Tấp nập cửa khẩu Cầu Treo

TP - Đầu xuân, lượng người có mặt làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hương Sơn – Hà Tĩnh) tăng đột biến. Lao động Việt Nam chuyển hướng chọn các quốc gia gần như Lào, Thái Lan, Campuchia để mưu sinh cho tiện đường đi lại.

> Xế sang cõng hàng lậu rúng động cửa khẩu Cầu Treo
> Thu giữ hơn 1kg ma túy ở cửa khẩu Cầu Treo

Trạm trưởng biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo, ông Trần Đức Hà cho biết: “Tháng tết số người xuất nhập cảnh tăng trên 47.000 người có ngày lên trên 2.000 lượt nên công tác thủ tục xuất nhập cảnh tại Trạm cửa khẩu phải kéo dài từ 7 giờ đến 23 giờ”.

Lượng người lao động đi theo đường cửa khẩu Cầu Treo chủ yếu thuộc các tỉnh phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra đến Hà Nội. Anh Nguyễn Văn Nghiêm (Tương Dương, Nghệ An) nói: “Anh em chúng tôi làm nghề xây dựng bên Lào, những năm trước thường không về quê ăn tết nên đành tụm lại làm mâm cơm sum vầy đón giao thừa để nhớ hương vị tết quê. Năm nay chủ cho anh em về hết, đón tết cùng gia đình đến ngày mùng 10 mới trở lại nước bạn”.

Ngày 22-2, tại cửa khẩu Cầu Treo có khoảng 3.000 lượt khách nối hàng để làm thủ tục xuất cảnh sang Lào và Thái Lan để lao động, làm ăn buôn bán. Ghi nhận chung, lao động Việt Nam chọn các quốc gia lân cận như Lào, Thái Lan, Campuchia… để mưu sinh là vì được sống gần Việt Nam, người dân bản địa của những quốc gia này biết chia sẻ sự đồng cam cộng khổ; mến mộ người Việt.

Anh Nguyễn Hà Anh, 30 tuổi (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) tâm sự: “Trước đây chúng tôi thường đi xa sang các quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia, Nhật để lao động. Tuy nhiên đi xa thường xẩy ra nhiều bất trắc, có người bỏ mạng vì tai nạn lao động mà không có tiền về. Các quốc gia lân cận như Lào, Thái Lan thì thu nhập không cao bằng nhưng được cái gần quê nhà, gia đình có việc mình về quê còn dễ dàng”.

Lao động nông thôn Việt Nam sang đất Lào, Thái Lan chủ yếu là người làm nghề xây dựng, thợ hồ, thợ mộc và dịch vụ giao thương nhỏ. Kinh phí đi lại quá rẻ cho lao động lựa chọn công việc phù hợp trên đất bạn.

Theo Báo giấy