Tăng thuế nội địa
Dù thuế nhập khẩu ô tô, xăng dầu từ khu vực ASEAN giảm về 0%, nhưng người Việt vẫn phải mua ô tô, xăng dầu giá cao đã thành hiện thực. Điều này do thuế nhập khẩu giảm, nhưng các dòng thuế nội địa (thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô, hay thuế môi trường với xăng dầu) lại tăng. Đó là minh chứng rõ nhất cho câu chuyện hội nhập nhưng người dân vẫn không được dùng hàng giá rẻ như lý thuyết về hội nhập từng mang đến kỳ vọng cho họ.
Trong 3 năm gần đây, tổng thu ngân sách nhà nước luôn vượt mục tiêu đề ra, nhưng phần vượt đều thuộc ngân sách địa phương (và đều từ tiền sử dụng đất). Riêng ngân sách trung ương chỉ đạt số dự toán vào phút chót, do các dòng thuế xuất - nhập khẩu giảm (số thu thuế này chủ yếu nộp về ngân sách trung ương).
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương, như: Cộng đồng kinh tế ASEAN, ASEAN - Trung Quốc/Hàn Quốc/Nhật Bản/Ấn Độ/Úc; Việt Nam - Nhật Bản/Hàn Quốc/Liên minh Kinh tế Á-Âu… Riêng năm 2018, các FTA giữa ASEAN-Trung Quốc/Hàn Quốc sẽ cắt giảm hơn 400 dòng thuế nhập khẩu từ 5 đến 10% hiện nay về 0%; hay trên 90% dòng thuế theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cũng về 0% (như: Ô tô, linh kiện phụ, sắt thép…). Đa số các dòng thuế cắt giảm trên là các hàng hóa có giá trị cao, số thuế nộp ngân sách lớn. Do đó, từ năm nay trở đi, số hụt thu ngân sách nhà nước từ thuế xuất - nhập khẩu sẽ ngày càng lớn. Bộ Tài chính tính toán, số thu ngân sách nhà nước từ thuế xuất - nhập khẩu 3 năm 2018-2020 sẽ giảm tương ứng các năm là 30.150 tỷ đồng, 36.340 tỷ đồng, và 43.965 tỷ đồng.
Ở phần ngược lại, chi ngân sách nhà nước vẫn liên tục tăng. Theo Báo cáo chi tiêu công do Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Tài chính thực hiện công bố cuối năm ngoái cho thấy, giai đoạn 2011-2015, chi tiêu công bình quân chiếm 29,2% GDP, tăng 0,3% GDP so với giai đoạn trước đó. Cùng thời gian, chi thường xuyên chiếm tới 70% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm (tăng 7% so với giai đoạn trước đó). Ngoài ra, chi trả lãi và nợ gốc của Chính phủ cũng tăng nhanh, năm 2015 khoản chi này chiếm tới 23% tổng thu ngân sách nhà nước…
Từ các phân tích trên có thể thấy, sức ép với tăng thu ngân sách đang đè nặng lên Bộ Tài chính. Điều này lý giải cho các đề xuất tăng thuế nội địa liên tục được Bộ Tài chính đưa ra gần đây, như tăng thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân… Và tương lai, điều này vẫn tiếp diễn, khi con số hụt thu từ thuế xuất - nhập khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước.
Gánh nặng đổ đầu dân
Trong khi thuế xuất - nhập khẩu giảm, mở rộng cơ sở thuế chưa nhiều, chống thất thu chưa hiệu quả, Bộ Tài chính lựa chọn cách dễ nhất là đề xuất tăng thuế nội địa để bù hụt thu (đặc biệt với ngân sách trung ương). Điều này đồng nghĩa gánh nặng hội nhập lại đổ lên đầu từng người dân Việt Nam.
Một chuyên gia tài chính (xin giấu tên) cho rằng, với sức ép chi thường xuyên cao, quy mô nợ lớn (trên 60% GDP), giảm thu do hội nhập… sẽ buộc Bộ Tài chính phải tính tới tăng thuế nội địa. Cùng đó, số vượt thu những năm gần đây chủ yếu từ tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận để lại của doanh nghiệp nhà nước, những khoản thu này đều không bền vững. “Chẳng ai muốn tăng thuế nội địa, vì tăng thuế sẽ khiến người dân phản ứng, nhưng không tăng sẽ không có nguồn để chi. Điều này buộc Bộ Tài chính phải tính toán”, vị chuyên gia này đánh giá.
Muốn không tăng thuế chỉ có cách giảm chi tương ứng với mức hụt thu. Nhưng theo chuyên gia trên, điều này rất khó, do chi thường xuyên nuôi bộ máy lớn, nhưng tinh giản biên chế không được (thậm chí bộ máy còn phình thêm). Còn việc vay mượn cũng không dễ, khi nợ công đã gần chạm trần, hay ngăn chặn thất thu thuế chưa hiệu quả. Từ đó chỉ còn con đường tăng thuế nội địa.
Cùng đó, có thể bù một phần hụt thu từ chống thất thu thuế, chuyển giá, như năm 2016 - 2017, ngành Thuế rà soát sơ bộ đã tăng thu gần 5.000 tỷ đồng tiền thuế mỗi năm với hộ kinh doanh. Theo các chuyên gia, điều này cho thấy tình trạng thất thu thuế, thậm chí “ăn chia” thuế vẫn diễn ra phổ biến. Nếu ngăn chặn được phần này, mức độ tăng thuế nội địa sẽ được giảm bớt.
Theo chuyên gia thống kê Bùi Trinh (Tổng cục Thống kê), việc tăng thuế nội địa là “trái đắng” của hội nhập. Khi Việt Nam hội nhập quá nhanh, cắt giảm thuế quan đồng loạt trong khi trong nước chưa có chuẩn bị, dẫn tới nguồn thu sụt giảm, trong khi số bù chưa có. “Chúng ta hội nhập với mong muốn người dân được hưởng lợi, khi hàng hóa rẻ hơn, doanh nghiệp phát triển thu ngân sách cũng nhiều hơn. Nhưng thực tế ngân sách và người dân chưa được cảm nhận lợi ích từ hội nhập, đã phải đối mặt với gánh nặng đóng góp, do thuế nội địa tăng lên để bù hụt thu ngân sách. Như năm qua, báo chí rầm rộ đưa tin về kỳ tích xuất nhập khẩu, nhưng người dân được gì, hay chỉ lợi cho mấy ông nước ngoài gia công ở Việt Nam”, ông Trinh nói. Xu hướng tăng thuế nội địa, theo ông Trinh, còn tiếp tục kéo dài, do các dòng thuế xuất – nhập khẩu vẫn cắt giảm, còn chi tiêu vẫn lãng phí, tốn kém, tham nhũng…
TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, nợ công cao, số thu ngân bị ảnh hưởng bởi giảm thuế do hội nhập sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới từng người dân. Vì để có tiền trả nợ, nhà nước phải: Tăng thuế để tăng nguồn thu; Cắt giảm các khoản đầu tư cho phúc lợi xã hội, như giảm trợ cấp cho giáo dục, y tế, khiến người dân phải trực tiếp trả những khoản này cao hơn; Giảm đầu tư công khiến tăng trưởng chậm lại. Từ đó, dẫn tới kinh tế vĩ mô bất ổn, doanh nghiệp khó khăn làm thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội gia tăng…
Theo thống kê của Bộ Tài chính, riêng cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN, Trung Quốc và Hàn Quốc đã khiến ngân sách hụt thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Cụ thể, số thu thuế nhập khẩu xăng dầu từ ASEAN năm 2017 chỉ còn khoảng 174 tỷ đồng so với số thu 5.800 tỷ đồng năm 2016 và 13.500 tỷ đồng năm 2015; số thu thuế xăng dầu nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2016 chỉ còn 898 tỷ đồng so với con số hơn 3.712 tỷ đồng năm 2015 (giảm 76%).