Tăng trưởng GDP bứt phá lớn

TPO - TS. Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho biết, kết quả tăng trưởng GDP năm nay có sự bứt phá lớn, với dự báo đạt 7%. Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng đạt GDP 6,5 - 7% trong năm 2025 và phấn đấu mức 7 - 7,5%. Trong dài hạn, Chính phủ quyết tâm tăng trưởng hai con số khi tháo gỡ được các điểm nghẽn.

Tăng trưởng GDP vượt dự báo?

Tại hội thảo “Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội”, ngày 12/12, ông Lương Văn Khôi cho biết, kết quả tăng trưởng GDP năm nay có sự bứt phá lớn, với dự báo đạt 7%, lấy lại đà tăng trưởng như trước thời kỳ COVID-19. Nếu so với các nước ASEAN, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào tháng 10 thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao nhất khu vực.

Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, xu hướng thế giới năm 2025, tình hình địa chính trị toàn cầu tiếp tục bất định, khó đoán định. Thậm chí có khả năng sẽ phức tạp hơn nữa. Môi trường kinh tế toàn cầu sẽ có sự cải thiện hoặc tương đương năm nay.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5 - 7% trong năm 2025 và phấn đấu mức 7 - 7,5%. Trong dài hạn, Chính phủ quyết tâm tăng trưởng hai con số khi tháo gỡ được các điểm nghẽn.

“Việt Nam đang hướng đến tăng trưởng GDP đạt hai con số và không có nhiều hoài nghi về câu chuyện này. Trong đó, yếu tố cốt lõi nằm ở chỗ nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”, ông Khôi nhấn mạnh.

Ông Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Theo ông Khôi, với nền kinh tế Việt Nam, một số động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2025 bao gồm: Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát trong năm 2025; cả ba khu vực kinh tế tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn. Mức sống dân cư có sự chuyển biến và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt để giúp thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước. Tình hình xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng tích cực.

Ông Barry Weiblatt David - Giám đốc Khối phân tích Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT - dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 có thể đạt 6,9%. Tuy nhiên, nếu giải ngân đầu tư công có thể đạt 100%, tăng trưởng GDP có thể cao hơn 8%, thậm chí 9%. Tuy vậy, Chính phủ cần tiếp tục đẩy nhanh việc giải quyết những khó khăn cho khu vực doanh nghiệp.

Kinh tế Việt Nam năm 2025 nhiều điểm sáng

Theo ông Hoàng Xuân Trung - Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp - Ngân hàng Citi Việt Nam, trong thời gian tới kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng. Tăng trưởng GDP tiếp tục tăng trong những năm tới và giúp thu nhập bình quân đầu người tăng, trong khi đó dân số trẻ, thường có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, sẽ kích thích tiêu dùng nội địa.

Các biện pháp cải cách mạnh mẽ như sáp nhập, tinh giản bộ máy đã góp phần tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao khả năng ứng phó của nền kinh tế trước những biến động bất ngờ. Thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Ngành ngân hàng cũng hưởng lợi từ những chuyển biến tích cực này, đồng thời việc mua lại trái phiếu đã góp phần hạn chế tình trạng doanh nghiệp phá sản.

"Ngày càng nhiều tổ chức quốc tế nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao, cũng là một điểm sáng tích cực", ông Trung nói.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, năm 2025, Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Điều này có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa công nghiệp. Gần đây công ty công nghệ bán dẫn hàng đầu của Mỹ như Nvidia đã quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm đặt trung tâm R&D đầu tiên của Nvidia tại ASEAN. Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, tạo nền tảng để cho một giai đoạn phát triển mới.