Thận trọng khi tăng khai thác dầu thô
Báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội những tháng đầu năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đã phục hồi tốt hơn so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP quý I đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ (5,48%), trong đó chủ yếu do lĩnh vực khai khoáng giảm 9,7%, riêng lĩnh vực dầu thô giảm đến 14,2%...
“Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như Quốc hội đã đề ra”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý là mức tăng trưởng của quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây. Do đó, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7%. “Với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%”, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, do việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào các ngành khai khoáng, chưa tìm được động lực mới thay thế, và chưa tận dụng khai thác được thị trường nội địa.
Ông Thanh cũng đề nghị Chính phủ cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động như thế nào đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách... “Cần cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng”, ông Thanh nhấn mạnh.
Tập trung xử lý hạn chế của nền kinh tế
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ, xử lý một số hạn chế của nền kinh tế như việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa từng tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Chú trọng nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh, từng bước áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế.
Đối với những dự án thất thoát, thua lỗ lớn, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình sẽ xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Đồng thời tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài. Có cơ chế chính sách phù hợp đối với từng trường hợp, cũng như xác định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Ủy ban Kinh tế lưu ý Chính phủ cần kiểm soát đặc biệt đối với những tổ chức tín dụng yếu kém và quản lý chặt chẽ vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ.
Ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, do việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào các ngành khai khoáng, chưa tìm được động lực mới thay thế, và chưa tận dụng khai thác được thị trường nội địa.
Chính phủ điểm danh 9 địa phương có việc bổ nhiệm “người nhà”
Theo báo cáo của Chính phủ, công tác cán bộ còn những yếu kém, một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận. Trong đó, có 9 địa phương gồm: Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng có 58 trường hợp là người nhà. Bên cạnh đó, còn có 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm. Hiện lại tiếp tục có phản ánh tại Hải Dương, Hải Phòng đang được kiểm tra, làm rõ. Một số cơ quan như Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa có 8 phó giám đốc; Sở TN&MT Bình Định có 6 phó giám đốc sở; Sở LĐ, TB &XH tỉnh Hải Dương có 44 lãnh đạo/46 công chức; Sở NN&PTNT Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo.