Tăng trưởng GDP thấp nhất trong 10 năm gần đây

TPO – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tăng trưởng GDP năm 2009 ước tính ở mức 5,2%, thấp nhất trong 10 năm gần đây. Bội chi ngân sách được khống chế ở mức 6,9% GDP.

Trong năm 2010 Chính phủ sẽ thực hiện quyết liệt 6 biện pháp để đạt tăng trưởng GDP 6,5%, thu nhập bình quân đầu người 1.200 USD.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, trong năm 2010 Chính phủ sẽ thực hiện quyết liệt 6 biện pháp chính để đạt tăng trưởng GDP 6,5%. Ảnh: TTXVN

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, khai mạc sáng nay, 20/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động nghiêm trọng đến kinh tế nước ta, nhất là xuất khẩu, đầu tư, du lịch.

Tuy nhiên, nhờ các giải pháp tổng hợp, chúng ta đã sớm ngăn chặn được đà suy giảm và Việt Nam được đánh giá là nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Theo dự báo của ADB được công bố đầu tháng 9, tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở mức 4,7% cao hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore...

Thủ tướng cũng cho biết, mặc dầu phải giảm các khoản thuế, tăng chi cho kích thích tăng trưởng và an sinh xã hội nhưng nhờ sớm ngăn chặn được suy giảm, sản xuất kinh doanh phục hồi và có bước phát triển nên tổng thu ngân sách nhà nước năm 2009 dự kiến đạt khoảng 390,65 nghìn tỷ, bằng 100,2% kế hoạch dự toán; bội chi ngân sách được khống chế ở mức 6,9% GDP. Tỷ lệ dư nợ quốc gia so với GDP khoảng 29,7%, vẫn trong giới hạn an toàn.

”Các biện pháp kiềm chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu cũng góp phần giảm tỷ lệ nhập siêu còn khoảng 16,5% so với 28,8% năm 2008. Nhìn chung giá cả tương đối ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng ước cả năm tăng khoảng 7%”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết.

Thủ tướng cũng chỉ ra 5 hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Đó là tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 thấp nhất trong 10 năm gần đây. Tăng trưởng chủ yếu vẫn theo chiều rộng, cơ cấu kinh tế kém hiệu quả, năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp. Các cân đối vĩ mô của nền kinh tế chưa thật vững chắc.

Việc điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chưa thật linh hoạt, dẫn đến tình trạng găm giữ đô la, gây căng thẳng không đáng có và cán cân thanh toán tổng thể đã bị thâm hụt, trong khi nguồn ngoại tệ của đất nước vẫn khá dồi dào.

Điểm yếu nữa là kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế thị trường chưa có bước cải thiện đáng kể và vẫn là những điểm nghẽn của tăng trưởng. Bên cạnh đó, do tác động của suy giảm kinh tế, việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn nhiều khó khăn.

Chỉ tiêu tạo việc làm, xuất khẩu lao động không đạt kế hoạch, tỷ lệ lao động thất nghiệp thành thị tăng (4,66% so với 4,65% năm 2008). Kết quả cải cách hành chính nhìn chung vẫn còn thấp. Năng lực xây dựng thể chế còn yếu.

Về mục tiêu phát triển năm 2010, Thủ tướng Chính phủ cho biết, theo nhiều dự báo, kinh tế toàn cầu năm 2010 sẽ có chuyển biến tích cực hơn, nhưng khó khăn còn nhiều, những tín hiệu phục hồi vẫn còn yếu, nhất là những nền kinh tế hiện là nguồn đầu tư và thị trường xuất khẩu lớn của nước ta. Chính phủ cũng đề ra 6 giải pháp chính.

Cụ thể Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh sản xuất, phát triển dịch vụ; khẩn trương xây dựng đề án và thực hiện một bước tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích phát triển kinh tế đã đề ra trong năm 2009 theo đúng nội dung và thời hạn quy định; đồng thời ban hành các chính sách mới hướng vào việc tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh.

Đánh giá về những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2009, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Hà Văn Hiền cho rằng dù nền kinh tế nước ta đã sớm thoát khỏi suy giảm, giữ được sự ổn định nhưng vẫn tồn tại không ít hạn chế, còn nhiều yếu tố tiềm ẩn bất ổn.

Theo đó, bội chi ngân sách cao trong nhiều năm trở lại đây. Năm 2009 mức bội chi dự kiến là 6,9% GDP. Đó là chưa tính đến các khoản chi từ nguồn trái phiếu Chính phủ và một số khoản chi khác.

“Nợ Chính phủ tăng cao, năm 2008 khoảng 36,5% GDP, năm 2009 ước lên đến 40% GDP, năm 2010 dự kiến khoảng 44% GDP, nếu không có giải pháp quyết liệt để giảm dần bội chi ngân sách thì trong vài năm tới, nợ Chính phủ sẽ tiến dần đến mức giới hạn an toàn được cảnh báo”- Ủy ban Kinh tế cảnh báo.

Cũng theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, dự báo năm 2009 có 7 chỉ tiêu không đạt kế hoạch như: tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 9,9%, tạo việc làm đạt 88,5% kế hoạch (kế hoạch 1,7 triệu người, ước đạt 1,51 triệu), tốc độ tăng tuyển mới đại học, cao đẳng kế hoạch 11,4%, ước đạt 9,2%, tốc độ tăng tuyển mới trung cấp chuyên nghiệp kế hoạch 15,6%, ước đạt 11,4%. Đây là những chỉ tiêu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng và phát triển trong các năm sau.

Trong chiều nay, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển sẽ trình bày báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2010, và báo cáo thẩm tra.

Một số chỉ tiêu chính của kế hoạch năm 2010

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5% so với năm 2009; bình quân đầu người khoảng 1.200 USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2009. Bội chi ngân sách nhà nước 125,5 nghìn tỷ đồng, bằng 6,5% GDP. Chỉ số tăng giá tiêu dùng khoảng 7%.

Năm 2010 sẽ phấn đấu tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,5 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài; Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; Diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người là 13,5 m2.