Tập đoàn bịp thơ… xuyên Việt: Chân dung 'trùm thơ'

TP - Đi sâu vào tìm hiểu hoạt động của CLB sáng tác VHNT Việt Nam, phóng viên phát hiện ông “trùm thơ” này còn “qua mặt” một loạt cơ quan chức năng. Vậy ông chủ tịch- nhà thơ- nhà báo Đăng Hạ là ai?

> Nghĩ đủ cách để thu tiền khách thơ
> Tập đoàn bịp thơ…xuyên Việt

“Trùm thơ” Ngô Văn Khích (ngoài cùng bên trái) trao bằng khen cho các hội viên.

“Đại bản doanh” không biển hiệu

Căn nhà số 9/31 nằm khuất sâu phía trong so với mặt đường Phan Trọng Tuệ, nơi có rất ít người qua lại. Nằm trên diện tích mặt bằng khoảng 50 m2, căn nhà được xây 3 tầng. Phía trước căn nhà không có bất cứ một biển hiệu gì. Ai đi qua đây cũng chỉ nghĩ rằng đó là nơi ở bình thường của cư dân nào đó. Hỏi thêm một số người dân sinh sống trong ngõ, ai cũng biết Hạ, mặc dù người này rất ít khi tiếp xúc, giao lưu với họ. Họ biết Hạ về ngõ thuê nhà, sinh sống từ năm 2007. Một thời gian sau, Hạ mua được nhà tại đây để ở, rồi cưới vợ. Họ cũng biết có anh Hạ và vợ thuê người làm, tổ chức in sách thơ cho người già tại nhà từ nhiều năm nay. Nhưng nhiều người dân ở đây không hề biết có một nhà thơ- nhà báo hay ông chủ tịch CLB sáng tác VHNT Việt Nam mang tên Đăng Hạ.

Trong vai là người đang có nhu cầu in tập thơ, chúng tôi bước vào phía trong căn nhà số 9. Phòng phía ngoài tầng 1 được chia làm hai dãy bàn vi tính, ngồi quay lưng vào tường, có 3 cô gái và 1 thanh niên đang cắm cúi đánh máy, sửa bản thảo. Được một cô gái dẫn vào mời ngồi ở chiếc bàn ăn phía trong bếp để đợi Huyền (người chuyên làm giá in thơ với khách), chúng tôi quan sát kĩ thấy một đống thẻ hội viên CLB sáng tác VHNT Việt Nam vứt chỏng trơ trên bàn, bên cạnh đống vỏ nhãn. Phía dưới chếch phía bàn ăn, chúng tôi còn thấy cả một thùng to đựng những cuốn thơ in chung dày cộp, nằm bên cạnh những chiếc nồi, chảo đen xì. Một loạt cuốn thơ được nhắc đến ở những số báo trước cũng được xếp dưới thùng. Đang lật dở cuốn “Thơ Việt đương đại”, Huyền xuất hiện. Trong CLB, Huyền có chức danh là Thư ký.

“Đại bản doanh” của CLB là một căn nhà nằm khuất trong ngõ, không biển hiệu.

“Hôm nay anh Hạ nhà em đi vắng, có gì anh cứ trao đổi với em. Nếu anh muốn in thơ thì phải cho em xem bản thảo, số lượng bài. Lúc đó bọn em mới tính được giá cả. Bọn em cũng phải xin giấy phép xuất bản nữa. Nó cũng không khó lắm đâu!”. Huyền không nói rõ sẽ xin giấy phép ở Nhà xuất bản nào, in ở đâu. Thấy chúng tôi còn trẻ, Huyền tỏ ra nghi ngờ gặng hỏi ai giới thiệu đến. Huyền còn hỏi chúng tôi tên tuổi, nơi ở và có là hội viên của CLB hay không?

Từng bị Nhà xuất bản từ chối cấp giấy phép

“Cậu Đăng Hạ này không có tên tuổi trong giới văn chương nghệ thuật. Tôi có tiếp xúc với cậu này vài lần, láu cá lắm! Cậu này trước kia hay đi làm sách cho các CLB và đến Nhà xuất bản xin giấy phép làm sách. Cách đây một thời gian, tôi có xem một cuốn do cậu ấy làm, đọc mà thấy giật mình. Hình như tập thơ tình Việt Nam thế kỉ 20, bên trong thì toàn các cụ về hưu, cao tuổi làm thơ theo kiểu phong trào. Sau đó cậu ấy có đến xin làm nhiều cuốn khác dưới dạng tương tự như cuốn thơ trên và có dấu hiệu vụ lợi nên đã bị Nhà xuất bản từ chối. Tôi cho rằng kiểu cách làm của cậu này như một người buôn thơ, có dấu hiệu lừa đảo”, nhà thơ Trần Quang Quý, Phó giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, cho biết.

Nhà thơ Trần Quang Quý cầm danh sách Ban Chấp hành trù bị của CLB xác nhận không có ai là nhà thơ chuyên nghiệp.

Nhà thơ Trần Quang Quý còn là Ủy viên Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cho rằng việc ép mua sách, tặng Bằng khen, Kỉ niệm chương để thu tiền là những trò mánh mung, lừa bịp để kiếm tiền. Với việc hoạt động có bổ nhiệm, thu chi, con dấu thì đây gần như là một tổ chức xã hội nghề nghiệp. CLB sáng tác VHNT Việt Nam phải trực thuộc, chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước. Về tính hợp pháp của CLB này là phải được sự cho phép của Bộ Nội vụ hoặc Sở Nội vụ ở các tỉnh nơi có chi nhánh CLB. Còn về hoạt động chuyên môn phải chịu sự quản lý của ngành văn hóa. “Cậu này đã lợi dụng nhu cầu của người làm thơ hiện nay, đặc biệt là những người làm thơ ở các CLB. Chỉ là những hò vè, những câu ca, câu văn có vần, có điệu, các cụ làm cho vui, như là một giải pháp về tinh thần. Họ thể hiện tâm hồn của mình bằng con chữ và muốn in sách để làm kỉ niệm. Tôi biết có nhiều người già nghèo, vì yêu thơ nên nhịn ăn tiết kiệm tiền để được in một tập thơ. Bản thân họ không có lỗi gì vì họ làm thơ không phạm về chính trị. Họ làm thơ không phải để bán. Nhưng trong số đó cũng có không ít người háo danh do được phong là nhà thơ nên đã trở thành nạn nhân của anh này mà không biết”, ông Quý nói.

Giả danh nhà báo

“Khi thuyền đã cập được bến bờ/Ngoảnh lại mới thấy mình…thương quá/Phận trắng đen chẳng ai làm rõ/Nên suốt đời quanh quẩn với hư không/Tôi tìm lại một khoảng mênh mông/Soi tìm lẫn vào quá khứ/Rụt rè lắm nên đành do dự/Thảng thốt giật mình mới biết xa em”- Đó là bài “Do dự” của chính “nhà thơ- nhà báo” Đăng Hạ in ở trang 1.512 trong tập “Thơ hay 3 miền”. Tập thơ này do chính Đăng Hạ là “nhà sản xuất”.

Mang bài thơ trên nhờ một số nhà thơ chuyên nghiệp bình thì họ đều có chung một nhận xét “chỉ là thơ phong trào”, không thể đại diện cho thơ hay ba miền như tên của tập thơ. Phía trên bài thơ này, Đăng Hạ cho đăng ảnh chân dung mình, phần trích ngang lý lịch, những tác phẩm của mình rất hoành tráng. Đăng Hạ liệt kê một loạt chức danh: Hội viên ảnh, báo chí- Hội Nhà báo Việt Nam; Hội VHNT các dân tộc Việt Nam; CLB Thơ Việt Nam; CLB thơ Đường UNESCO; Chủ tịch CLB sáng tác VHNT Việt Nam. Hạ cũng liệt kê 2 tác phẩm thơ đã xuất bản (Hoa ban trắng; Tóc vương mùa) và một cuốn tiểu thuyết sắp xuất bản có tên “Số phận”. Trên trang web cá nhân của Đăng Hạ, khi chúng tôi lần tìm ra còn có chức danh Giám đốc Cty CP Hỗ trợ phát triển truyền thông.

Chân dung “trùm thơ” Ngô Văn Khích. Ảnh: Ngọc Châu - Xuân Phú - PV.

“Tên thật của Đăng Hạ là Ngô Văn Khích, sinh năm 1984, quê quán ở Thanh Hóa, có hộ khẩu thường trú ở thị trấn Văn Điển, Hà Nội”, thượng tá Nguyễn Gia Đường (Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Phú Thọ), đơn vị đã làm việc và đề nghị Đăng Hạ giải tán CLB chi nhánh ở Phú Thọ và ở nhiều địa phương khác, cho biết. Theo thượng tá Đường, từ năm 2008, Ngô Văn Khích thành lập một số Cty tư nhân (như Cty Cổ phần Hỗ trợ phát triển Truyền thông thương hiệu Việt; Cty TNHH Dịch vụ và Tư vấn Thành Phát). Sau đó, Khích đổi tên Cty TNHH Dịch vụ và Tư vấn Thành Phát thành Cty Cổ phần Dịch vụ và Tư vấn Thành Phát và lấy danh nghĩa của chính Cty này để ra quyết định thành lập CLB sáng tác VHNT Việt Nam. Từ ngày 20/6/2013, CLB đi vào hoạt động, Khích lấy địa chỉ nơi ở làm trụ sở hoạt động và đăng ký hòm thư tại Bưu điện Hai Bà Trưng (ở 811, đường Giải Phóng, Hà Nội), để nhận thư từ, tài liệu. Với tiêu chí kết nạp hội viên lỏng lẻo, nên chỉ trong vòng khoảng 5 năm, số hội viên của CLB lên tới 4.500 người, trong khi đó hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện có khoảng 1.000 người.

Cũng xin nói thêm, trong các quyết định có chữ ký và ghi tên“nhà thơ- nhà báo Đăng Hạ”, qua xác minh tại Cục Báo chí (Bộ Thông tin truyền thông) và các cơ quan báo chí, Ngô Văn Khích không làm việc cho bất cứ một cơ quan báo chí nào. Cả hai cái tên trên đều không có trong danh sách những người được cấp Thẻ nhà báo. Do vậy Khích không thể tự phong cho mình là: Nhà báo Đăng Hạ.

“Qua mặt” một loạt cơ quan chức năng

Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, ra ngày 21/4/2010, quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, trước khi thành lập CLB, Ngô Văn Khích phải được sự cho phép của Bộ Nội vụ, vì CLB có phạm vi hoạt động cả nước. Khi làm con dấu tròn cho CLB, Khích phải đăng ký xin phép cơ quan công an. Khi tổ chức in, trao Bằng khen, Kỉ niệm chương thì phải căn cứ vào Luật Thi đua- Khen thưởng. Tuy nhiên, qua xác minh các cơ quan chức năng, CLB của Khích đã hoạt động trái luật. Một câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao trong một thời gian dài, Ngô Văn Khích cùng CLB của mình hoạt động mà không bị kiểm tra, ngăn chặn? Mới đây, Công an tỉnh Phú Thọ đã vào cuộc, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc đề nghị CLB chấm dứt hoạt động.

Theo Báo giấy