Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai và Bí thư thứ nhất T.Ư Ðoàn Lê Quốc Phong chủ trì buổi thảo luận chuyên đề. Cùng dự có Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị; Bí thư thường trực T.Ư Ðoàn Nguyễn Anh Tuấn.
Hai nhóm thanh niên cần quan tâm
Tại buổi thảo luận, Trưởng Ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai thông tin: Cơ cấu phát triển kinh tế Việt Nam đang đi tương đối nhanh. Ðến nay nông nghiệp chỉ còn đóng góp trên 15%, cụ thể đến 2017 thì nông nghiệp gần như cán đích tham gia vào GDP là 15.34%. Vấn đề đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang có chiều hướng phát triển khi tăng 12 bậc, hiện đứng thứ 47/127 quốc gia... Mục tiêu đến năm 2045, mức thu nhập của người dân vượt qua mức trung bình. “Nếu lớp trẻ được chuẩn bị tốt hơn thì mục tiêu đó sẽ hoàn thành nhanh hơn”, bà Trương Thị Mai nói.
Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh, các phong trào, hoạt động của Ðoàn phải thiết thực, hiệu quả, việc làm ấy không chỉ thanh niên nhìn nhận tổ chức Ðoàn mà nhân dân, Ðảng, Nhà nước phải nhìn thấy rõ điều đó. Tổ chức Ðoàn phải tạo cho lớp trẻ có môi trường, không gian tốt trong việc nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. “Chúng ta có rất nhiều chính sách và mong muốn làm những điều tốt đẹp cho thanh niên. Chính sách thì nhiều nhưng nguồn lực của chúng ta có hạn. Ðoàn cần sắp xếp các nguồn lực hợp lý để có thể hỗ trợ cho thanh niên tốt hơn”, bà Mai đề nghị.
Bà Trương Thị Mai lưu ý: “Có hai nhóm thanh niên Ðoàn cần quan tâm. Nhóm thanh niên đi đầu như giảng viên, nhà khoa học trẻ, cán bộ trẻ giỏi…, để tạo cảm hứng, lan tỏa, dẫn dắt một lực lượng lớn của thanh niên góp phần phát triển đất nước. Nhóm nữa cần quan tâm là những thanh niên yếu thế, không để họ bị bỏ rơi, mất phương hướng trong cuộc sống với cộng đồng xã hội”.
“T.Ư Ðoàn cần tập trung nâng cao chất lượng cán bộ; trang bị cho cán bộ Ðoàn ứng xử với các tình huống khẩn cấp; phân tích các yếu tố để kịp thời định hướng thông tin cho giới trẻ trong bối cảnh kết nối cộng đồng mạng xã hội mạnh”, bà Mai đề nghị.
Cán bộ Ðoàn phải kết nối với thanh niên
Sáng cùng ngày, Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Ðoàn lần thứ 3 - khoá XI đã tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu về dự thảo các nội dung đã trình. Hội nghị đã thông qua đề án Hội đồng Ðội Trung ương khoá VIII, giai đoạn 2018-2023; cho ý kiến về việc thành lập Hội đồng Ðội Trung ương khoá VIII gồm 38 người. Bí thư T.Ư Ðoàn Nguyễn Ngọc Lương được phân công giữ chức Chủ tịch Hội đồng Ðội Trung ương khoá VII.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư thứ nhất T.Ư Ðoàn Lê Quốc Phong cho rằng, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng đối với ÐVTN là vấn đề quan trọng, cần làm thường xuyên, liên tục; phải thường trực trong suy nghĩ, nhận thức của đội ngũ cán bộ Ðoàn, nhất là cán bộ chủ chốt. Ðể làm tốt công tác nắm bắt, định hướng tư tưởng và bồi đắp lý tưởng cho thanh niên, cán bộ đoàn cần làm tốt việc phát huy điển hình sau tuyên dương, tương tác với thanh niên.
“Cán bộ đoàn các cấp phải tiếp cận được thanh niên, phải lắng nghe, trao đổi trực tiếp với thanh niên và phải có cách tác động, định hướng cho thanh niên trong những vấn đề cụ thể. Mỗi cán bộ Ðoàn phải giữ kênh kết nối với thanh niên để nắm chắc vấn đề. Phương thức thì đa dạng nhưng chúng ta phải tăng cường tiếp xúc với thanh niên nhiều hơn để đảm bảo trách nhiệm của mình trong vai trò vừa cán bộ vừa thủ lĩnh”, anh Phong lưu ý.
Về thực hiện chủ đề công tác năm 2018 là “Tuổi trẻ sáng tạo”, anh Lê Quốc Phong nêu rõ, T.Ư Ðoàn đã ban hành hướng dẫn, khởi động ngân hàng ý tưởng sáng tạo và hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu về ghi nhận ý tưởng sáng tạo, giải pháp và có nhiều thảo luận... “Ðến thời điểm này, tôi nghĩ cần có đánh giá 6 tháng đầu năm mức độ tập trung về chủ đề này của các cấp bộ đoàn có đủ mạnh, đã tạo không khí sáng tạo mới trong thanh niên cả nước. Tôi đề nghị việc tạo điều kiện, môi trường, không gian thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong thanh niên ở mỗi tỉnh, thành đoàn cần có sự đánh giá sâu đến tận cơ sở”, anh Phong đề nghị.
Anh Lê Quốc Phong mong muốn các tỉnh, thành đoàn tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ các hoạt động của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2018, thực hiện các công trình, phần việc đã xác lập đảm bảo chất lượng. Các cấp bộ đoàn cũng cần dành sự quan tâm để kịp thời chỉ đạo và giám sát chặt chẽ các đội hình, tránh xảy ra các tình huống xấu, những vụ việc không hay.
Cần có giải pháp khác nhau cho mỗi đối tượng
Chị Ðinh Thị Phương, Bí thư Tỉnh Ðoàn Ninh Bình cho rằng, mỗi đối tượng thanh niên, mỗi lĩnh vực thanh niên có những thách thức khác nhau, do đó tổ chức đoàn cần có những giải pháp khác nhau. “Như lĩnh vực hỗ trợ thanh niên nông thôn làm kinh tế, Tỉnh Ðoàn Ninh Bình tổ chức các cuộc đối thoại với các cấp chính quyền để giúp thanh niên tháo gỡ những khó khăn, nhu cầu của thanh niên. Cụ thể, hỗ trợ cho thanh niên tiếp cận các nguồn vốn, kiến thức về kỹ thuật, khoa học công nghệ, làm sao để tạo ra sản phẩm chất lượng cũng như kết nối cung cầu để giải quyết đầu ra cho sản phẩm”, chị Phương nói.