo của Ban cán sự Đảng Chính phủ, các tài liệu tham khảo và thực tiễn tình hình ở địa phương, đơn vị mình, tập trung thảo luận với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, làm rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém và những nguyên nhân khách quan, chủ quan; dự báo những khả năng sắp tới.
Ví dụ: cần trả lời câu hỏi, hiện nay kinh tế- xã hội nước ta đang ở đâu; đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất chưa; xu hướng sắp tới thế nào?".
(Trích phát biểu khai mạc Hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)
H.N
Theo TTXVN